An Giang: Tăng cường các biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường

Văn bản số 2300 /SGDĐT-CTTT được Sở GD&ĐT An Giang ban hành ngày 1/12/2016 yêu cầu các đơn vị thực hiện có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.

Văn bản yêu cầu tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - địa phương trong quản lý, giám sát và giáo dục học sinh nhất là các em ở độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý; thực hiện ký kết liên tịch giữa nhà trường với công an địa phương theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT/BCA-BGDĐT về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và vi phạm khác trong ngành Giáo dục;

Các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện Quy chế phối hợp giữa nhà trường và công an địa phương trong việc quản lý giáo dục, đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống bạo lực học đường; lập hồ sơ theo dõi đối với những học sinh thường xuyên vi phạm nội quy, thông tin kịp thời tới gia đình học sinh để phối hợp trong việc giáo dụtiến bộ. Đồng thời cung cấp danh sách học sinh cho cơ quan chức năng để phối hợp giáo dục và có sự răn đe khi cần thiết.

Tổ chức cam kết giữa phụ huynh với nhà trường trong công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục học sinh trong việc “Nói không với hành vi bạo lực và tệ nạn xã hội” để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường; có biện pháp theo dõi, kiểm tra những biểu hiện hàng ngày của các em để kịp thời có biện pháp can thiệp những vụ việc học sinh tổ chức đánh nhau ở trong và ngoài nhà trường; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các hàng quán, tụ điểm vui chơi giải trí, dịch vụ internet, trò chơi trực tuyến có biểu hiện mất an ninh, trật tự trước cổng trường.

Tăng cường công tác quản lý của Hiệu trưởng đối với giáo viên chủ nhiệm, tổ chức Đoàn-Hội-Đội, giáo viên bộ môn, tổ tư vấn học đường trong việc gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng học sinh để có thể chia sẻ những khó khăn với học sinh, kịp thời an ủi, động viên các em vượt khó, vươn lên trong học tập và cuộc sống. Đặc biệt chú ý những học sinh dễ bị tổn thương như: Có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mồ côi, gia đình bố mẹ có mâu thuẫn, ly hôn, rạn nứt tình cảm, bạo lực gia đình.

Thực hiện có hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, nêu gương tốt để học sinh noi theo, đặc biệt là những tấm gương học sinh vượt khó học giỏi qua các năm học; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng các thiết chế, nâng cấp cơ sở vật chất, dành một phần kinh phí cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ sở thích phục vụ yêu cầu, nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên, HSSV xem đây là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực học đường.

Quán triệt trong cán bộ, giáo viên, nhân viên việc thực hiện đạo đức nhà giáo. Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng bạo lực, bạo hành học sinh, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học trong tất cả các cấp học từ mầm non đến phổ thông.

Sở GD&ĐT yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai đến các đơn vị theo phân cấp quản lý. Báo cáo nhanh khi xảy ra bạo lực và những vụ việc nghiêm trọng có tính chất phức tạp ảnh hưởng tới an ninh trật tự trường học về Sở; đồng thời báo cáo số liệu lồng ghép với báo cáo Công tác học sinh, sinh viên, giáo dục ngoại khóa, y tế trường học từng học kỳ và cuối năm học.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/an-giang-tang-cuong-cac-bien-phap-ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-2648531-v.html