Amiăng trắng- cấm hay sử dụng có kiểm soát?

Cấm sử dụng sợi amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp do lo ngại ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe con người hay cho sử dụng một cách có kiểm soát như nhiều quốc gia trên thế giới, đang là vấn đề gây tranh cãi.

Cấm sử dụng sợi amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp do lo ngại ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe con người hay cho sử dụng một cách có kiểm soát như nhiều quốc gia trên thế giới, đang là vấn đề gây tranh cãi.

Nhiều quốc gia cho phép sử dụng có kiểm soát

Dù cùng là loại sợi khoáng silicate, nhóm sợi amiăng nâu và xanh có đặc tính hóa lý hoàn toàn khác biệt với sợi amiăng trắng. Do quá khứ sử dụng nhiều sợi amiăng nâu và xanh - loại sợi đã được chứng minh gây ra ung thư và bị cấm sử dụng hoàn toàn trên toàn thế giới - các quốc gia như Nhật, Úc hiện đang phải đối mặt với nhiều ca bệnh ung thư liên quan đến loại sợi này.

Trong khi đó, amiăng trắng vẫn đang được cho phép sử dụng tại 147 quốc gia trong đó có Mỹ, Nga, Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia...trong nhiều ngành công nghiệp như sản xuất má phanh trong ô tô, thang máy, vật liệu cách điện và cách nhiệt trong công nghiệp hàng không, năng lượng và mục đích quân sự.

Đặc biệt, nhiều nước như Mỹ cấm amiăng từ những năm 1980, nhưng đến năm 1991, Tòa thượng tẩm Hoa Kỳ đã hủy bỏ lệnh cấm và lệnh loại bỏ dần dần amiăng. Tòa án Tối cao Ấn Độ năm 2011 đã bác bỏ yêu cầu của các Tổ chức Phi chính phủ là cấm sử dụng tất cả các loại amiăng do không có chứng cứ amiăng trắng gây bệnh cho con người.

Các nước Singapore, Đài Loan đã từng cấm amiăng, nhưng đã rút khỏi danh sách các nước cấm từ 2010. Hầu hết các quốc gia này đều đi trước Việt Nam trong sản xuất vật liệu chứa amiăng trắng và quan điểm của Chính phủ là cho phép sản xuất có kiểm soát đối với những ngành công nghiệp sử dụng amiăng trắng được quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe và môi trường.

Tại Việt Nam, vào năm 1963 nhà máy tấm lợp Đồng Nai là một trong những nơi đầu tiên đưa amiăng trắng vào sản xuất sử dụng công nghệ Hatcheck là công nghệ xeo ướt và khép kín. Trong suốt 54 năm qua, chưa tìm thấy trường hợp nào mắc bệnh ung thư trung biểu mô do amiăng trắng gây ra tại nhà máy này nói riêng và tại Việt Nam nói chung.

Đi tìm lời giải thích đáng

Cuối tháng 7/2017, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Hội nghị “Việc sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam và thế giới”.

Tại sự kiện, TS.BS Lê Thị Hằng - Giám đốc Bệnh viện Xây dựng - Bộ Xây dựng nhận định “Về sức khỏe công nhân tại các cơ sở chúng tôi theo dõi 25 năm nay, chúng tôi có thực hiện cùng bệnh viện Lao phổi, ĐH Y Hà Nội, Bộ Y tế, học viện quân y và các giáo sư đầu ngành tham gia hội chẩn, đọc phim, thiết kế các chương trình nghiên cứu, đề tài khoa học. Kết quả là chưa phát hiện công nhân nào ung thư phổi, hoặc ung thư trung biểu mô…”

Từ năm 2008, Chương trình khám bệnh nghề nghiệp đã được triển khai cho công nhân ngành tấm lợp do bệnh viện Xây dựng và các chuyên gia đầu ngành thực hiện. Kết quả khám bệnh 9 năm liên tiếp (2008-2016) đều không cho thấy bất kỳ trường hợp nào mắc các bệnh ung thư liên quan đến amiăng trắng.

Cũng trong Hội nghị này, PGS. TS Trần Thị Ngọc Lan - Nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường Y tế - Bộ Y tế cho biết, trong số 27.000 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp tại Việt Nam, có 20.000 trường hợp do tiếp xúc với bụi nhưng chỉ ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bụi phổi thể nhẹ do tiếp xúc với amiăng trắng.

Nhiều gia đình nghèo chọn dùng tấm lợp amiăng

Nhiều gia đình nghèo chọn dùng tấm lợp amiăng

TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết hầu hết các quốc gia đều quy định rất chặt chẽ về amiăng trắng song số nước vẫn còn sử dụng, sản xuất loại vật liệu này gấp 3 lần số nước cấm hoàn toàn. Nhiều nghiên cứu kinh tế thì chỉ ra rằng, khi cấm amiăng trắng thì chi phí Chính phủ phải bỏ ra tốn gấp nhiều lần so với chi phí mà các DN và xã hội mất đi.

“Chưa có vật liệu thay thế tương tự về giá thành và chất lượng, phù hợp với điều kiện chuyển đổi công nghệ của các DN trong khi nhu cầu sử dụng amiăng trắng, nhất là trong sản xuất tấm lợp, là có thật và phù hợp với mức thu nhập của nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam, đặc biệt là phù hợp với điều kiện khí hậu vùng sương muối vùng bão lũ và vùng biển” - ông Lợi nêu quan điểm của Ủy Ban Các vấn đề xã hội.

Năm 2015, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện một nghiên cứu nhằm đánh giá về “Tác động của việc cấm amiăng trắng tại Việt Nam - Trường hợp tấm lợp phibro xi măng”.

Theo đó, nếu các DN chuyển đổi sang công nghệ sợi PVA thì tổng chi phí lên tới 395 tỷ đồng. Trong quá trình chuyển đổi, giả định chỉ 10% công nhân bị cắt giảm và phải mất thời gian 6 tháng để những người này ổn định việc làm, số tiền lương mất đi sẽ lên đến 15,7 tỷ. Để tháo dỡ và thay thế hàng tỷ mét vuông tấm lợp phibro xi măng đang được sử dụng, tổng số tiền mà Chính phủ phải chi sẽ là 454,5 nghìn tỷ đồng và người tiêu dùng sẽ phải chi trả 183,5 nghìn tỷ đổng cho chi phí tăng lên do sử dụng tấm sợi PVA (loại vật liệu ít tốn kém nhất để thay thế hiện nay) giai đoạn 2021-2030.

Thanh Loan

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/amiang-trang-cam-hay-su-dung-co-kiem-soat-399312.html