Ai cũng phải ở trong 'cái lồng' kiểm soát quyền lực

Nếu người đứng đầu ngay ngắn thì giải quyết được rất nhiều vấn đề về cán bộ liêm chính.

Phát biểu tại Quốc hội sáng nay, 3-11, đại biểu (ĐB) Dương Văn Thống (Yên Bái) đề cập đến bốn chữ “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” đối với cán bộ, công chức và cho rằng đó là những chữ rất quan trọng. Tuy vậy, lãnh đạo đôi khi đến thăm các nơi thường đề cập đến chữ “Cần” mà ít đề cập đến “Kiệm, Liêm, Chính”.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận định: “Ý kiến này đã được đề cập chính thức trong các báo cáo của Chính phủ và Quốc hội. Chúng ta chưa đẩy lùi được tham nhũng, lợi ích nhóm. Đây là những điều đi ngược lại với liêm chính. Sắp tới, QH sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Đây là biện pháp đột phá xây dựng liêm chính trong đội ngũ cán bộ.

. Phóng viên: Tổng Bí thư nói cần xây dựng “cái lồng” để kiểm soát quyền lực. Theo ông, “cái lồng” này phải thế nào?

+ Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Tổng Bí thư nói hình tượng cho dễ hiểu, theo tôi nhận thức thực ra phải bắt đầu từ Hiến pháp. “Cái lồng” cơ chế chính là những quy định pháp luật, khung pháp lý hiện có, cao nhất là Hiến pháp và những luật pháp khác, theo đúng nguyên tắc nhà nước pháp quyền, không trừ một ai. Ai cũng phải ở trong “cái lồng” đó, hành lang pháp lý đó.

Vấn đề của chúng ta lâu nay là nói như vậy nhưng chưa làm được.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng "cái lồng" để kiểm soát quyền lực chính là Hiến pháp và pháp luật. Ảnh: CHÂN LUẬN

. Làm thế nào để làm được điều đó, thưa ông?

+ Thứ nhất là vấn đề con người, bắt đầu từ những người lãnh đạo cao nhất, từ Thủ tướng đến các phó thủ tướng, các bộ trưởng, chủ tịch các tỉnh.

Có khi cán bộ vi phạm pháp luật mà xử không nghiêm minh thì người lãnh đạo cấp trên của người vi phạm có vấn đề. Nguyên nhân là do có quan hệ họ hàng, hoặc do có lợi ích đan xen, hoặc thậm chí do chính người đứng đầu có tiêu cực. Nếu người đứng đầu ngay ngắn thì giải quyết được rất nhiều vấn đề về cán bộ liêm chính.

. Bổ nhiệm cán bộ hiện nay đang là vấn đề nóng. Chẳng hạn như câu chuyện liên quan đến ông Huỳnh Phong Tranh trước khi về hưu bổ nhiệm ồ ạt 35 cán bộ?

+ Việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay có nhiều hiện tượng. Tất cả hiện tượng này bộ máy của chúng ta hoàn toàn có thể kiểm nghiệm được.

Việc ông Huỳnh Phong Tranh bổ nhiệm mấy chục trường hợp trước khi về hưu có thể có những trường hợp hoàn toàn hợp lý khách quan, có trường hợp do nể nang, tình cảm hoặc có trường hợp do có sai phạm, có tiêu cực.

Hiện bộ máy của chúng ta có có cơ chế, có đủ quy định, có đủ năng lực để kiểm soát được việc bổ nhiệm này. Trường hợp nào hợp lý thì giữ lại, có vấn đề thì phải chấn chỉnh, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm.

Nếu dư luận nêu lên như thế mà không làm gì cả thì không hoàn thành trách nhiệm của mình với nhân dân, với cử tri.

. Tình trạng cả họ làm quan xảy ra không chỉ ở một địa phương mà rmột số địa phương? Phải chăng có vấn đề tham nhũng ở trong đấy?

+ Nếu nói rộng hơn thì đó chính là phạm trù suy thoái đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức. Căn bệnh đó, vấn nạn đó giải thích tất cả vấn đề còn lại.

Khi có sự suy thoái đạo đức dẫn đến chuyện bổ nhiệm bừa bãi theo kiểu vây cánh, lợi ích nhóm thì những người được bổ nhiệm sẽ vây cánh lại với nhau, che chắn cho nhau làm những điều sai trái.

Hiện nay, Đảng đã xác định trách nhiệm là lực lượng lãnh đạo chịu trách nhiệm chính về bổ nhiệm lãnh đạo trong bộ máy nhà nước. Nhân dân chờ đợi xem Đảng đã nhận diện được căn bệnh, đề ra nghị quyết thì sắp tới đây thực hiện như thế nào.

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/ai-cung-phai-o-trong-cai-long-kiem-soat-quyen-luc-662901.html