Ấm tình người ở Cô nhi Sao Mai

Không ồn ào, tất bật như cuộc sống thường nhật diễn ra hằng ngày, Cô nhi Sao Mai (ở đường Wừu, phường Ia Kring, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) được nhiều người biết đến như mái nhà chung và là tổ ấm của những đứa trẻ kém may mắn.

Đứa trẻ “9 phần chết, 1 phần sống”

Tiếp chúng tôi trong gian phòng làm việc được sắp xếp ngăn nắp là xơ Nguyễn Thị Khiết (85 tuổi). Xơ Khiết có gương mặt đôn hậu, giọng nói trầm ấm, thân thiện. Lật giở cuốn sổ ghi chép về hoàn cảnh của các em nhỏ đến với Cô nhi Sao Mai, xơ Khiết kể: Nơi này được thành lập từ năm 1994, trải qua 23 năm, đến nay đã đón nhận và nuôi dưỡng hơn 100 cháu. Mỗi cháu đến đây hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung một điểm là sự bất hạnh.

Những em nhỏ bất hạnh được nuôi dưỡng ở Cô nhi Sao Mai

Xơ Khiết kể về cô bé Siu Vun là đứa trẻ đến với Cô nhi khi chỉ mới 2 ngày tuổi. Vun sinh ngày 28/7/2009 tại huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai), cả bố mẹ Vun đều là người dân tộc thiểu số. Ngày chị Siu Blới mang thai thì khỏe như con voi rừng, cho dù đến tháng thứ 8, thứ 9 vẫn lên nương làm rẫy. Một buổi chiều cuối tháng 7/2009, Siu Blới đau bụng và hạ sinh bé Vun nhưng bị băng huyết.

Theo phong tục, ông ngoại và cha Vun đi mời thầy mo về cúng. Càng cúng, Siu Blới càng đau, hơn 1 ngày sau thì qua đời. Gia đình, họ hàng lo làm ma cho người xấu số, còn ông ngoại bế Vun quăng ra chuồng bò bên hông nhà chờ chết rồi chôn luôn cùng mẹ. Bố Vun muốn cứu nhưng ông bà ngoại không cho phép.

Một người ông họ tên Kpă Do là cán bộ từ huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đến đưa tang Siu Blới, lúc đi vệ sinh phía hông nhà đã phát hiện Vun đang nằm ở đây không một mảnh vải che thân. Ông ôm bé Vun vào lòng rồi cởi áo bọc vào, sau đó đem tới Cô nhi Sao Mai nhờ giúp đỡ.

Vun được đem đến Cô nhi trước khi chôn mẹ 3 giờ đồng hồ. Đến Cô nhi, người cháu sưng vù vì bị ruồi trâu đốt khắp thân thể bé nhỏ và tím ngắt vì lạnh. Nhìn thấy đứa trẻ “9 phần chết, 1 phần sống”, lòng xơ Khiết và các bảo mẫu đau nhói. Xơ Khiết lắc đầu nói với Kpă Do rằng, khó mà cứu được đứa trẻ này nếu như không có phương thuốc tiên.

Sức sống thần kỳ, sau hơn 4 tháng được đưa đến hết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai rồi Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM, Vun đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Giờ Vun đã được 8 tuổi, đôi mắt tròn to long lanh đáng yêu.

Cuộc giải cứu cháu Đinh Văn Dương cách đây tròn 12 năm, các xơ trong Cô nhi Sao Mai đến nay vẫn còn nhớ như in. Xơ Nguyễn Thị Kim Son (63 tuổi) kể lại: “Hồi đó đi thăm các cháu là trẻ mồ côi ở thị xã An Khê về, bỗng chúng tôi nghe thấy tiếng khóc rất thảm thiết ở một khu đất hoang. Tuy nhiên, có rất nhiều người hung dữ đang ở đó nên không ai dám tiếp cận lại gần”.

Như có linh tính mách bảo về một sự việc không tốt đẹp, các xơ quyết định không quay về TP Pleiku nữa mà tấp vào 1 nhà dân gần đó xin nghỉ chân tạm. Nhà dân này cho biết, tiếng khóc đó là của đứa bé đang bị làm lễ khâm liệm để chôn sống theo mẹ, do sau khi sinh con, mẹ nó liên tục ốm, cúng chữa rất nhiều nhưng cũng không khỏi rồi ngã lăn ra chết. Nghe tới đây, các xơ ai cũng trỗi dậy lòng thương cảm.

Có kinh nghiệm giải cứu từ những lần trước, xơ Son cùng mọi người lên kế hoạch nếu không giành giật được đứa trẻ thì sẽ kéo dài thời gian để báo công an. Rất may, lúc mọi người vừa về mang quan tài ra thì các xơ đã đưa bé Đinh Văn Dương đi kịp thời. Lúc này toàn thân Dương đã bị bó chiếu, cột chặt chân tay.

Hiện tại có 42 cháu đang sống tại Cô nhi Sao Mai và đang theo học đại học, cao đẳng, THPT. Cháu nhỏ nhất mới chỉ 4 tháng tuổi tên Nguyễn Thị Hạnh Tâm. Hằng ngày, Tâm được chính xơ Khiết dỗ dành, chăm sóc.

Nơi sự sống hồi sinh

Đến Cô nhi Sao Mai, lắng nghe những câu chuyện, soi vào mỗi mảnh đời mới thấy ý nghĩa lớn lao từ công việc lặng thầm của các xơ, các bảo mẫu. Những người mẹ ấy vẫn một lòng gắn bó với những đứa trẻ mồ côi, luôn mỉm cười và dang rộng vòng tay yêu thương ấm áp, với hy vọng bù đắp phần nào thiệt thòi cho các em. “Chúng tôi sẽ nhận tất cả những em nào thiếu may mắn và nuôi dạy các em thành người có ích”, Sơ Khiết quả quyết.

Dù tuổi cao, xơ Khiết vẫn hằng ngày chăm sóc cho cháu Hạnh Tâm

Ở đây hiện có 5 xơ cùng 4 bảo mẫu, họ chăm sóc các em thiếu may mắn bằng chính tình cảm của mình và không có bất cứ đòi hỏi gì. Làm việc ở Cô nhi này, chẳng ai có tiền lương, tiền thưởng. Họ chỉ sống dựa vào sự giúp đỡ của cộng đồng, vậy nhưng ai cũng hết lòng chăm sóc các em.

Mỗi lần gặp khó khăn, các bảo mẫu lại cùng các xơ đi quyên góp để nuôi các em nhỏ. Nơi đây tình người được viết nên bằng những câu chuyện cảm động. Đó là tình thương, là sự đồng cảm chân thành với số phận của con người. Mỗi con người là một cảnh đời, các xơ, các bảo mẫu ở đây đã dùng tình thương của chính mình để hòa vào dòng chảy riêng của từng số phận ấy.

Xơ Khiết bảo, một khi đã nhận các cháu vào tức là mình thay cho mẹ của cháu, vậy nên tất cả tình thương mình phải đổi cho các cháu và bao nhiêu sự tốn kém, vất vả thì mình không nề hà. Các xơ chỉ ước mong bọn trẻ được khỏe mạnh, nên người.

Cùng với tình thương mà các xơ dành tặng, các em nhỏ ở Cô nhi Sao Mai dần lớn khôn và biết yêu thương, chăm sóc lẫn nhau. Không cùng cha mẹ sinh ra nhưng tất cả đều yêu quý, xem nhau như anh, chị em ruột thịt. Mọi việc giờ đây đứa lớn chỉ bảo đứa bé, cứ thế cùng nhau vượt qua bất hạnh, vượt qua mất mát để tiếp tục nuôi dưỡng những mơ ước của cuộc đời.

Những mất mát, tủi hờn rồi cũng sẽ nguôi ngoai và các đứa trẻ sẽ lớn dần lên năm tháng. Mỗi ngày trôi qua, nỗi buồn sẽ vơi đi để nhường chỗ cho những điều hạnh phúc, tươi mới. Còn với các xơ, các bảo mẫu ở Cô nhi Sao Mai, dù biết ngày càng thêm tuổi và sẽ già đi, nhưng hạnh phúc không bao giờ tắt.

Đó là hạnh phúc sau những nụ cười trẻ thơ trong trẻo, hồn nhiên, hạnh phúc vì đã thắp lên ánh sáng cho những cuộc đời trẻ thơ kém may mắn.

Bài, ảnh: Nhuận Kiệt

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/thoi-cuoc/am-tinh-nguoi-o-co-nhi-sao-mai-post31558.html