Ấn Độ: BMD vô hiệu hóa mối đe dọa từ Trung Quốc?

Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn ở độ cao 30 và 120 km, trở thành nước thứ 4 đứng sau Mỹ, Nga và Israel.

Về Hệ thống BMD của Ấn Độ

Theo The Diplomat, ngày 23/11/2012 các nhà khoa học Ấn Độ đã cán mốc quan trọng trong việc phòng thủ bằng tên lửa, thử nghiệm thành công tên lửa có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở độ cao 30 và 120 km. Với thành tích nói trên đưa Ấn Độ trở thành nước thứ 4 sau Mỹ, Nga và Israel sản xuất được tên lửa phòng không tầm cao đánh chặn. Đặc biệt, khả năng vô hiệu hóa mối đe dọa từ bên ngoài, nhất là từ quốc gia láng giềng đông dân Trung Quốc.

Ấn Độ trở thành nước thứ 4 sau Mỹ, Nga và Israel sản xuất được tên lửa phòng không tầm cao đánh chặn.

Theo Tổ chức nghiên cứu & Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) kể từ 1983, Ấn Độ đã bắt tay vào thực hiện Chương trình phát triển tên lửa dẫn hướng tích hợp (IGMDP) và cũng từ đây, Ấn Độ đã sản xuất thành công hệ thống đánh chặn như Prithvi I, Agni và Akash SAM. Sang đến thập niên 90, DRDO tiếp tục nghiên cứu và biến Akash SAM thành thế hệ tên lửa đạn đạo chiến thuật mới với nhiều tính năng ưu việt và hiện đại, có tầm hoạt động trên 2.000 km. Tuy nhiên tại thời điểm này, Ấn Độ còn gặp nhiều khó khăn nên dự án hoàn thành còn chậm hơn so với dự kiến.

Tên lửa SAM của Ấn Độ.

Prithvi I hay còn gọi là SS150 là tên lửa chiến thuật đầu tiên của Ấn Độ được đưa vào sử dụng năm 1994. Năm 2004 Prithivi II ra đời với sự giúp đỡ của Nga, Israel và Pháp. Năm 2011, Ấn Độ tiếp tục cho ra đời loại tên lửa Prahar có tầm bắn tương đương Prithvi I nhưng kích thước nhỏ hơn Prahar, dài 7,3 m, nặng 1,28 tấn, chính thức thử thành công cuối tháng 7/2011.

Hiện nay, Ấn Độ đang sản xuất và tiến hành thử nghiệm hệ thống tên lửa đạn đạo Prithvi Air Defence, gọi tắt là PAD có tầm hoạt động 80-120 km và tên lửa phòng không tầng thấp đánh chặn AAD (Advance air-defence) có tầm hoạt động 15-30 km. Theo giới quan sát, cả hai hệ thống tên lửa phòng thủ này có thể vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo của đối phương từ xa 2.000 km, có tốc độ từ 3-8 Mach, thậm chí có thể vô hiệu hóa tên lửa xa tới 5.000 km bằng các tên lửa AD1 và AD2 tốc độ lên tới 12-15 Mach hiện đang được phát triển.

Hệ thống BMD giúp Ấn Độ phòng thử từ xa?

Theo đánh giá của giới quân sự, sở dĩ Ấn Độ cần đến hệ thống tên lửa đạn đạo BMD là do sự xung đột giữa Ấn Độ và Pakixtan đang leo thang, chủ nghĩa khủng bố trong khu vực có chiều hướng manh động. Đặc biệt, cuộc chiến tranh Kargilwar năm 2002 và tình hình an ninh sau khủng bố Mumbai 2008 vẫn đang còn âm ỉ. Ngoài ra, sau chiến tranh lạnh, an ninh thế giới đã có những diễn biến trái chiều, xuất hiện tư tưởng bá quyền nước lớn tại châu Á, buộc Ấn Độ phải đầu tư nhiều hơn cho chương trình BMD, nhất an ninh biển đảo.

Hệ thống BMD của Ấn Độ.

Thêm nữa, Mỹ là nước có mối quan tâm đến dự án BMD từ lâu, muốn hợp tác với Ấn Độ, đặc biệt là sau khi tổng thống Obama đắc cử. Theo đó, Mỹ không chỉ có ý định hợp tác quân sự mà còn muốn bán hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow cho Ấn Độ.

Mặc dù đã được dư luận ca ngợi, nhưng thực tế vẫn còn nhiều băn khoăn về tính chính xác của chương trình BMD. Nhất là tính chính xác đánh chặn của những tên lửa mới nhất được đưa ra thử nghiệm gần đây.

Theo tuyên bố của DRDO, những vụ thử này đạt độ chính xác 90%, trong khi đó những thế hệ công nghệ tiên tiến nhất mới chỉ đạt không quá 70%. Ngoài ra, cộng đồng khoa học thế giới còn nghi ngờ những loại tên lửa này của Ấn Độ mới chỉ đạt được kết quả trong thử nghiệm có giám sát chứ không phải thử nghiệm "lâm sàng" hay nói cụ thể hơn là thử nghiệm trong thực tế, nhất là đối với các tên lửa cấp Prithvi có tốc độ còn rất thấp một khi đối đầu với thế hệ tên lửa ICBM của Trung Quốc như DF-41. Vì vậy việc đảm bảo an ninh của hệ thống lá chắn BMD hiện đang bị dư luận nghi ngờ.

Nhiều người cho rằng rất có thể Ấn Độ phát triển chương trình BMD nhằm đối trọng với Pakixtan, đặc biệt là nhằm cân bằng với kho vũ khí hạt nhân của Pakixtan.

Hệ thống tên lửa đạn đạo Prithvi Air Defence (PAD của Ấn Độ) .

Ngoài ra, chương trình lá chắn BMD của Ấn Độ cũng là con bài kích động sự phản ứng của Trung Quốc, bởi đằng sau dự án này của Ấn Độ còn có sự hẫu thuẫn của các cường quốc BMD như Mỹ, Nhật, Nga và Israel, đặc biệt là Mỹ quốc gia đang lên án sự bành chướng của Trung Quốc, nhân tố làm cho tình hình an ninh biển đông thêm "dậy sóng". Mặc dù chương trình BMD của Ấn Độ vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước songg nó thực sự làm cho Trung Quốc "ớn lạnh" về khả năng đánh chặn của các phương tiện này trên biển, trên không lẫn mặt đất một khi chiến tranh xảy ra, và lúc đó rất có thể các phương tiện tác chiến vũ khí công nghệ cao dẫn đường bằng vệ tinh của Trung Quốc sẽ trở nên bị vô hiệu hóa.

Ngọc Anh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/an-do-bmd-vo-hieu-hoa-moi-de-doa-tu-trung-quoc-3325236/