Ấn Độ siết trốn thuế, dân nháo nhác 'rửa' tiền đen

Chính phủ Ấn Độ "khai tử" hai tờ tiền mệnh giá 500 và 1000 rupee để ngăn chặn tình trạng dân trốn thuế sau các giao dịch. Nền kinh tế nước này ngay lập tức rối loạn.

Những ngày này, người Ấn Độ có thể thấy những tờ tiền mệnh giá 1.000 rupee (tương đương 15 USD) được thả trôi trên dòng Hằng, New York Times miêu tả.

Trong khi đó, những người nhặt rác của Mumbai tìm thấy những bao tải chứa đầy tiền bị vứt ở những bãi rác. Nhưng nếu nhặt những bao tải tiền này về, họ cũng không tiêu được.

Tiền mất giá trị giao dịch trong 4 tiếng

Trong một bài phát biểu không hề báo trước trên truyền hình hôm 8/11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố tất cả tờ tiền mệnh giá 500 rupee (khoảng 7 USD) và 1.000 rupee, vốn là hai đồng tiền được lưu trữ nhiều nhất, sẽ không còn giá trị hợp pháp sau 4 tiếng nữa, theo CNN.

Trong 4 tiếng, hơn 23 tỷ tờ tiền, tương đương 80% lượng tiền mặt của Ấn Độ, không thể dùng trong giao dịch.

Hai tờ tiền 500 và 1.000 rupee chiếm đến 80% số tiền mặt của Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Ấn Độ đã thiết kế lại đồng 500 rupee và phát hành đồng 2.000 mới. Người dân có thời hạn từ nay đến 31/12 để đổi tiền mặt mới hoặc gửi tiền vào tài khoản ngân hàng, kèm theo hóa đơn chứng minh số tiền họ có được là từ những giao dịch hợp pháp đã đóng thuế.

Nhiều năm nay, 1/3 các hoạt động giao dịch của người Ấn Độ diễn ra bằng cách trả tiền mặt để trốn thuế, thay vì thông qua chuyển khoản ngân hàng. Nước này thất thoát hàng tỷ USD tiền thuế mỗi năm. Thủ tướng Modi muốn loại tất cả số tiền mặt có được thông qua giao dịch trốn thuế hoặc tham nhũng.

Nháo nhào hợp thức hóa tiền cũ

Chính sách này ngay lập tức đẩy người dân Ấn Độ vào cảnh nháo nhào tìm cách hợp thức hóa số tiền mặt của mình để tránh mất trắng. Mỗi người được phép đổi 250.000 rupee (khoảng 3.700 USD) mà không cần hóa đơn thuế.

Vì vậy những người giàu đang đưa tiền cho người nghèo, trả phí để họ đi đổi và mang tiền mới về lại cho mình. Một số người khác mang cả va li tiền đến tiệm trang sức và van nài được mua thứ gì đó với hóa đơn cũ.

Một số người tìm cách trả tiền dịch vụ làm tóc, chăm sóc sức khỏe, huấn luyện viên thể hình trước cả năm hoặc nhiều tháng bằng những tờ tiền cũ.

Một số người khác với số tiền quá lớn và không muốn dính vào một vụ điều tra của chính phủ về nguồn gốc tiền của mình đành chọn cách cho những đồng bạc cũ này vào các bao gối rồi ném vào sọt rác hoặc thả trôi sông. Đó là nguyên nhân dòng sông Hằng trôi đầy những tờ tiền mệnh giá 1.000 rupee.

Trước các ngân hàng và cây ATM, người dân Ấn Độ xếp hàng để được đổi tiền, hoặc rút từ ATM một số tiền nhất định chính phủ cho phép rút hằng ngày để mua các nhu yếu phẩm. Sau nhiều tiếng đợi chờ, đôi khi họ phát hiện cây ATM đã hết tiền mặt, vì những đồng tiền mới vẫn đang chờ in.

Người Ấn Độ đổ xô tới ngân hàng để đổi tiền. Ảnh: AFP.

Cơn địa chấn lên nền kinh tế

New York Times dẫn lời các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Ấn Độ phụ thuộc lớn vào các giao dịch bằng tiền mặt, vì vậy nếu chính phủ thật sự muốn truy quét các hoạt động này, nền kinh tế sẽ không tránh khỏi rối loạn.

Lao đao nhất trước chính sách mới là các ngành bất động sản, dịch vụ cưới xin và hàng hóa xa xỉ. Số tiền trong giấy tờ giao dịch nhà đất thường là tiền thanh toán qua tài khoản và chỉ chiếm một phần giá trị giao dịch thật. Tiền mặt người ta trao nhau có thể lên đến 60% giá trị món bất động sản.

Ngành dịch vụ cưới xin cũng vậy, các gia đình trữ một số lượng lớn tiền mặt và dự định sẽ tiêu xài trong mùa cưới sắp tới. Mùa cưới của Ấn Độ bắt đầu vào tháng 12 và cuộc khủng hoảng tiền mới đã làm các gia đình phải giảm quy mô đám cưới xuống.

"Trong một nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ, nơi nạn tham nhũng đã kéo dài và ăn vào cội rễ, không có cách nào thực hiện cải cách mà tránh được rối loạn trong thời gian ngắn", giáo sư kinh tế học Eswar S. Prasad của Đại học Cornell (Mỹ) nhận định.

Các nghiệp đoàn của Ấn Độ biểu tình phản đối chính sách mới của chính phủ ông Modi. Người biểu tình tổ chức một quầy "bán giấy vụn" để móc mỉa ông Modi. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, các nông dân khốn khổ khi các thương lái không có tiền mặt để trả cho họ vì rất ít nông dân Ấn Độ có tài khoản ngân hàng.

Khi cơn tức giận trong người dân bùng phát, chính phủ Ấn Độ đã áp dụng một số biện pháp xoa dịu, như cho phép các cơ sở y tế, bệnh viện, nhà thuốc được nhận tiền cũ cho đến 24/11.

Trong khi đó, Tòa án tối cao Ấn Độ đã từ chối chặn các vụ kiện chống lệnh cấm của chính phủ. Tòa nói rằng người dân đang nổi điên lên, và đây là dấu hiệu cho thấy đất nước đang gặp vấn đề lớn.

Phương Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/an-do-siet-tron-thue-dan-nhao-nhac-rua-tien-den-post699498.html