Ấm lòng bà con giáo dân vùng rốn lũ

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường (thứ 3, trái sang) trao quà từ Quỹ TLV Lao Động cho bà con giáo dân xã Hưng Trung (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) ngày 6.11.

Bộn bề khó khăn

Trưa 6.11, khi đoàn chúng tôi về Phương Mỹ, xã thấp trũng nhất của huyện Hương Khê nói riêng và Hà Tĩnh nói chung, nước vẫn chưa rút hết. Hai thôn Nam Hà và Tượng Sơn với 200 hộ dân đang bị cô lập; học sinh mầm non và tiểu học toàn xã vẫn chưa đến trường. Bắt tay rất chặt các thành viên trong đoàn, ông Lê Quốc Hậu - Phó Bí thư Đảng ủy xã - chia sẻ: Phương Mỹ có 632 hộ, gần 3.100 khẩu, trong đó 60% là bà con giáo dân. Sau trận lũ kép, cuộc sống của bà con bộn bề khó khăn. Lo nhất là chuyện môi trường, dịch bệnh. Một vấn đề nan giải nữa là cánh đồng ngập bùn, cỏ chết không có cho trâu, bò ăn, phân hữu cơ bón ruộng cũng thiếu... Bà con đang đứng trước nguy cơ thiếu đói.

Tại xã Hà Linh, đoàn đến nhà thờ giáo xứ Thọ Vực thăm hỏi bà con giáo dân. Những ánh mắt mệt mỏi, nét mặt phờ phạc của người dân sau nửa tháng phải 2 lần chạy lũ vẫn chưa hoàn hồn trở lại. Đón đoàn, linh mục quản xứ Thọ Vực Nguyễn Văn Hoàn chia sẻ, Hà Linh là một xã xung quanh bao bọc bởi sông nước; mùa lũ đến, nhân dân lại thao thức vì biết trước kiểu gì cũng sống trong cảnh ngập nhà cửa. Năm nay, lũ chồng lũ, bà con phải sống trong cảnh bị cô lập với bên ngoài. Từ 14 - 29.10, huyện Hương Khê bị 2 trận lũ lớn, 18/22 xã bị ngập lụt với 10.382 ngôi nhà bị ngập, thiệt hại cả 2 trận lụt trên 300 tỉ đồng. Xúc động cầm tay Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường, bà Nguyễn Thị Kiều, giáo dân xứ Thọ Vực nói: “Chúng tôi khổ bao đời nay vì lũ lụt. Năm nay lũ đến nhanh quá, dân may lắm chạy được người, còn thóc gạo, trâu bò, lợn gà đành phó mặc cho trời. Bà con nhiều nhà trắng tay sau lũ, tội lắm”.

Chia tay Hương Khê, vượt trăm kilômét đến xã Hưng Trung, đoàn tiếp tục chứng kiến những khó khăn chồng chất của người dân vùng rốn lũ của huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Trong đợt lũ vừa qua, xã có 2 thiếu nhi tử vong do nước cuốn trôi; nỗi đau quá lớn còn hằn sâu trong mắt người thân. “Chỉ cần một cơn mưa vài trăm milimét là dân Hưng Trung đã phải đối mặt với lũ; đường sá, ruộng vườn hư hỏng hết. Mặc dù bà con rất nỗ lực và nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhưng do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nên cuộc sống của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn”, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên Hoàng Văn Phi phân trần.

Ấm tình thân ái, nghĩa đồng bào

Thăm hỏi bà con giáo dân ở xã Phương Mỹ, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường xúc động: “Tôi xin chia sẻ với bà con bị thiệt hại trong trận lũ kép vừa qua. Với tinh thần tương thân tương ái, chúng tôi đã kêu gọi CNVCLĐ cả nước, thông qua Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động, quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ ở miền Trung. Phương Mỹ là vùng rốn lũ nên thiệt hại rất nặng nề. Với tinh thần một miếng khi đói bằng cả gói khi no, chúng tôi mang tình cảm của CNVCLĐ của cả nước đến với bà con, động viên và mong bà con sớm khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, sản xuất”.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Nam Hồng, Chủ tịch LĐLĐ Hà Tĩnh Nguyễn Văn Thanh trao 100 suất quà, mỗi suất gồm 1 chăn ấm trị giá 300.000đ và 500.000đ tiền mặt cho 100 bà con giáo dân xã Phương Mỹ. Run run nhận quà, cụ Lưu Thị Phúc (95 tuổi, xóm Mỹ Thượng) chia sẻ: “Tôi rất vui vì được Chủ tịch Tổng LĐLĐVN từ trung ương trực tiếp về đây thăm hỏi, động viên và trao quà. Ơn nghĩa này, bà con chúng tôi xin ghi lòng tạc dạ”. “Quý vị đã mang đến cho chúng tôi sự khích lệ quý giá để vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và vươn lên trong cuộc sống trong những ngày gian khó này”, ông Trần Thanh Hải - thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ Thổ Hoàng - chân thành.

Tại giáo xứ Thọ Vực, xã Hà Linh, đoàn cũng đã trao 70 suất quà, mỗi suất 1 chăn ấm trị giá 300.000đ và 500.000đ tiền mặt cho 70 hộ giáo dân bị thiệt hại vì mưa lũ vừa qua. Ông Nguyễn Văn Thuyến - Phó xứ Thọ Vực - chia sẻ: “Chúng tôi rất xúc động khi đây là đoàn hỗ trợ đầu tiên đến với bà con giáo dân từ tổ chức đại diện CNLĐ cả nước”. Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn cũng gửi đến Tổng LĐLĐVN và Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động tình cảm tri ân, ghi nhận những tình cảm mà quỹ đã dành cho nhân dân Hương Khê trong thời gian qua.

Điểm tựa để vươn lên

Tại xã Hưng Trung (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), đoàn công tác đã trao tặng 100 bà con giáo dân bị thiệt hại trong cơn lũ vừa qua, mỗi người 1 triệu đồng. “Của ít lòng nhiều, đây là tấm lòng của CNLĐ cả nước chia sẻ với bà con, mong bà con sớm vượt qua khó khăn, vững vàng trước tương lai”, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường gửi gắm. “Hôm nay là ngày nghỉ, mà các anh chị từ Hà Nội vẫn tranh thủ vào thăm hỏi bà con. Chúng tôi hiểu rằng, CNLĐ cả nước cuộc sống cũng còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với tình nghĩa đồng bào, đã chia sẻ với bà con giáo dân vùng lũ. Đây là sự động viên rất lớn đối với bà con, về vật chất giúp bà con đỡ khó khăn, về tinh thần có ý nghĩa như một điểm tựa cho bà con vươn lên. Thay mặt bà con chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, chung tay cùng cả nước xây dựng cuộc sống”, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên Hoàng Văn Phi trân trọng ghi nhận. Anh Phi cho biết, Hưng Trung là quê hương của nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ và đình nguyên tiến sĩ Đinh Bạt Tụy, có một vạn dân, trong đó gần 80% là giáo dân. Trong bộn bề khó khăn, bà con lương giáo nơi đây một lòng đoàn kết keo sơn, cùng nhau xây dựng cuộc sống, chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Xúc động đón nhận món quà, giáo dân Nguyễn Văn Ngọc, xóm 2, nói: “Bà con Hưng Trung chúng tôi, đã bao đời nay sống chung với lũ. Dù rất cố gắng, nhưng nhiều nhà nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm nay lũ đến nhanh và rút lâu, làm nhiều hộ bị ngập nước, thiệt hại lớn. Món quà tình nghĩa hôm nay, bà con chúng tôi không bao giờ quên. Đây là sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, và cũng là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhân dân gặp khó khăn”.

Bí thư Đảng ủy xã Hưng Trung Đặng Văn Ngọc phấn khởi báo cáo với đoàn công tác: “Hưng Trung địa hình không lợi, nhưng nhân hòa thì đáng tự hào. Bà con giáo dân có truyền thống siêng năng, cần cù, đặc biệt là rất đoàn kết và hiếu học”. Hưng Trung là vùng đất học, người dân dù khó khăn đến đâu cũng đầu tư, động viên cho con cái học hành. Học, đối với người dân nơi đây là sự nối tiếp truyền thống của cụ Nguyễn Trường Tộ, cụ Đinh Bạt Tụy; và học cũng là một con đường để thoát nghèo, thoát khổ và có điều kiện để giúp người khác có cuộc sống tốt hơn. “Một triệu đồng với bà con là rất quý anh ạ, là mua được 2 bộ sách giáo khoa cho con đi học rồi”, giáo dân Đinh Bạt Nhường, xóm 5, mắt ánh lên niềm vui khi được hỏi về việc sẽ làm gì với món quà vừa được tặng.

Sau lũ, người dân Phương Mỹ, Hà Linh, Hưng Trung lại tất tả chuẩn bị hạt giống, để làm mùa sau. Dù thiên nhiên có khắc nghiệt đến mấy, nhưng sự chia sẻ, chung tay của đồng bào cả nước và vô cùng đáng quý, giúp bà con có điểm tựa để vươn lên, để mầm xanh cây cỏ ngời xanh trên phù sa của từng cơn lũ.

Ghi nhanh của T.TUẤN- Q.ĐẠI - ÁI CHI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/am-long-ba-con-giao-dan-vung-ron-lu-608617.bld