'Ai gánh nợ xấu?' làm nóng diễn đàn Quốc hội

Phiên thảo luận tổ về tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra vào ngày 22.10 vừa qua đã “nóng” câu chuyện xử lý nợ xấu. Điều đáng nói, những thảo luận đã không bàn nhiều về giải pháp mà chỉ xoay quanh câu hỏi: “Ai gánh nợ xấu?”, “có sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu hay không?”…

Vấn đề nợ xấu “nóng” lên khi Báo cáo thẩm tra từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề cập đến số liệu nợ xấu. Báo cáo thẩm tra cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu đến tháng 9.2016 khoảng 2,62% tổng dư nợ. Nếu tính các khoản nợ xấu chuyển sang công ty VAMC (khoảng 4,8%) và các khoản nợ đã cơ cấu lại thì tỷ lệ xấu sẽ lớn hơn nhiều.

Còn theo công bố của IMF tháng 7.2016 thì ở mức 12,5% của các khoản vay, trong khi tỷ lệ nợ xấu không tính khoản nợ chuyển sang VAMC và nợ cơ cấu lại là 2,6%.

Ai gánh nợ xấu?

Tại phiên thảo luận tổ này, ông Đào Ngọc Dung (đoànThanh Hóa), Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội bày tỏ không ít băn khoăn về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng.

"Tôi đố đồng chí nào hình dung được ngân hàng Việt Nam đang như thế nào, mạnh hay yếu, thực chất ra sao?", đại biểu Dung bày tỏ sự băn khoăn.

Nợ xấu chính do ngân hàng và doanh nghiệp gây ra, song xử lý nợ xấu đang nằm ngoài khả năng của những “tội đồ” này

Theo ông Dung, sự lo ngại này xuất phát từ sự “nhảy múa” của các số liệu ngân hàng hiện tại.

"Mạnh như Mỹ mà khi ngân hàng quốc gia có chuyện cả nền kinh tế chao đảo, ở Việt Nam chỉ cần hai ngân hàng có vấn đề thì chắc chắn không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn liên quan đến đời sống chính trị, xã hội rất nhiều", đại biểu Dung nói.

Vì vậy, theo đại biểu Dung, cần phải minh bạch các ngân hàng 0 đồng, nợ bao nhiêu, chuyển hóa thế nào, ai chịu trách nhiệm phải công khai không thể mập mờ. Tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 cần tập trung xử lý NHTM yếu kém trên cơ sở đánh giá thực chất tình hình.

Cho đến giờ, vẫn chưa ai tin tỷ lệ nợ xấu mà NHNN công bố là chính xác, nhiều chuyên gia cho rằng con số thực còn cao hơn nhiều. Nhiều ý kiến còn nhấn mạnh đến những “tội đồ" gây ra nợ xấu cho nền kinh tế như Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn... và buộc họ phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ xấu đó.

Phải khẳng định rằng, nợ xấu chính do ngân hàng và doanh nghiệp gây ra, song xử lý nợ xấu đang nằm ngoài khả năng của những “tội đồ” này. Vì vậy, nếu ép các cá nhân gây ra nợ phải xử lý nợ, chắc chắn hàng chục năm nữa nợ xấu cũng sẽ không thể giải quyết được.

Sử dụng nguồn lực Nhà nước mạnh hơn

Phó Thủ tướng, đại biểu Vương Đình Huệ (đoàn Hà Tĩnh), cho rằng hiện nay dư luận quan tâm có hay không dùng nguồn lực Nhà nước để xử lý ngân hàng yếu kém và nợ xấu?

“Đừng lẫn lộn giữa ngân sách Nhà nước và nguồn lực Nhà nước. Có lẽ sau này Chính phủ rất cân nhắc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu hay các ngân hàng yếu kém nhưng thực tế ta đang dùng nguồn lực Nhà nước rồi”, Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời báo giới bên lề hành lang Quốc hội sáng ngày 22.10

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giải thích khi một TCTD trích lập dự phòng xử lý nợ xấu thì thuế 25%, nếu ngân hàng trích lập 100 đồng thì ngân sách đóng 25 đồng, nếu không trích lập thì Nhà nước không phải nộp 25 đồng. Như thế là Nhà nước dùng nguồn lực xử lý nợ xấu.

“Hay như Nhà nước cho VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt theo công cụ của TCTD là tái cấp vốn thì là dùng nguồn lực Nhà nước rồi. Bình thường lãi suất cho vay là 7-8%, nhưng Ngân hàng Nhà nước cho vay tái cấp vốn có 3%, đấy là chênh lệch thu chi ngân hàng nên nộp thuế cho Nhà nước sẽ ít đi. Trước đây NHNN cứ nộp thuế từ 10.000 - 11.000 tỷ đồng, nhưng 2 năm nay nộp thuế là âm vì dành cho chuyện tái cơ cấu”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ trình Quốc hội các dự án luật hỗ trợ tái cơ cấu và nợ xấu. Ví dụ một luật sửa nhiều luật liên quan tới các vấn đề dân sự, tòa án, luật đất đai, nhiều luật vướng mắc ta khó xử lý vì tài sản đảm bảo chủ yếu là đất đai.

Bàn về xử lý nợ xấu, đại biểu Quốc hội Mai Hồng Hải (đoàn Hải Phòng), cho rằng nợ xấu hiện nay rất lớn, muốn giải quyết vấn đề nợ xấu phải bỏ tiền bạc ra. “Nhà nước phải dành ra một nguồn lực cần thiết, có ý kiến cho rằng, lấy trong dự trữ ngoại hối, hay bán doanh nghiệp Nhà nước…Tái cơ cấu không dùng đến kinh phí tiền bạc thì không thể tái cơ cấu”, đại biểu Hải nói.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/ai-ganh-no-xau-lam-nong-dien-dan-quoc-hoi-717692.html