Ai sẽ lấp khoảng trống của Mỹ ở Tây Bán Cầu?

Diễn biến thời gian qua đều cho thấy chính sách đối ngoại, di trú, thương mại và kinh tế của Washington tới đây với Mỹ Latinh sẽ là sự ghẻ lạnh. Tất cả những gì mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gây dựng được ở khu vực này đang đứng trước nguy cơ bị đảo ngược.

Trung Quốc muốn “thế chân” Mỹ tại khu vực Mỹ Latinh

Sau khi ông Donald Trump chính thức trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, câu hỏi được đặt ra là quốc gia nào hay nhóm nước nào sẽ lấp vào khoảng trống mà Mỹ sẽ để lại ở Mỹ Latinh, khu vực thường được coi là sân sau của Washington, trong tương lai.

Chủ nghĩa bảo hộ mà chính quyền của ông Trump sẽ ráo riết theo đuổi cùng với các chính sách chống lại người nhập cư và sự quay lưng lại với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ là bức tường thực sự ngăn cản quan hệ giữa Mỹ và Mexico trên cả phương diện kinh tế, thương mại cũng như chính trị. Mối quan hệ "tan băng" với Cuba sẽ bị gián đoạn, trong khi các nước Nam Mỹ sẽ cố gắng thích nghi với những thay đổi trong chính sách của chính quyền của ông Trump, bao gồm việc Nhà Trắng sẽ từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mexico, Chile và Peru là thành viên.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên muốn thay thế Washington ở Mỹ Latinh. Trung Quốc có 1 kế hoạch chiến lược với Mỹ Latinh, thông qua 39 dự án trong 8 lĩnh vực chủ chốt, từ chính trị và kinh tế tới thương mại và xã hội, văn hóa, hợp tác quốc tế, hòa bình và an ninh. Bắc Kinh đã thúc đẩy nhiều hiệp định thương mại thay thế như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Kim ngạch thương mại song phương tăng gấp 20 lần trong giai đoạn 2000-2015, đạt tới 250 tỷ USD. Từ vị trí thứ hai hiện nay, Bắc Kinh dự định thay thế Mỹ trở thành bạn hàng thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh trong 15 năm tới.

Việc ông Trump muốn quay lưng lại với Mỹ Latinh cũng mở ra cơ hội cho Liên minh châu Âu (EU). Cuối năm ngoái, hai bên đã ký kết Thỏa thuận Đối thoại Chính trị và Hợp tác, chấm dứt hoàn toàn chính sách “Lập trường chung” thù địch của Brussels chống Cuba kéo dài từ năm 1996. Từ đầu năm nay, hiệp định thương mại giữa EU và Ecuador cũng bắt đầu có hiệu lực. Ngoài ra, EU cũng ủng hộ tích cực tiến trình hòa bình ở Colombia, với việc cấp khoản tín dụng 95 triệu USD.

Vẫn còn nhiều cơ hội mà EU có thể tận dụng như việc "làm mới" thỏa thuận với Mexico và Chile cũng như thực thi một cách toàn diện các văn bản với 6 quốc gia Trung Mỹ gồm Panama, Costa Rica, Guatemala, Honduras, El Salvador và Nicaragua hay thỏa thuận hợp tác với Cuba.

Đặng Ánh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ai-se-lap-khoang-trong-cua-my-o-tay-ban-cau.aspx