An Giang: Vừa sạt lở nghiêm trọng lại cấp phép khai thác cát?!

Chỉ hơn 10 ngày sau khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng ở sông Vàm Nao, UBND tỉnh An Giang đã cấp phép cho một doanh nghiệp đến huyện Chợ Mới khai thác cát. Việc làm này khiến người dân phản ứng dữ dội.

Người dân ở Cồn Cũ thuê đò ngăn chặn các phương tiện khai thác cát. Ảnh: TR.L

Sạt lở luôn được đặt trong tình trạng “báo động đỏ”

Như Lao Động đã thông tin, ngày 22.4 vừa qua, tại khu vực sông Vàm Nao (ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã xảy ra sạt lở kinh hoàng. Chỉ trong phút chốc, cả 16 ngôi nhà dân đã bị “hà bá” nuốt chửng. Ngay sau đó, sạt lở lan rộng, uy hiếp các vùng thượng nguồn ở An Giang. Riêng ở huyện Chợ Mới, sạt lở luôn được đặt trong tình trạng “báo động đỏ”.

Giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” đó, thì bất ngờ ngày 5.5 (chỉ hơn 10 ngày sau khi vụ sạt lở xảy ra), ông Lâm Quang Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - đã ký quyết định số 1387/QĐ-UBND, phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực dự án nạo vét trên rạch cù lao Giêng thuộc các xã Tấn Mỹ, Bình Phước Xuân, Mỹ An, Hội An và thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới cho Cty TNHH MTV Dương Khang. Cty này được cấp quyền khai thác với giá 15.000 đồng/m 3 cát và số tiền phải nộp hơn 300 triệu đồng/năm; trữ lượng được cấp quyền khai thác là 480.000m 3 .

Quyết định trên đã bị người dân địa phương phản ứng quyết liệt. Bà con lo sợ rằng, ở xã Mỹ Hội Đông gần đó vừa xảy ra sạt lở nghiêm trọng, nay lại cấp phép khai thác cát, liệu có làm vấn nạn sạt lở “lây lan” với mức độ trầm trọng hơn.

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng ở sông Vàm Nao ngày 22.4. Ảnh: TR.L

Dân tự cứu mình bằng cách gom tiền đi ngăn chặn khai thác cát

Vì bức xúc, nên ngày 19.5 vừa qua, khi thấy 3 chiếc xáng cạp đang “ăn cát” trên nhánh sông Tiền, hàng chục người dân sống ở Cồn Cũ (thuộc ấp Tấn Thuận, xã Tấn Mỹ) đã cùng nhau phát động gom tiền thuê chiếc tàu đò ra sông ngăn chặn, yêu cầu các phương tiện phải ngưng khai thác cát. Trước phản ứng quyết liệt của người dân, các phương tiện đã chịu dừng khai thác.

Ông Đoàn Văn Đống (sống ở Cồn Cũ) nói: “Ở huyện này sạt lở vốn đã rất nghiêm trọng, tui không hiểu sao lại cho phép khai thác cát. Việc cấp phép này cũng không có tổ chức họp dân. Giờ những người dân chúng tui phải tự cứu mình bằng cách gom tiền đi ngăn chặn khai thác cát”.

Cồn Cũ hiện có hơn 200 hộ dân sinh sống, có chiều dài hơn 2.000m và chiều rộng khoảng 500m. Cả cồn chỉ có con đường và cây cầu duy nhất. Do sạt lở những năm qua mà chiều dài cồn bị ngắn lại, chỉ còn khoảng 1.800m.

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng ở sông Vàm Nao ngày 22.4. Ảnh: TR.L

Ông Trương Trung Lập – Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới - cho biết: “Dự án này là chủ trương của tỉnh không phải của huyện. Do quyết định đưa về hơi trễ, nên chưa kịp thông báo đến người dân, khiến bà con phản ứng. Số cát khai thác sẽ được dùng để xây dựng khu tái định cư cho 106 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở ở Mỹ Hội Đông trước đó”.

Theo bà con, điều khó hiểu là trong quyết định cấp phép nói rằng phạm vi khai thác là trên con rạch Cù Lao Giêng. Trên thực tế, đây là một nhánh của sông Tiền, rộng đến 500-700m, chứ không phải "con rạch" như trong quyết định. Còn nếu nói khai thác cát để nạo vét dòng chảy thì càng khó hiểu, vì ở con sông này, trước giờ hầu như không có tàu bè lớn nào qua lại. Ngoài ra, trong quyết định cũng không nói mục đích của việc nạo vét để làm gì.

Để làm rõ vụ việc, phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Phạm Sơn – Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang; ông Sơn yêu cầu phóng viên liên hệ trực tiếp gặp ông Thi, vì trách nhiệm phát ngôn của UBND tỉnh thuộc về ông này. Tuy nhiên, khi phóng viên gọi điện liên lạc thì ông Thi không nghe máy!

TRẦN LƯU

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/an-giang-vua-sat-lo-nghiem-trong-lai-cap-phep-khai-thac-cat-668359.bld