Ám ảnh sau nồi cháo cóc

Khoảng 21h ngày 7/11/2016, anh Nguyễn Chơn Trung (34 tuổi, ngụ ấp Tân An, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) từ rẫy cao su trở về nhà thì phát hiện vợ là chị Bùi Thị Thu Hiền (32 tuổi) cùng hai con nhỏ (con lớn 7 tuổi, con nhỏ 1 tuổi) đang đau đớn quằn quại liên tục nôn ói ra một loại nước màu đen đậm. Dù cả 3 nạn nhân đã được người thân nhanh chóng đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Người đàn ông 1 ngày mất cả vợ và 2 con

Nỗi đau ám ảnh

Anh Trung (chồng nạn nhân cũng là cha của hai cháu nhỏ vắn số) dáng vẻ mệt mỏi ngồi thừ trên chiếc ghế, cạnh đó vài tấm tôn mới nằm ngổn ngang chỏng chơ dưới nền đất.

Anh cho hay, vì bên trong nhà quá chật chội, chỉ có một phòng ngủ và một gian bếp nên từ ngày người vợ cùng hai con qua đời, chiếc bàn thờ lập vội không có chỗ dựng, đành phải đặt ở phía ngoài hiên.

Sợ gió lùa vào, anh đành nhờ những anh em, xóm làng mua tôn về che chắn lại, cũng là để làm gian thờ tự về sau cho đỡ sơ sài.

Anh kể, rạng sáng ngày 7/11, anh phải đội đèn pin cùng những người công nhân khác cạo mủ trong rẫy cao su, đến khoảng hơn 7h sáng công việc mới hoàn thành. Khoảng 7h30, khi anh về đến nhà thì thấy người phụ nữ thường bán cóc ở chợ đang ở nhà mình và làm những con cóc cuối cùng.

“Tui hỏi thì bà ấy nói là vợ tui thuê bả đến làm. Nói xong bà xách một bịch nào đầu, ruột, da cóc móc lên ghi đông xe đạp rồi đạp xe đi mất hút. Tui đi vào phòng ngủ thì thấy vợ và hai con đang ngủ say nên đóng cửa đi về nhà nội cách nhà tui khoảng 100m (nhà bà Lê Thị Sen, 58 tuổi, mẹ ruột của anh Trung – PV) để làm rẫy”.

Khoảng 12h trưa, anh Trung trở về nhà và đùa giỡn với các con. Lúc đó chị Hiền và hai cháu nhỏ đều đã ăn trưa. Tranh thủ nghỉ trưa với vợ và con được một lúc, đến 2h chiều anh lại phải rời nhà để quay lại rẫy xịt thuốc diệt cỏ và cho đàn bò uống nước. Anh cho hay, vì rẫy chỉ cách nhà một đoạn khoảng hơn 100m nên anh thường xuyên chạy đi chạy về.

“Khoảng 5h chiều tui xong việc nên chạy xe về nhà tắm rửa để tiếp tục đi cạo mủ ca 2. Khi về tui thấy vợ con đang ngồi giữa hiên nhà, khỏe mạnh bình thường. Nghe vợ bảo mấy mẹ con đã ăn tối. Vì việc gấp, nên tui tắm xong là chào vợ con đi ngay”.

Người đàn ông ứa nước mắt: “Khoảng 9h tối tui đang làm trong rẫy thì vợ gọi điện nói “anh làm xong chưa? Về đi”. Tui nghe giọng vợ có vẻ gấp gáp, lại nghe tiếng con khóc, sợ con bị ốm nên tui ba chân bốn cẳng chạy về thì thấy 3 mẹ con nằm ôm nhau khóc, kêu đau và nôn ói ra loại nước màu đen đậm.

Tui hoảng hốt hỏi “lúc chiều mấy mẹ con ăn gì” thì vợ thều thào “ăn cháo cóc”. Lòng tui như lửa đốt nên tức tốc gọi xe đưa vợ và con đi cấp cứu”.

Tối hôm đó trong túi anh Trung chỉ còn vỏn vẹn 1 triệu đồng. Để có tiền đưa vợ con đến bệnh viện, anh phải chạy sang nhà mẹ ruột mượn thêm 3 triệu đồng. Ngay lúc đó anh đã sớm quyết định không đến bệnh viện huyện mà đón xe thẳng lên bệnh viện đa khoa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trước tình trạng nôn ói của vợ con ngày càng nặng nhưng người chồng không thể làm được gì ngoài việc cố trấn an vợ bình tĩnh. Anh kể: “Vợ nói “chỉ nấu cháo 4 con cóc và 3 mẹ con cùng ăn”. Trong bụng tui chỉ nghĩ rằng vợ con chỉ bị ngộ độc thức ăn gì đó, chạy thẳng lên bệnh viện tỉnh làm súc ruột, uống thuốc rồi mọi chuyện sẽ ổn, nhưng tình trạng càng lúc càng trở nên trầm trọng hơn.

Vợ tui vì quá đau đớn không chịu đựng được nên một lúc lại quay sang nói như trăng trối “chắc em không qua nổi rồi anh ơi”. Tui vừa lo lắng vừa sợ hãi chỉ biết gạt phắt đi. Tui không ngờ rằng độc tố của cóc lại độc đến như vậy”.

Ba mẹ con qua đời vì tin vào lời đồn thổi về món thịt cóc

Đồn thổi thịt cóc chữa bệnh còi xương

Người chồng hai mắt hõm sâu hồi ức, đối với anh cảnh tượng trên đoạn đường đưa vợ con từ nhà đến bệnh viện ngày hôm đó đã vô cùng ám ảnh, ngay cả khi ngủ thiếp đi vì mệt anh cũng không thể nào quên:

“Tui ngồi giữa ôm bé nhỏ (1 tuổi – PV), vợ ngồi một bên còn bé lớn ngồi một bên. Bên này con ôm ngực ói thì bên kia vợ tui cũng đỏ mặt tía tai đau đớn nôn tháo nôn thốc. Bé nhỏ thì ói ít hơn nhưng nằm li bì, lay mãi không tỉnh dậy”.

Khoảng 22h đêm hôm đó, chiếc xe mới đưa được chị Hiền và hai cháu nhỏ đến bệnh viện. Ngay lập tức cả 3 mẹ con được tiến hành súc ruột nhưng chất độc đã ngấm sâu vào cơ thể.

Bà Sen khẽ đưa vạt áo lau nước mắt, sụt sùi kể: “Tui thấy thằng Trung chạy qua mượn tiền nói vợ con bị ốm hết. Tui nghĩ chắc đến viện cũng không sao. Rồi một lúc sau con rể tui (em rể của anh Trung – PV) hớt hải chạy sang nói “không xong rồi mẹ ơi, mấy mẹ con chị Hiền nguy rồi”.

Thằng Trung lại điện về nói thu xếp 20 triệu để lọc máu, tui không có tiền đành chạy đi vay mượn rồi đưa lên cho con. Mẹ con tui túc trực ở trước cửa phòng cấp cứu đến hơn 2h sáng thì bác sĩ mở cửa ra nhìn tui lắc đầu...”

Khoảng 2h 30 phút, anh Trung đành buông xuôi, đưa thi thể vợ về nhà. Còn bà Sen và một số người thân bên nhà ngoại ở lại bệnh viện lo cho hai cháu nhỏ. Tuy nhiên khi thi thể người mẹ vừa về được một lúc thì đứa con còn thơ dại mới 1 tuổi cũng “ra đi”.

Thấy xe đưa con về, anh Trung và toàn thể những người thân chưa kịp khô nước mắt thì bé Nguyễn Ngọc Bảo Nguyên (7 tuổi) cũng trút hơi thở cuối cùng khi đang trên đường được chuyển viện đến TP HCM. Nỗi đau đớn chồng chất khi trong một ngày anh Trung phải “mất” đến 3 người thân. Người đàn ông có tiếng mạnh mẽ cũng không còn đủ sức đứng vững.

Cóc trái mùa, độc càng độc hơn

Anh Trung là con trai cả trong 3 anh em. Năm 2008, anh Trung và chị Hiền kết hôn, đến nay sinh được hai người con. Gia cảnh không đến nỗi nghèo nhưng “ăn dè ăn sẻn” mới đủ nuôi con ăn học. Khoảng 3 năm nay, vợ chồng anh mới gom góp xây được căn nhà nhỏ rồi ra ở riêng.

Bà kể: “Hồi trước chưa bao giờ tui thấy nó ăn cóc. Nhưng năm 2015, nó sinh đứa thứ 2 bị thiếu tháng, lúc sinh chỉ được 1,8kg, phải chuyển đến bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) nuôi trong lồng kính gần 1 tháng trời.

Sau khi đưa cháu về quê, nó nghe người ta đồn thổi cho con ăn thịt cóc thì sẽ chữa được bệnh còi xương. Nó nghe ai nói cũng làm theo nên cứ 1 tuần lại mua cóc về băm nhuyễn nấu cháo cho con ăn 1 lần. Nếu cháo còn dư thì cả nhà cùng ăn. Tui không ngờ giờ phải chịu nỗi đau quá lớn đến vậy...”.

Căn nhà vốn rộn ràng tiếng cười nhưng sau đám tang của những người xấu số đã trở nên vắng vẻ, u ám. Anh Trung ngồi buồn bã trần tình: “Sợ tui đổ bệnh nên anh em thay nhau mỗi ngày đến đây với tui một người, cũng tiện lo nhang khói. Từ ngày mất cả vợ lẫn con, tui cũng không thiết làm gì...”

Anh kể: “Chiều hôm đó, tui nghe vợ nói có để dành cháo cho tui, nhưng vì tui vừa ăn ở nhà mẹ quá no nên không ăn thêm mà xách đồ đi làm luôn. Nếu hôm đó tui ăn cơm ở nhà thì cũng không biết được giờ việc nhang khói cho vợ con nhờ được ai”.

Về người đã bán số cóc trên cho nạn nhân, anh Trung cho hay: “Lúc đưa vợ đi viện, tui có nghe vợ nói đặt mua 20 con cóc và có nhờ bà bán cóc về tận nhà làm sạch sẽ. Đến chiều mới lấy băm nấu cháo cho con.

Từ khi không may xảy ra chuyện đau lòng như vậy, gia đình tui nghĩ bà ấy cũng không phải cố ý gì nên không muốn trách cứ thêm. Có lẽ người ta cũng khổ lắm. Có lẽ bà ấy sợ bị gia đình tui “bắt vạ” đến nỗi không dám đến thắp nén nhang cho vợ con tui. Người ta nói bà ấy cũng sợ quá bỏ nghề rồi”.

Mẹ anh Trung trần tình: “Ở đây ai cũng biết bà Linh nghèo khổ nên mới làm nghề bắt cóc, bán cóc. Biết có truy cứu cũng không để làm gì, cũng không phải lỗi hoàn toàn ở bả nên thôi còn cái tình làng nghĩa xóm. Hôm đó bác sĩ cũng nói rõ ràng với tui là “Thịt cóc không có trong danh mục của bất cứ vị thuốc nào dù Đông y hay Tây y.

Do đó việc ăn thịt cóc chữa được bệnh là không có căn cứ, chỉ là lời đồn đại trong dân gian”. Vậy mà con dâu tui tin, đặt mua thì bả làm. Bác sĩ còn nói thêm con tui ăn phải loại cóc cực độc, và lại là cóc trái mùa nên càng độc hơn”.

Dương Thị Thương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/am-anh-sau-noi-chao-coc-306731.html