Ai 'chống lưng' cho người nghèo phá rừng phòng hộ ở Quảng Nam?

“Ông Phùng Văn Bảy là hộ nghèo của xã, vậy sao có tiền mà thuê người vào phá rừng khủng khiếp như vậy? Phải điều tra làm rõ ai là người đứng sau bảo kê…” - ông Huỳnh Tấn Đức (Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam) nhấn mạnh.

Lãnh đạo đau lòng nhìn rừng bị tàn phá

Sau khi thị sát thực địa rừng phòng hộ bị tàn phá, đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam do ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - dẫn đầu đã làm việc với các ngành chức năng để làm rõ nguyên nhân.

“Sau khi báo chí thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, báo cáo và đích thân sáng nay (22.9 - PV) tôi đã vào kiểm tra thấy rừng bị tàn phá trơ trọi. Vì sao trong thời gian rất dài mà không xử lý? Tôi đề nghị các ngành chức năng phải làm rõ các vấn đề này” - ông Thanh bức xúc.

Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch huyện Tiên Phước (đứng) tỏ vẻ đau xót khi rừng phòng hộ bị tàn phá. Ảnh: Trương Hồng

Với vẻ đau xót khi rừng bị tàn phá, ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - cho biết: “Cả huyện chỉ có xã Tiên Lãnh là còn rừng phòng hộ trên 2.000ha, nhưng sáng nay đi kiểm tra thấy rừng bị tàn phá, tôi thấy đau lòng”.

Vị Chủ tịch huyện này còn thấy rất áy náy và hứa sẽ có phương án để giữ rừng: “Phía huyện sẽ nhận trách nhiệm, nhìn nhận lại việc phá rừng này để bảo vệ rừng được tốt hơn; sẽ hỗ trợ cho Tiên Lãnh...”.

Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - cho rằng, phía ngành kiểm lâm thời gian đã căn cơ xử lý nhiều vụ phá rừng lấy đất, nhưng vẫn không tìm ra các đối tượng chủ mưu, vì khi lực lượng chức năng có mặt thì chỉ còn “vườn không, nhà trống”.

Rừng phòng hộ Tiên Lãnh bị tàn phá hàng chục hécta với mục đích là để trồng keo. Ảnh: Trương Hồng

"Riêng vụ Tiên Lãnh, sáng nay đi tôi thấy sốt ruột thật. Kiểm lâm đã phát hiện và lập hồ sơ rồi, nhưng xử lý chậm nên không dứt điểm. Những vụ phá rừng năm 2017 này, tinh thần là kiểm lâm sẽ rà lại để khởi tố. Vụ nào đủ điều kiện sẽ khởi tố ngay chứ không chần chừ…” - ông Tuấn quyết tâm.

Truy tìm kẻ chủ mưu đứng sau người phá rừng!

Ông Nguyễn Văn Cự - Trưởng Công an huyện Tiên Phước - cho biết: “Thực tế có nhiều vụ xảy ra, do xa xôi và khi mình phát hiện thì cây (ý nói cây keo - PV) đã mọc lên. Riêng Tiên Lãnh chuyển 8 vụ, hầu hết chuyển rất lâu nên khó điều tra vì hiện trạng ban đầu đã thay đổi, không tìm được các đối tượng chủ mưu”.

Những cây gỗ cổ thụ có đường kính lớn bị chặt hạ nằm ngổn ngang trong rừng. Ảnh: Trương Hồng

Theo đại tá Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, việc phá rừng lâu nay cần xem lại công tác quản lý của chính quyền địa phương. Riêng vụ Tiên Lãnh thuộc thẩm quyền của huyện xử lý, nhưng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh sẽ rút toàn bộ hồ sơ lên để điều tra xử lý nghiêm.

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam - cho rằng: Không nên để người dân lợi dụng thiếu đất sản xuất mà lấn chiếm đến rừng phòng hộ. Riêng vụ Tiên Lãnh, hệ thống chính quyền và nhân dân chưa nhận thức rõ về lợi ích của rừng sản xuất đối với cộng đồng và rừng phòng hộ. Nên địa phương phải điều tra làm rõ, dân nghèo hay không, đừng để lợi dụng cái nghèo mà đi phá rừng để lấy đất trồng keo.

“Riêng trường hợp ông Phùng Văn Bảy (người được cho phá gần 5ha rừng phòng hộ tại xã Tiên Lãnh - PV) là hộ nghèo của xã, làm chi có tiền để thuê người vào phá rừng? Ông ấy có khả năng đi làm thuê thôi và ai là người thuê ông phá rừng, đó mới là máu chốt của vấn đề. Mong công an vào cuộc điều tra làm rõ: ai đứng sau ông Bảy, để xử lý nghiêm cho dân tin tưởng” - ông Đức phân tích.

Tại cuộc họp, ông Đức chỉ thẳng kiểm lâm: "Nhiều vụ phá rừng, kiểm lâm không muốn khởi tố bị can, chỉ muốn xử lý hành chính cho xong việc. Ngoài ra, khiếm khuyết là giữa kiểm lâm và địa phương còn chậm, có yếu tố tâm lý...".

Ông Lê Trí Thanh (bên phải) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - hỏi người dân việc phá rừng này diễn ra lâu chưa. Ảnh: Trương Hồng

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho rằng: “Sau khi tổ chức kiểm tra, việc phá rừng này có mục đích lấy đất trồng keo là chính. Tuy nhiên, là khu vực rừng phòng hộ, tác hại đến môi trường rất lớn. Ngoài ra, thời điểm này giá cây keo hạ nhưng đối tượng lại đi vào sâu trong rừng để phá rừng trồng keo, họ có ý đồ gì?”.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo lực lượng chức năng phải điều tra làm rõ kẻ chủ mưu phá rừng phòng hộ.

Ông Thanh nói tiếp, để xảy ra phá rừng là có trách nhiệm của các cơ quan, đối với huyện và ban quản lý rừng quản lý chưa chặt chẽ, còn chủ quan. Đối với xã, người trực tiếp địa bàn, quản lý dân có dấu hiệu buông lỏng quản lý, nhất là rừng phòng hộ. Còn Hạt kiểm lâm và kiểm lâm địa bàn chưa làm hết trách nhiệm phối hợp quản lý bảo vệ rừng. Một số vụ việc xử lý còn chậm, trong đó, một số vụ xử lý hành chính nên không đủ răn đe. Chính quyền huyện chưa quản lý sát địa bàn, chưa chỉ đạo xử lý cấp xã để xảy ra phá rừng.

“Tôi đề nghị Công an tỉnh sớm rút toàn bộ hồ sơ lên để điều tra làm rõ, sớm khởi tố bị can, tìm ra kẻ chủ mưu đứng phía sau ông Phùng Văn Bảy…” - ông Thanh nhấn mạnh.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/phap-luat/ai-chong-lung-cho-nguoi-ngheo-pha-rung-phong-ho-o-quang-nam-807467.html