Ai sẽ là Thủ tướng lâm thời của Thái Lan?

VOV.VN - Một số học giả Thái Lan nhận định, có nhiều khả năng Đại tướng Prayuth sẽ làm Thủ tướng của Chính phủ lâm thời.

Hôm nay (07/07), báo chí Thái Lan phản ánh khá đậm nét dư luận của nước này về nội dung tiến trình cải cách do Ủy ban Bảo vệ trật tự Quốc gia khởi xướng và tổ chức thực hiện.

Dư luận Thái Lan đánh giá cao việc Đại tướng Prayuth-người đứng đầu Ủy ban Bảo vệ trật tự Quốc gia đã có tuyên bố rõ ràng hơn về các bước của lộ trình cải cách, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự tham gia của đại diện tất cả các phe phái, tầng lớp xã hội trong Hội đồng cải cách dự kiến sẽ được thành lập vào tháng 9 năm nay.

Tướng Prayuth Chan-ocha (ảnh: AFP)

Ban lãnh đạo Ủy ban Bảo vệ trật tự Quốc gia cũng cho biết, sẽ khẩn trương điều chỉnh một số điểm trong dự thảo Hiến pháp tạm thời để có thể trình Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn ngay trong tháng 7, mở đường cho việc thành lập Hội đồng lập pháp, Hội đồng cải cách và Chính phủ lâm thời.

Tuy nhiên, dư luận Thái Lan đặc biệt quan tâm tới một số vấn đề còn gây nhiều tranh luận trong tiến trình cải cách như nội dung của Hiến pháp tạm thời, Chính phủ lâm thời và việc soạn thảo Hiến pháp mới.

Về nội dung Hiến pháp tạm thời, lãnh đạo Ủy ban Bảo vệ trật tự Quốc gia khẳng định Hiến pháp tạm thời sẽ có quy định việc Ủy ban Bảo vệ trật tự Quốc gia tiếp tục tồn tại song song với Chính phủ lâm thời và các cơ chế sắp thành lập, cho đến khi diễn ra tổng tuyển cử mới. Song dư luận Thái Lan còn nhiều băn khoăn lo ngại về việc Hiến pháp tạm thời có thể sẽ quy định Ủy ban Bảo vệ trật tự Quốc gia có quyền chi phối hoạt động của các cơ chế nêu trên; dẫn đến việc hạn chế nhiều quyền tự do và dân chủ của người dân.

Về vấn đề Chính phủ lâm thời, một số học giả Thái Lan nhận định, có nhiều khả năng Đại tướng Prayuth sẽ làm Thủ tướng của Chính phủ lâm thời để ông có thể trực tiếp quản lý, điều hành đất nước một cách quyết đoán, hiệu quả như thời gian sau đảo chính vừa qua.

Tuy nhiên, các học giả Thái Lan cũng cho rằng thành phần Chính phủ lâm thời cần có sự tham gia của nhiều nhân vật dân sự, có năng lực và kinh nghiệm lãnh đạo quản lý, nhất là về kinh tế. Một vài ý kiến đề xuất Thủ tướng lâm thời cũng nên là một nhân vật không phải là tướng lĩnh quân đội; đồng thời Chính phủ lâm thời sắp tới cần điều hành đất nước bằng bộ máy quan chức và bằng các biện pháp dân sự, chứ không phải thông qua các thông báo, mệnh lệnh của Ủy ban Bảo vệ trật tự Quốc gia như hiện nay.

Về Hiến pháp mới, đa số dư luận Thái Lan cho rằng đây phải thực sự là bản Hiến pháp của toàn dân, được các phe phái góp phần tham gia đóng góp xây dựng; trong đó các nội dung cải cách về chính trị - xã hội, pháp luật và kinh tế của Hiến pháp mới phải thể hiện được sự chấp nhận của các phe phái, tầng lớp xã hội, được dư luận quốc tế ủng hộ. Hiến pháp mới cũng cần được thông qua cuộc trưng cầu ý dân, trước khi ban hành và có hiệu lực.

Một số chuyên gia chính trị Thái Lan nhấn mạnh; nếu Ủy ban Bảo vệ trật tự Quốc gia đảm bảo được sự công bằng, minh bạch, dân chủ, tiến bộ, hợp lòng dân trong tiến trình cải cách sắp tới, thì các vấn đề mâu thuẫn chính trị - xã hội sẽ dần giảm đi, chế độ dân chủ ở Thái Lan sẽ sớm được khôi phục và phát triển bền vững. Ngược lại, nếu tiến trình cải cách chỉ nhằm phục vụ cho quyền lực và lợi ích của một số phe nhóm chính trị, không thể hiện ý chí, nguyện vọng chính đáng của toàn dân, thì những mục tiêu tốt đẹp của tiến trình cải cách này sẽ không thể đạt được và tình hình Thái Lan có thể lại tái diễn bất ổn./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/ai-se-la-thu-tuong-lam-thoi-cua-thai-lan-337269.vov