Ấn Độ xây đường cao tốc đối chọi Con đường Tơ lụa của Trung Quốc

New Delhi và Bắc Kinh đang bước sang giai đoạn mới trong cuộc cạnh tranh về quyền lực kinh tế và tầm ảnh hưởng chiến lược tại khu vực.

Ấn Độ đang đổ tiền vào các tuyến đường phía đông bắc. Ảnh: Bloomberg

Khi Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi chấp thuận 256 triệu USD để nâng cấp một phần tuyến đường ở biên giới xa xôi tháng trước, gần như chẳng ai quan tâm. Tuy nhiên, quyết định hồi sinh một tuyến cao tốc 3 bên này (thuộc dự án tham vọng dài 1.360km nối đông bắc Ấn Độ với Thái Lan và xa hơn nữa) đã đánh dấu giai đoạn tiếp theo trong cuộc cạnh tranh giữa New Delhi và Bắc Kinh về quyền lực kinh tế và tầm ảnh hưởng chiến lược trong khu vực.

Chỉ trong 2 năm qua, Ấn Độ đã thông qua số hợp đồng trị giá 4,7 tỷ USD để phát triển các tuyến đường biên giới, số liệu của Chính phủ nước này cho biết. Việc xây dựng được tiến hành gấp rút khi Trung Quốc đang thúc đẩy sáng kiến "Vành đai, Con đường", dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ USD tại 62 quốc gia.

Sáng kiến "Vành đai, con đường" được Trung Quốc lần đầu đưa ra năm 2013. Đây là dự án xây dựng dựa trên ý tưởng hồi sinh Con đường Tơ lụa từng kết nối Trung Quốc với Trung Á, châu Âu và xa hơn nữa.

Dự án gồm đường bộ, đường sắt và các tuyến thương mại này đang khiến nhiều đối thủ của Trung Quốc lo ngại, như Ấn Độ, Nga, Mỹ và Nhật Bản. "Khi Trung Quốc ngày càng quan tâm đến khu vực trong bối cảnh nước này giàu lên, tầm ảnh hưởng của họ cũng lớn theo", K. Yhome - nhà nghiên cứu tại Observer Research Foundation nhận xét.

*Dự án Vành đai, Con đường của Trung Quốc

Vì thế, khi Trung Quốc thúc đẩy hành lang kinh tế Bắc - Nam theo sáng kiến "Vành đai, Con đường", Ấn Độ cũng đặt mục tiêu xây dựng tuyến đường riêng với các nước láng giềng phía Đông, ông cho biết.

Trong chính sách "Hành động phía Đông" của Chính phủ, Ấn Độ đang đầu tư vào các tuyến đường bộ và đường sắt tại biên giới đông bắc, giáp Nepal, Bhutan, Bangladesh, Trung Quốc và Myanmar.

Tuy nhiên, kế hoạch tuyến cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan không mới. Nó đã được vẽ ra từ năm 2002 với tên gọi Tuyến đường Hữu nghị Ấn Độ - Myanmar, Vijay Chhibber - một cựu quan chức giao thông đường bộ Ấn Độ cho biết.

New Delhi giờ lên kế hoạch mở rộng tuyến Myanmar - Thái Lan sang Campuchia, Lào và Việt Nam. Việc này sẽ rút ngắn quãng đường từ sông Mekong sang Ấn Độ nhờ giao thông đường thủy, giúp Ấn Độ gần gũi hơn với các nước Đông Nam Á.

Tuyến đường này sẽ được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ vốn qua chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Nam Á. Trong các dự án mới còn có tuyến giao thông nối liền bang Mizoram với các cảng ở Kolkata (Ấn Độ) và thành phố Sittwe của Myanmar. Ấn Độ đã đổ 120 triệu USD vào việc xây dựng cảng ở Sittwe.

Hồi tháng 5, Ấn Độ không tham gia Hội nghị Vành đai và Con đường do Trung Quốc tổ chức. Hiện tại, hai nước này còn đang có xung đột quân đội tại biên giới.

Chính phủ Trung Quốc thì luôn khẳng định chính sách Vành đai và Con đường sẽ tăng cường kết nối khu vực và sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho các nước láng giềng. Họ cũng thúc giục New Delhi bỏ qua "sự lo sợ và nghi ngờ" để tham gia dự án này.

Đường bộ, cầu và đường sắt vẫn là điểm yếu của Ấn Độ tại các bang đông bắc. Việc này một phần nhằm ngăn quân đội Trung Quốc tiếp cận. Tuy nhiên, nó cũng khiến các công ty Ấn Độ khó vươn tới thị trường Đông Nam Á.

Ông Modi đang đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng đình trệ hàng thập kỷ qua. "Để cải thiện tầm ảnh hưởng, họ sẽ phải có động thái, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau", Rajiv Biswas - kinh tế trưởng tại IHS Markit đánh giá, "Nếu Ấn Độ muốn tham gia vào sự phát triển của châu Á, họ phải cải thiện cơ sở hạ tầng. Đó là lý do dự án này là bước đi rất quan trọng".

Theo Hà Thu (Bloomberg)/VnExpress.net

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/the-gioi/an-do-xay-duong-cao-toc-doi-choi-con-duong-to-lua-cua-trung-quoc.html