Ai kinh doanh mía đường tốt hơn gia đình ông Đặng Văn Thành?

Kinh doanh hiệu quả, lợi suất sinh lời cao, cổ phiếu mía đường do doanh nhân Trần Thị Thái sở hữu đang tăng trưởng mạnh trên 100%.

Báo cáo tài chính quý II của Công ty cổ phần mía đường Sơn La (SLS) của bà Trần Thị Thái - nữ doanh nhân lão làng nổi tiếng trong ngành mía đường cho thấy, doanh thu quý II đạt 162 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 58 tỷ. Trong đó, chi phí bán hàng giảm mạnh so với cùng kỳ nên lợi nhuận sau thuế tăng 61% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng công ty đạt 439,6 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 105,7 tỷ, lần lượt tăng 12,5% và 119%. Chính vì đạt mức lợi nhuận "khủng" và cao nhất 2 năm trở lại đây đã giúp lãi cơ bản trên cổ phiếu của công ty này đạt 15.558 đồng, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu đạt 39% - một tỷ lệ khá ấn tượng và cao ngất ngưởng so với cùng kỳ các năm trước.

Đáng chú ý nợ phải trả của công ty này là 138 tỷ đồng, đa phần là nợ người bán và người mua, còn tổng tài sản là 407 tỷ đồng, vốn chủ sơ hữu 269 tỷ. Với kết quả kinh doanh ấn tượng đã giúp cho cổ phiếu của đơn vị này liên tục tăng trưởng và đạt 116.000 đồng chốt ngày 22/7.

Không chỉ dẫn dắt Đường Sơn La kinh doanh hiệu quả, tại Công ty cổ phần đường Kon Tum (KTS) cũng do bà Thái sở hữu đạt kết quả kinh doanh tốt trong nửa đầu năm.

Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt lợi nhuận 34,12 tỷ đồng, tăng 132% với cùng kỳ năm trước. Năm 2016, doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận 20,5 tỷ đồng và với kết quả đã thực hiện được, công ty đã hoàn thành vượt 66% kế hoạch đã đặt ra.

Một số chỉ tiêu cơ bản (Đvt: đồng)

Một số chỉ số tài chính SLS KTS SBT BHS
EPS 15.558 6.731 1.269 1.646
ROE 39% 24% 8,3% 8,2%

Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản Đường Kon Tum đạt 148 tỷ đồng, trong đó số dư tiền và tương đương chiếm hơn 56 tỷ đồng. Hiện tại, công ty có khoản phải thu ngắn hạn khách hàng 35,6 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 24%. Giá cổ phiếu KTS ngày 22/7 đạt 49.500 đồng. Đây cũng là mức khá cao so với các cổ phiếu trên sàn Hà Nội.

Hiện tại, theo báo cáo, bà Thái cùng gia đình đang sở hữu khoảng 34% cổ phần Đường Sơn La. Riêng lão doanh nhân này nắm giữ gần 1,9 triệu cổ phiếu tương đương 27,43% vốn. Công ty TNHH Thái Liên do bà Trần Thị Liên, em gái bà Thái, làm đại diện theo pháp luật cũng có sở hữu 15% vốn SLS. Tổng sở hữu công khai của bà Thái và nhóm liên quan tại đây lên đến 49%.

Đối với KTS, bà Thái chỉ sở hữu 3% vốn nhưng Công ty TNHH Kim Hà Việt do bà làm đại diện đang sở hữu 15% vốn. Ông Đặng Việt Anh - con trai bà Thái giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị ở 2 công ty. Ông Trần Ngọc Hiếu, em trai bà giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Đường Sơn La và Thành viên Hội đồng quản trị Đường Kon Tum từ năm 2015.

Ngoài các công ty trên, bà Trần Thị Thái sinh năm 1939 còn tham gia Ban quản trị của một loạt doanh nghiệp mía đường khác như: Công ty cổ phần mía đường Bến Tre (Bentresuco), Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco), Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng (SST).

Doanh nghiệp mía đường với sự tham gia của bà Trần Thị Thái lãi lớn 6 tháng đầu năm. Ảnh: MH.

Trong khi các công ty mía đường của doanh nhân Trần Thị Thái có tỷ lệ sinh lời tốt và luôn nằm trong top doanh nghiệp có kết quả kinh doanh hiệu quả thì các công ty mía đường của gia đình ông Đặng Văn Thành vẫn chưa có nhiều bứt phá dù thị trường đang phát triển theo chiều hướng tốt, giá đường phục hồi.

Báo cáo tài chính quý III niên độ 1/7/2015 - 30/6/2016 của Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (Mã CK: SBT) cho thấy, tổng doanh thu và bán hàng của công ty đạt 3.017 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 215,7 tỷ, tăng 98,6% và 95,4% so với cùng kỳ. Mặc dù lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng theo doanh nghiệp này, nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh là do hợp nhất với Mía đường Gia Lai đã giúp công ty tăng doanh số vượt 121% và lợi nhuận gộp tăng hơn 102%.

Đáng quan tâm hơn cả là tính đến ngày 30/3/2016, nợ phải trả của công ty đạt 4.410 tỷ đồng, tăng trên 3 lần so với 30/6/2016, vốn chủ sở hữu đạt 2.591 tỷ đồng, tổng nguồn vốn là 7.001 tỷ. Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này khá thấp, chỉ đạt 8,3%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 1.269 đồng. Giá cổ phiếu tại ngày 22/7 là 33.400 đồng.

Còn tại Công ty cổ phần đường Biên Hòa, cũng nhờ vào việc sáp nhập với Đường Ninh Hòa nên doanh thu hoạt động kinh doanh 9 tháng (1/7/2015 -30/3/2016) đạt 3.240 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 167 tỷ, lần lượt tăng 53,7% và 129% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 1.646 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu đạt 8,2%. Nợ dài hạn đến ngày 30/3 của công ty đạt 303 tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với 1/7/2015. Giá cổ phiếu BHS ngày 22/7 đóng cửa ở mức 19.200 đồng một cổ phiếu.

Trước đó, khi chưa sáp nhập với Mía đường nhiệt điện Gia Lai và Đường Ninh Hòa thì lợi nhuận 3 quý của 2 doanh nghiệp này cũng chỉ vỏn vẹn chưa tới một nửa hoặc bằng một nửa lợi nhuận của cùng kỳ năm nay. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này ở các kỳ trước chỉ dao động quanh 5-6%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng quanh mức 700-1.200 đồng.

Gần đây, không chỉ Đường Biên Hòa, mà Thành Thành Công Tây Ninh cũng râm ran chuyện sáp nhập và bán cho đối tác nước ngoài khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi nghi ngờ cổ đông lớn của doanh nghiệp này đang muốn thoái lui khỏi mía đường.

Hiện, tại Thành Thành Công Tây Ninh, Công ty cổ phần Thành Thành Công đang nắm giữ 45,9 triệu cổ phiếu, tương đương 23,99%. Bà Đặng Huỳnh Ức My (con gái ông Thành) thành viên Hội đồng quản trị nắm giữ 3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,58%. Còn bà Huỳnh Bích Ngọc (vợ ông Thành) nắm giữ 1,5 triệu cổ phiếu. Tại Đường Biên Hòa, Công ty cổ phần Thành Thành Công, vợ và con gái ông Thành nắm tỷ lệ cổ phần chiếm đa số.

Hồng Châu

Vnexpress

Nguồn TT&CL: http://trithuccongluan.com.vn/kinh-te/8164-ai-kinh-doanh-mia-duong-tot-hon-gia-dinh-ong-dang-van-thanh.html