Ai đã thổi căng "bong bóng" đại học?

''Bong bóng'' bất động sản, ''bong bóng'' chứng khoán, và đến nay là ''bong bóng'' đại học. Đã là bong bóng thì sẽ có nguy cơ bị vỡ.

Cũng đã đến lúc đặt ra chuyện giải cứu thị trường đại học ngoài công lập.

Tuần qua, những thông tin các trường đại học ngoài công lập kêu cứu vì không tuyển được sinh viên và nhiều khó khăn khác được nêu rất nhiều trên các báo. Những thông tin đó lại làm cho xã hội hoài nghi thêm về chất lượng của hệ thống trường đại học ngoài công lập. Có thể đây là nỗi oan ức đối với những trường tốt, nhưng định kiến xã hội không phải dễ dàng thay đổi trong một thời gian ngắn.

Chỉ cần nhìn lại gần chục năm trở lại đây, đại học ngoài công lập phát triển như phong trào làm dự án bất động sản hay chơi chứng khoán. Địa phương nào cũng có trường đại học, nhiều nhóm đầu tư mở trường đại học để kinh doanh bởi vì họ đánh giá rằng đầu tư kinh doanh giáo dục là cách kiếm tiền hiệu quả và sang trọng. Đánh giá này không sai, nhưng chỉ có điều không phải ai cũng làm được, kinh doanh giáo dục phải có thực tài, thực lực. Hãy nhìn những trường quốc tế đến đầu tư ở VN sẽ thấy, họ lấy tiền dân mình không phải chỉ bằng cái tên nước ngoài, mà bằng khả năng thực sự của họ.

Đã có chiếc ''bong bóng'' thì phải có người “thổi” hơi cho nó căng lên, vậy ai làm ra chuyện đó. Trước hết, người đi mua những chiếc ''bong bóng'' là các nhà đầu tư đại học. Họ lập dự án, thuê mướn hoặc bỏ tiền xây dựng cơ sở vật chất, “thuê” cán bộ khoa học và giảng viên đủ tiêu chuẩn đứng tên trong bộ khung cho phù hợp với quy định. Sau đó, trình lên Bộ GDĐT và đến đây là quá trình ''thổi hơi'' cho căng chiếc ''bong bóng''. Một trường, hai trường, ba trường và nhiều trường được cấp phép, chiếc ''bong bóng'' đại học căng lên.

Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có nhiều dự án, hoặc căn hộ bị tồn kho nhưng do không có khách hàng nên không có nguồn thu, không có tiền trả lãi ngân hàng, dẫn đến sập tiệm. Các trường đại học ngoài công lập cũng vậy, họ không có bất cứ sự hỗ trợ tài chính nào từ Nhà nước, các cá nhân tự bỏ vốn và vay vốn, nhưng không tuyển được sinh viên, thất bại là chuyện không thể tránh khỏi.

Trên thực tế, có nhiều cá nhân, tổ chức mở trường đại học không vì mục đích kinh doanh mà vì tâm huyết đối với đất nước, nhưng trong tình hình hiện nay, việc sống sót qua khủng hoảng thực sự là một thử thách. Khủng hoảng về tài chính gay go một, khủng hoảng niềm tin của xã hội với trường đại học ngoài công lập gay go mười.

Cũng đã đến lúc đặt ra chuyện giải cứu thị trường đại học ngoài công lập. Nhưng sẽ không có sự giải cứu nào tốt nhất bằng tự cứu mình. Các trường đại học ngoài công lập cũng phải chấp nhận quy luật sàng lọc của thị trường, mà muốn tồn tại thì phải cạnh tranh bằng chất lượng và giá cả.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/ai-da-thoi-cang-bong-bong-dai-hoc/97419.bld