Ai quản lý nhà hàng bè nổi?

Sau sự cố chìm nhà hàng bè nổi khiến hai du khách tử vong ở vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận), các tỉnh Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa đã đình chỉ tạm thời hoạt động loại hình kinh doanh này để rà soát, chấn chỉnh lại. Tuy nhiên, kiểm tra theo quy chuẩn nào và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm giám sát vẫn là vướng mắc của các địa phương.

Một nhà hàng bè nổi ở vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận). Ảnh: B.U

Hầu hết các nhà hàng bè nổi trên vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), Vĩnh Hy, Vũng Tàu được cải hoán từ bè nuôi trồng thủy sản. Bè được thiết kế theo kinh nghiệm truyền thống của người dân. Sàn bè được làm bằng ván gỗ. Bè nổi nhờ vào sức nổi của các thùng phi nhựa hoặc phao nhựa gắn xung quanh.

Theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (QCVN 72: 2013/BGTVT) và Thông tư số 43 ngày 23-10-2012 của Bộ GTVT, với đặc điểm như vậy, phương tiện này thuộc dạng bè, không phải nhà hàng nổi và không thuộc diện đăng kiểm. Tại Khoản 4, Điều 24, Luật Giao thông đường thủy nội địa, những nhà bè kiểu này được phân cấp cho UBND cấp tỉnh quản lý. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều chưa có quy định, quy chuẩn rõ ràng để thẩm định mức độ an toàn cũng như để cấp phép hoạt động.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Trần Bá Việt, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố Vũng Tàu, thừa nhận lâu nay việc quản lý nhà hàng bè nổi ở Vũng Tàu còn chưa chặt chẽ vì tỉnh không có quy chuẩn và phân công cơ quan giám sát cụ thể. Chỉ mới đây, sau khi tạm đình chỉ hoạt động các bè nổi, UBND thành phố Vũng Tàu mới gửi văn bản yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định để nhà hàng nổi hoạt động đúng quy chuẩn an toàn.

Ông Việt cho rằng quy trách nhiệm cho một sở ban ngành nào còn là điều bàn cãi, bởi ngành nào cũng sẽ có ít nhiều trách nhiệm trong việc quản lý nhà hàng bè. Bè hoạt động kinh doanh nên sẽ có một phần trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Kinh doanh ăn uống phía trên, ở dưới các hộ vẫn nuôi trồng thủy sản, vấn đề này lại thuộc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bè xây trên biển nên cơ quan giao thông đường thủy cũng có liên đới...

“Ngành du lịch tuy có hưởng lợi từ những dịch vụ này nhưng sẽ không đủ thẩm quyền và khả năng. Họ chỉ làm những vụ về xử phạt chủ bè hét giá, "chặt chém" du khách, quảng bá hình ảnh, xác nhận địa chỉ, điểm đến tin cậy cho khách. Tiêu chí đặt ra là an toàn vẫn phải trên hết; do đó nên giao Sở Xây dựng đảm trách. Cơ quan này mới có khả năng chuyên môn đưa ra quy định về kết cấu xây dựng để đảm bảo an toàn cho du khách”, ông Việt đánh giá.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh, cho biết trước khi tai nạn xảy ra ở Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận), tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát các nhà hàng bè nổi nhưng các bè nổi được thiết kế không theo quy chuẩn nào có trong luật hiện hành, nên việc thẩm định chất lượng gặp nhiều trở ngại.

“Ngay sau khi tai nạn xảy ra ở Vĩnh Hy, Khánh Hòa tạm đình chỉ hoạt động các nhà bè, vướng mắc ban đầu gặp phải là sẽ dựa vào quy chuẩn nào để chấn chỉnh, rà soát các bè”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, chỉ riêng đảo Bình Ba và Bình Hưng trong vịnh Cam Ranh hiện đã có gần 30 nhà hàng bè nổi. Từ nhiều năm nay, ăn uống, vui chơi trên nhà hàng bè nổi là một trong những hoạt động thu hút du khách đến với những điểm du lịch này. Lệnh cấm như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng không chỉ với đời sống của các hộ dân đang kinh doanh loại hình này mà còn với cả ngành du lịch địa phương.

“Nhà hàng bè nổi không chỉ có ở Khánh Hòa hay Ninh Thuận mà còn nhiều địa phương khác trên cả nước. Nhưng luật đã không theo kịp với đời sống của dân. Đây là sáng kiến của người dân và rõ ràng họ làm rất hiệu quả, vậy tại sao không có một quy định chung để quản lý thay vì cấm hay thả nổi để rồi khi có sự cố xảy ra lại quay ra đổ thừa họ làm ăn tắc trách”, ông Sơn nhận định.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/149404/ai-quan-ly-nha-hang-be-noi.html/