Âm vọng thành cổ Diên Khánh

(ĐTTCO) - Hoàng thành Thăng Long, kinh thành Huế và thành Diên Khánh là 3 ngôi thành cổ còn tương đối nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu ở nước ta. Trong đó, thành Diên Khánh từng có một vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Trung bộ, lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử và mang một vẻ đẹp riêng biệt, nhưng ít người biết đến.

Từ thời chúa Nguyễn, địa danh Diên Khánh là phủ, nay là một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm thành phố Nha Trang về phía Tây gần 10km và cách thành phố Cam Ranh về phía Bắc 35km. Diên Khánh có đường xe lửa và Quốc lộ 1 chạy ngang qua, hợp cùng 2 thành phố Nha Trang và Cam Ranh tạo thành tam giác phát triển kinh tế và du lịch đầy tiềm năng, vừa có biển vừa có rừng xen lẫn đồng bằng, sông ngòi với nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử. Sau khi tắm biển Nha Trang hay Cam Ranh, du khách có thể đến Diên Khánh lần lượt tham quan cây dầu đôi, dâng hương miếu thờ tướng Trịnh Phong, đền thờ chí sĩ Trần Quý Cáp, Văn miếu, thăm nhà thờ Hà Dừa, khu tưởng niệm bác sĩ Yersin và nghỉ ngơi thư giãn ở dòng suối Tiên thơ mộng vốn phát nguyên từ dãy Hòn Bà uy nghi… Tất nhiên, đến Diên Khánh du khách không thể bỏ qua ngôi thành cổ hiếm có gắn liền bao dấu tích lịch sử thăng trầm.

Cửa Tiền.

Với vị trí chiến lược hiểm yếu của Diên Khánh, từ thời nhà Tây Sơn, lãnh tụ áo vải Nguyễn Huệ đã chọn nơi này để đắp lũy xây thành trấn thủ cả vùng Nam Trung bộ và chi viện cho Nam bộ. Nhiều trận chiến dữ dội đã từng xảy ra tại đây. Khi nhà Tây Sơn bị suy yếu, chúa Nguyễn Ánh từ phía Nam hưng binh cùng với 2 vị tướng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đưa quân tiến ra đánh chiếm Diên Khánh, xây dựng nơi đây một ngôi thành kiên cố phòng ngự từ xa, giao cho hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc trấn giữ, mưu nghiệp lâu dài.

Thành Diên Khánh được khánh thành vào năm 1793, là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến ở Tây Âu vào thế kỷ 17, 18. Diên Khánh là ngôi thành thứ hai sau thành Gia Định được xây dựng theo kiểu Vauban ở nước ta. Với chu vi 2.693m, diện tích khoảng 36.000m², tường thành Diên Khánh đắp bằng đất cao khoảng 3,5m, hình lục giác nhưng các cạnh không đều nhau, lại chia làm nhiều đoạn nhỏ uốn lượn, nên các góc thành không nhô hẳn ra mà vẫn có thể quan sát được 2 bên. Ở phía bên trong thành Diên Khánh, tại mỗi góc thành được đắp một khoảng đất rộng dùng làm chỗ trú quân, đồng thời có một ụ đất cao khoảng 2m để đặt súng đại bác, gọi là “pháo đài góc”. Tường thành có mặt ngoài gần như dựng đứng, còn mặt trong có độ thoải và được đắp thành hai bậc, tạo đường vận chuyển thuận lợi ven thành. Kế bên ngoài tường thành là hào nước sâu 3-5m, rộng 20-30m, hợp cùng với những hàng tre gai trên tường thành tạo nên hàng rào phòng ngự bao quanh bảo vệ thành theo truyền thống người Việt.

Cửa Ðông thành cổ Diên Khánh.

Vào thuở ban đầu, thành Diên Khánh có 6 cửa (cổng), nhưng 2 cửa Tả và cửa Hữu đã bị lấp năm 1823, đến nay chỉ còn 4 cửa Ðông - Tây - Tiền (phía Nam) - Hậu (phía Bắc). Nếu đi từ hướng Quốc lộ 1, du khách sẽ theo một con đường độc đạo vào cửa Đông xuyên thẳng qua cửa Tây. Ở bên ngoài thành còn có con đường chạy vòng nối cửa Tây với Quốc lộ 1, có tên Mã Xá. Và cách cửa Tây khoảng 200m có một nhà thờ cổ kính mang tên Hà Dừa, được xây vào thập niên 1800, với gác chuông cao chót vót, từ đây du khách có thể nhìn bao quát cả một vùng sơn thủy hữu tình. Nhiều công trình từng được xây dựng ở nội thành Diên Khánh. Khi bước qua khỏi cửa Tiền (cửa chính ở hướng Nam), dành riêng cho nhà vua, hoàng tộc và các đại thần, sẽ gặp một cột cờ lớn, sau đó đến hoàng cung xây theo kiểu Điện Thái Hòa ở Huế. Bên trái hoàng cung là dinh Tuần Vũ, dinh Án Sát, dinh Lãnh Binh và phía dưới là dinh quan Tham tri. Ngoài ra, trong thành còn có một dãy nhà kho đồ sộ và một nhà lao xây tường đá cao kiên cố. Mọi công trình dinh thự, công sở đều lợp ngói âm dương, được trang trí công phu.

Tuy nhiên, trải qua chiến tranh và thiên tai, các công trình nội thành Diên Khánh bị tàn phá, nhất là những thời kỳ nơi đây trở thành tổng hành dinh phong trào yêu nước Cần Vương của tỉnh Khánh Hòa và đặt Bộ Chỉ huy Mặt trận Nha Trang chống Pháp tái xâm lược. Sau năm 1975, thành cổ được trùng tu gìn giữ, mọc lên nhiều công trình mới làm công sở, trường học cho huyện Diên Khánh.

Từ cuối năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định di dời các cơ quan hành chính, quân sự khỏi nội thành Diên Khánh để biến nơi đây thành phố đi bộ và dần phục hồi các công trình mang dấu tích lịch sử để phục vụ du lịch. Nhờ đó, bây giờ trở lại thăm thành cổ chúng tôi thấy nhiều thay đổi, dù lối xưa dấu cũ vẫn không phai mờ. Về đây, du khách sẽ thấy được một công trình kiến trúc cổ độc đáo thể hiện trí tuệ, công sức và bàn tay tài hoa của cha ông qua từng viên gạch đến cổng thành hoành tráng. Khi trèo lên các cổng thành ngắm quang cảnh xung quanh sẽ như nghe âm vọng đâu đây tiếng ngựa hí, gươm khua trong bước chân tiền nhân một thời khẩn hoang mở cõi, dựng và giữ nước. Mọi thứ có thể mất đi nhưng văn hóa sẽ mãi còn lại, thành cổ Diên Khánh là một trong những minh chứng người Việt cần tìm về để hiểu hơn nguồn cội.

HOÀNG YÊN

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161019/am-vong-thanh-co-dien-khanh.aspx