Âm nhạc Việt Nam trước nguy cơ thiếu nghệ sỹ biểu diễn

Ngay trước thềm Festival âm nhạc mới Á – Âu 2016 tại Việt Nam (từ 12-10 đến 18-10), nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, tiết lộ, những người làm trong ban tổ chức khá vất vả khi tìm kiếm đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn lẫn người dàn dựng cho tác phẩm.

Với vài trăm tác phẩm mới của các nhạc sĩ khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ của Châu Á – Thái Bình Dương gửi về, mặc dù những người tổ chức festival đã có khoảng nửa năm để chuẩn bị song đến cận thời điểm diễn ra chính thức, hoạt động này vẫn khá cập rập.

Trừ một số trường hợp nghệ sĩ biểu diễn lành nghề và có danh tiếng không tham gia vào phút cuối vì bận biểu diễn ở nước ngoài thì chương trình tập hợp được tương đối đầy đủ các nghệ sĩ biểu diễn trên cả nước.

Dù vậy, nhân lực cho festival vẫn còn rất khó khăn. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân băn khoăn vì, chỉ riêng với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, sau 60 năm hoạt động, ít nhất cũng có hàng vạn nhạc công được đào tạo. Đến nay, những nhạc công ấy đã đi về đâu, có còn gắn bó với nghề hay không và vì sao thiếu vắng họ là vấn đề cần đánh giá, nhìn nhận một cách nghiêm túc trong bức tranh tổng thể của âm nhạc Việt.

Đội ngũ người soạn nhạc, dàn dựng tác phẩm âm nhạc cho nhạc không lời cũng là câu chuyện mang trong mình nhiều vấn đề bất cập khi mà ngay trong festival âm nhạc Á – Âu 2016, có những tác phẩm được đánh giá cao về mặt chất lượng nghệ thuật với những sáng tạo mới mẻ về mặt ngôn ngữ âm nhạc nhưng không thể dàn dựng, giới thiệu đến công chúng vì không có người thực hiện. Nhiều tác phẩm, ban tổ chức phải nhờ đến các nhạc sĩ nước ngoài dựng giúp.

Ca nhạc dân tộc đang đứng trước nhiều khó khăn.

Với riêng âm nhạc dân tộc, lời cảnh báo về sự thiếu hụt đội ngũ kế cận xứng tầm đã được phát đi nhiều năm gần đây nhưng dường như vẫn là vấn đề còn nhiều nan giải với cả người làm công tác quản lý lẫn công tác đào tạo...

Góp phần tháo gỡ “nút thắt” này trong sự phát triển chung của âm nhạc dân tộc, năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 41/2014/QĐ-TTg về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa – nghệ thuật.

Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7-2016 đã có rất nhiều ưu đãi cho việc đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật, trong đó có tài năng về âm nhạc nói chung, khí nhạc nói riêng.

Tuy nhiên, nói theo cách của Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm thì ngoài các ưu đãi về đào tạo, yếu tố thích đáng để thúc đẩy phát triển đội ngũ nhân lực này còn cần nhiều điều kiện khác: chính sách sử dụng lao động, ngành đặc thù…

Ngọc Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/am-nhac-viet-nam-truoc-nguy-co-thieu-nghe-sy-bieu-dien-413021/