Âm thanh trong điện ảnh: Thế giới bị lãng quên

Tuần lễ âm thanh từ 24/10 đến ngày 30/10 diễn ra tại L’space 24 Tràng Tiền hứa hẹn sẽ đem đến nhiều trải nghiệm và cảm xúc cho người xem. Mở đầu bằng các buổi hội thảo cùng kĩ sư âm thanh Daniel Desays, người tham dự có cơ hội được trải nghiệm “Hành trình tới thế giới âm thanh” với nhiều tri thức quý báu về âm thanh trong điện ảnh.

Vũ khí quyền uy

Bước ra khỏi một buổi công chiếu, rất khó để người ta nhớ về những âm thanh trong phim hơn là một chuỗi hình ảnh đã được đón nhận bởi thị giác của người xem. Dễ hiểu bởi điện ảnh là một bộ môn của hình ảnh. Âm thanh ở trong đó tất nhiên chiếm rất ít đất diễn. Một lý do quan trọng không kém đó là bấy lâu nay chúng ta vẫn thu nhận sự bài trí thế giới xung quanh qua quá trình quan sát, hình ảnh đóng vai trò là yếu tố tác động trực tiếp đến cảm xúc của con người trong khi âm thanh chỉ là yếu tố gây chú ý thị giác của chúng ta, như vậy, âm thanh chỉ được coi là yếu tố phụ họa cho chuỗi các hình ảnh chuyển động trong phim.

Tuy nhiên, thật khó để có một phim thành công nếu thiếu sự góp mặt của âm thanh. Hẳn thế khi mà phim có tiếng ra đời, nền điện ảnh thế giới đã đón nhận một quả bom làm rung chuyển các tư duy làm phim bấy lâu. Âm thanh được coi như thứ vũ khí quyền năng thể truyền đạt sâu sắc hơn ý đồ của nhà làm phim.

Âm thanh cũng chính là phương tiện gắn kết thính giả với bộ phim, đem họ đến gần hơn với diễn xuất của các nhân vật

Trong buổi hội thảo, Daniel Deshays gọi đó là “Hiệu ứng thần kinh gương”, ví như khi cho trẻ nhỏ ăn, vì muốn nó há miệng mà theo phản xạ ta sẽ há miệng theo nó. Tương tự, có thể lấy ví dụ trong điện ảnh, khi nhân vật bước vào một mối đe dọa lớn hay một không gian sâu hun hút, tối mù mịt, nếu chỉ có hình ảnh sẽ khiến cho chúng ta kém sợ hãi hơn so với việc đi kèm với nó là những âm thanh phụ đạo. Không chỉ có âm nhạc mới có thể đem đến cảm xúc cho người xem, chỉ cần một hơi thở hổn hển của nhân vật trong đó, một tiếng động lách cách trong không gian mờ mịt, cũng đủ khiến chúng ta hồi hộp theo từng hành động của nhân vật.

Âm thanh chính là yếu tố khiến chúng ta có thể di chuyển điểm nhìn từ khách quan đến chủ quan, từ vị trí người xem đến nhân vật. Ví như chúng ta không khóc theo một nhận vật đang quằn quại vì thất tình, nhưng lại dễ dàng rơi nước mắt khi đi kèm với hiệu ứng hình ảnh và hiệu ứng diễn xuất là một bản nhạc đau lòng, qua đó có thể thấy âm thanh không chỉ đóng vai trò là yếu tố quan trọng trong việc biểu đạt tư tưởng của tác giả, mà nó còn là sợ dây dẫn dắt thính giả đến gần với nhân vật hơn.

Trong một sự phát triển và sáng tạo của điện ảnh, chúng ta không khó để bắt gặp những bộ phim không bối cảnh. Tức là ở đó, hình ảnh vốn đóng vai trò chủ chốt đã lùi về phía sau để nhường chỗ cho âm thanh. Âm thanh lúc này được đầu tư với một sự mạnh mẽ và chuẩn xác khiến chúng ta cuốn theo nội dung và chính nó trở thành yếu tố để cấu thành một bối cảnh.

Ông cũng cho rằng sự khác biệt giữa âm thanh và hình ảnh, giữa điểm nhìn và điểm nghe ở chỗ sức mạnh của âm thanh được biểu hiện từ “thật gần” đến “thật xa”, trong khi hình ảnh lại được đón nhận từ điểm nhìn “thật xa” đến “thật gần”, từ khái quát đến cụ thể.

Âm thanh vì thế đã trở thành yếu tố tác động trực tiếp đến xúc giác của người xem. Âm thanh được chúng ta nhận diện trong kí ức, mỗi người sẽ có một cách diễn giải khác nhau tùy vào trải nghiệm của từng người, âm thanh không chỉ được đón nhận bằng thính giác mà còn được nhận thức qua thị giác, xúc giác, tất cả đều được khơi gợi từ âm thanh.

Điện ảnh đang thờ ơ với vũ khí của chính mình?

Việc một cái mới bỗng dưng xuất hiện và gây nên nguy cơ “thất sủng” của cái cũ sẽ bị kìm kẹp trong suốt một thời gian dài là điều tất lẽ có thể hiểu được. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, một loạt bộ phim “tuyên chiến” với phim câm đã ra đời như The Jazz Singer , Movietone , RCA Photophone đã làm “nối giận” các nhà mỹ học điện ảnh - chống lại sự ra đời của phim nói vì họ cho rằng thứ âm thanh xen vào một nền nghệ thuật vốn dĩ chỉ dành cho thị giác sẽ phá vỡ sự nguyên vẹn của nền nghệ thuật hình ảnh đó.

Tuy nhiên, chỉ sau đó ít lâu, người ta buộc phải thừa nhận âm thanh là một yếu tố quan trọng trong điện ảnh. Trong suốt những năm 1970, 1980, trên thế giới, vai trò của âm thanh ngày được đẩy lên cao hơn và người ta bắt đầu miệt mài đi tìm kiếm các kỹ thuật cho hiệu ứng âm thanh trong phim được tốt nhất.

Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải khẳng định rằng, nền điện ảnh Việt Nam không hề có chỗ đứng trong nền điện ảnh thế giới, cũng không thể phủ nhận chúng ta khi phát triển các kỹ thuật phần lớn mới chỉ dừng ở việc nâng cao kỹ thuật hình ảnh mà kém chịu đầu tư cho các kỹ thuật thuộc âm thanh.

Đơn cử như việc quản lý và kiểm soát âm lượng là yếu tố cơ bản nhưng không được các nhà làm phim Việt Nam chú ý. Chúng ta thường chỉ chú ý đến mức độ xa – gần, mà không để ý đến sự có mặt hay không của âm thanh đấy, lúc xuất hiện, lúc tắt đi…, chúng ta thiếu thốn một nguồn nhân lực đáng kể từ các tác giả viết nhạc đến các đạo diễn, kỹ thuật viên âm thanh, chúng ta cũng chậm chạp trong việc thu nhận các máy móc thiết bị hiện đại phục vụ cho việc khai thác âm thanh hiệu quả…

Sự thờ ơ với âm thanh không chỉ đến từ những nhà làm phim mà ngay cả công chúng xem phim cũng rất ít khi để ý đến. Rõ ràng cơ thể chúng ta đã xúc động, đã hồi hộp, đã lo âu… nhưng chúng ta lại lãng quên âm thanh ngay khi bước ra khỏi buổi công chiếu. Chúng ta có thể giữ lại những hình ảnh gây ấn tượng trong phim trong suốt một khoảng thời gian dài, có thể truyền đạt chúng với những người khác, nhưng lại vô cảm với âm thanh, sợi dây vô hình đã kéo chúng ta lại gần tác phẩm điện ảnh.

Có rất nhiều nguyên do khiến cho cả các nhà sản xuất lẫn người xem thờ ơ với âm thanh, tuy nhiên, về cơ bản, chính bởi quyền năng tác hợp của âm thanh với hình ảnh đã khiến sự đồng bộ tuyệt vời giữa chúng diễn ra và chúng ta đơn thuần không cảm nhận được đó là hai yếu tố hoàn toàn tách biệt. Nếu hình ảnh nằm ở lớp vỏ phía ngoài của điện ảnh thì âm thanh nằm ở lớp trong, đôi khi cần một sự tinh ý mới có thể nhìn ra những huyền diệu của nó.

Để hiểu rõ hơn về thứ vũ khí uy lực của điện ảnh, trong Tuần lễ âm thanh chúng ta có thể tiếp tục theo dõi các buổi hội thảo, các buổi công chiếu phim nằm trong dự án kéo dài đến hết ngày 30/10/2016. Tiếp nối hội thảo, rất nhiều bộ phim sẽ được công chiếu và tái hiện tại tuần lễ như A false avakening của tác giả Nguyễn Trung Kiên, Livera me của Alain Cavalier, , Những kỳ nghỉ của ngài HulotKết thúc hành trình âm thanh là buổi hòa nhạc phim câm Một trang điên loạn của đạo diễn Teinosuke Kinugasa… Tất cả hứa hẹn đem đến những cuộc dạo chơi âm thanh đầy phiêu lưu và sống động.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/am-thanh-trong-dien-anh-the-gioi-bi-lang-quen