Ai quyết định việc dạy con?

Tất nhiên là cha mẹ! Nhiều người sẽ trả lời vậy. Khi chưa có con tôi cũng nghĩ thế. Nhưng giờ tôi đã nhận ra: Chính con mới là người quyết định!

Sóc - con gái tôi - đã dạy tôi bài học lớn nhất về việc làm cha mẹ!

Không ai khác ngoài Sóc – cô con gái tiếp theo – đã “giác ngộ” cho tôi điều đó. Dưới đây là những câu chuyện bất hủ về “cô giáo nhỏ” – người dạy chúng tôi cách làm cha mẹ!

Con thuộc rồi, con không học nữa!

Từ khi đi học mẫu giáo, cô giáo dạy bài mới, nàng ngồi im một góc, kiểu như không quan tâm. Ngày tiếp theo, khi cô và các bạn hát, múa, thực hành lại bài học hôm trước, nàng nhảy vào, làm cùng, thuộc từ lời đến động tác.

Nhưng nếu những buổi sau, ôn bài, nàng lại chui vào góc ngồi, bảo cô giáo “con thuộc rồi, con không học nữa!”

5 tuổi, mẹ cho nàng đi học Ucmas cũng thế. Lúc đầu con học rất nhanh và hào hứng, nhưng đến gần xong cuối khóa học thứ nhất, nàng “tuyên bố” với mẹ: “Từ nay con không đi học nữa. Tưởng học gì, hôm nào đến cũng chỉ cộng với trừ, hôm qua cũng học cộng với trừ, hôm nay vẫn cộng với trừ, mà thể nào tuần sau cũng chỉ cộng với trừ cho mà xem, chán phèo”. Nói là làm, mẹ có cố tình đóng thêm tiền thì tự đi mà học.

Nghe những gì nàng nói, ai rồi cũng sẽ nghĩ rằng nàng là một cô bé có chính kiến. Nhưng cá tính mạnh mẽ ấy lại ẩn sâu trong một vẻ ngoài hết sức mỏng manh và ướt át.

Nhà có ba cô con gái, mỗi cô một tính (Trong ảnh Sóc ngồi giữa )

Ai đã hô biến một cô bé nhút nhát?

Khóc lóc ỉ ôi, hay sợ hãi, thậm chí có vẻ rất thiếu tự tin là những gì các cô giáo hoặc bất kỳ ai tiếp xúc với Sóc đôi lần có thể mô tả về nàng. Và dĩ nhiên, chẳng ai đánh giá cao điều đó. Làm cha mẹ, ai chẳng thèm muốn con mình bạo dạn, tự tin, cười nói khi đến nơi mới, đứng dậy phát biểu dõng dạc thay vì mắt lấm lét, tay bám váy mẹ!

Nếu như cô em gái Gấu – ngay từ lúc một tuổi đã bạo dạn đứng dưới vòi hoa sen xả nước tắm gội như một cậu con trai ngổ ngáo – thì cô chị Sóc lại là một vấn đề nan giải kéo dài hàng năm bằng những lời van nài trì hoãn việc gội đầu từ ngày nay sang ngày khác cho dù mẹ vẫn phải dùng biện pháp bế ngửa để gội chứ đâu được hiên ngang liều mình như cô em bé bỏng kia.

Trước 4 tuổi, suốt 2 năm đầu học trường mầm non, không bao giờ dám lên sân khấu biểu diễn bất kì tiết mục nào, ngay cả khi ngồi xem cũng phải là ngồi trên lòng mẹ hoặc một ai đó thân thiết.

Nhưng ngay sau đó, khi bước vào lớp mẫu giáo nhỡ, cô nàng như trở thành một người khác. Trường có bao nhiêu tiết mục văn nghệ, là bấy nhiêu lần nàng nhảy lên sân khấu. Nàng còn chủ động xin phép cô giáo tham gia, điều chưa bao giờ diễn ra trước đó.

Rồi đến cả khi nàng đã 6-7 tuổi, việc đứng trên sân khấu không còn đáng để quan tâm với nàng nữa, thì cái mà tôi muốn con chinh phục tiếp theo là những điều có vẻ “ghê gớm” hơn. Ví như tập xe đạp hai bánh, bơi hoặc “vĩ đại” hơn là trượt patin chẳng hạn. Xong tôi lại tự nhủ, thôi kệ, để lớn rồi cho đi học sau, chứ giờ nàng chả làm được đâu, rồi lại khiếp sợ mà chối đây đẩy như những lần trước, hoặc sẽ khóc ầm lên khi mẹ cố thuyết phục, hoặc giả có thử một lần xong rồi đầu hàng ngay tắp lự. Nghĩ thì thế, tôi vẫn cứ cố thử xem sao, tôi tận tình chỉ bảo con, dìu dắt con từng bước trong mỗi thử thách thậm chí cũng le lói ý định cho con đi học lớp chuyên nghiệp thì may ra con học nhanh hơn. Nhưng tôi lại thất bại ngay từ ngày đầu tiên, tôi ngập lụt trong xối xả nước mắt của nàng.

Tôi đành bỏ đó.

Bỗng một ngày đi làm về nàng hoan hỉ báo tin: Con đã biết đi xe đạp. Tất nhiên, cũng nhờ người giữ cho vài bước đầu tiên, nhưng nàng chọn người mà nàng có thể điều khiển được, chứ không phải là mẹ hoặc bố - người mà nàng nghĩ rằng mình phải nghe lời. Rồi đến tự biết bơi - lặn ngụp bì bõm. Và mới gần đây là tự đứng vững vàng trên đôi giày trượt patin khó bảo để di chuyển những bước đi đầu tiên chưa nhanh nhưng rất chắc chắn.

Nàng tự mình học bơi, đi xe đạp và trượt patin.

Câu chuyện “nhút nhát đã biến đi đâu” của nàng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Để rồi nhận ra rằng, con gái nhỏ chỉ cảm thấy tự tin khám phá bản thân mình khi con cảm thấy sẵn sàng. Nếu chưa, không ai có thể điều khiển hay bắt ép con được. Và chính con – cô gái nhỏ 4 tuổi – đã tự mình đi hành trình đó, từ nhút nhát tới tự tin, từ sợ hãi đến mạnh mẽ, từ “chưa biết” đến làm chủ.

Để một ngày tỏa sáng trên sân khấu. Để một ngày, con cười một nụ cười rạng rỡ đầy tự hào về những gì con đã làm được.

Tôi cảm thấy mình may mắn. Tôi chưa bao giờ xem sự nhút nhát của con là một vấn đề, không so sánh con với những em bé khác, không than phiền hay bình luận. Tôi đã không đầu hàng và cũng không trăn trở mà lặng lẽ bên con, kiên trì khơi gợi. Nếu tôi đầu hàng, có lẽ tôi sẽ đẩy con mình vào một vỏ bọc “nhút nhát” kiên cố - không dễ gì thay đổi được.

Lịch sử lặp lại

Nhưng đời không như là mơ và lịch sử đau thương có thể lặp lại. Các bạn hãy nhớ kỹ điều này.

Sau khi tỏa sáng ở trường mẫu giáo, Sóc lại làm bố mẹ đau đầu thót tim khi nàng bước vào tiểu học.

Những ngày đầu tiên ở học lớp 1, ngày nào tôi cũng đi làm trong trạng thái tim đập thình thịch mỗi lần điện thoại reo. Cô giáo gọi. 7h30- giờ ăn sáng khóc, 8h – giờ học khóc, 11g - giờ ăn trưa khóc, sau bữa cơm lại khóc, ngủ dậy buổi chiều lại khóc… Đó là thời gian biểu của nàng, đều đặn một tháng đầu tiên học tiểu học.

Tôi hiểu rằng con gái tôi là đứa trẻ rất khó tính, khó thích nghi với ngôi trường mới, khó chấp nhận với việc phải chịu đựng một khoảng thời gian dài với lặp đi lặp lại một việc, nghe giảng đều đều trong một tiếng đồng hồ. Trong 3 cô con gái, nàng là đứa yếu ớt nhất, nữ tính nhất, tình cảm nhất nhưng cũng là cô bé ngang bướng nhất: ghét sự nhàm chán đơn điệu và một khi không chấp nhận, sẽ phản kháng quyết liệt bằng cách khóc lóc, giả vờ đau đủ kiểu.

Khi con gái tự tin và sẵn sàng, con tỏa sáng theo cách của riêng mình. (Trong ảnh Sóc đứng giữa )

Nắm được “bí mật” của nàng, tôi trao đổi với cô giáo, nhờ cô phân công cho nàng một số công việc lăng xăng trong lớp học, để nàng có cơ hội vận động và giúp đỡ các bạn khác như phát giấy tờ, phô tô……

Chỉ sau một học kỳ, cô giáo và mọi người không còn nhận ra học sinh “cá biệt” khóc lóc “lắm chiêu” ban đầu nữa. Con trở lên vui vẻ, nhanh nhẹn, là trợ lý đắc lực của cô và thậm chí còn “cầm đầu” các bạn trong các hoạt động của lớp.

Lên lớp 2, cô giáo mới, lớp học mới, vở kịch lại lặp lại, theo hướng “tinh vi”. Tôi lại sống lại quãng thời gian đầu năm lớp 1 với liên tục cuộc điện thoại của Cô giáo và đến trường thấy con gái nằm khóc thút thít ở phòng y tế: lúc thì đau đầu, lúc thì đau răng, đau bụng, mọi kiểu đau mà nàng có thể nghĩ ra.

Lại 15 phút trao đổi với cô. Ngay ngày hôm sau, tình trạng đó chấm dứt ngay lập tức.

***

Khi sinh con gái thứ hai là Sóc, tôi tràn trề niềm tự tin rằng, tôi đã có cả một kho “giáo án” soạn sẵn khi dạy dỗ chị Nhím của nàng trước đó, chẳng cần phải nghiên cứu, chẳng cần phải chắt lọc ở đâu xa, chỉ việc lôi ra mà chụp vào, thế là xong.

Nhưng ngay khi nàng tròn tháng, tôi đã nhận ra rằng toàn bộ “giáo án” của tôi cháy rụi.

Rốt cuộc thì sau nhiều lần đau đầu, thót tim lẫn sung sướng cùng nàng, tôi đã thấm thía rằng thực ra dạy dỗ một đứa trẻ, điều quan trọng nhất vẫn là hiểu và nương theo tính cách, cá tính của riêng chúng.

Rốt cuộc, thì con chúng ta – với những tính cách và nhu cầu khác biệt – mới chính là người quyết định xem cha mẹ nên dạy chúng như thế nào. 3 đứa con chung một nhà, chẳng đứa nào giống nhau, mỗi nàng lại cần được dạy theo một cách.

Và như bù đắp cho tôi sau 2 lần mò mẫm làm mẹ, lần thứ 3 tôi được nghỉ ngơi gần như hoàn toàn, cô con gái út có cách sống độclập, tự lập ngay từ khi còn chưa biết đi biết nói. Việc duy nhất của tôi trăn trở về cô ấy lúc này là : Làm thế nào để nàng ít nghĩ tới chuyện ăn uống hơn (nàng vốn đã mũm mĩm lắm rồi!). Thế thôi.

Vân Anh
Yeutretho/ Seatimes

Nguồn ĐS&PL: http://www.yeutretho.com/ai-quyet-dinh-viec-day-con-200841.ytt