Ai Cập khai quật thành cổ bị mất tích 7.000 năm tuổi

Ai Cập vừa cho khai quật một thành phố cổ hơn 7.000 năm tuổi và một nghĩa trang có từ thời triều đại đầu tiên ở tỉnh Sohag.

Theo Guardian, TP cổ bị mất tích được phát hiện cách đền thờ Seti I, nơi chôn cất Pharaoh Seti đệ nhất ở Luxor, bờ tây sông Nile, chừng 400 m.

Đến thời điểm hiện tại các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những túp lều, công cụ lao động và 15 ngôi mộ khổng lồ có niên đại cách đây hơn 7.000 năm, từ thời triều đại đầu tiên của Ai Cập.

Các nhà khảo cổ đến nay phát hiện được 15 ngôi mộ khổng lồ. Ảnh: Daily Mail

Theo các nhà khảo cổ, TP này có khả năng là nơi ở của những vị quan lớn và các chuyên gia xây dựng mộ cổ đại. Phát hiện mới này sẽ giúp đem lại nhiều kiến thức và hiểu biểu về Abydos, thủ đô của Ai Cập vào cuối thời kỳ Predynastic và trong giai đoạn cai trị của bốn triều đại đầu tiên.

“Kích thước của các ngôi mộ được phát hiện lớn hơn so với một số ngôi mộ hoàng gia ở Abydos có từ triều đại đầu tiên. Điều này chứng minh tầm quan trọng cũng như địa vị của những người yên nghỉ ở đó trong thời kỳ đầu của lịch sử Ai Cập cổ đại” - Bộ Đồ cổ Ai Cập cho hay.

TP cổ bị mất tích được phát hiện cách đền thờ Seti I, nơi chôn cất Paraoh Seti đệ nhất ở Luxor, bờ tây sông Nile, chừng 400 m. Ảnh: Daily Mail

Guardian cho biết ngành du lịch Ai Cập có thể được phục hồi nhờ vào những thành tựu của ngành khảo cổ. Ngành du lịch Ai Cập vốn suy yếu kể từ sau vụ một máy bay Nga chở theo 224 hành khách từ khu nghỉ dưỡng Biển Đỏ bị khủng bố tấn công hồi tháng 10-2015.

Nguồn PLO: http://plo.vn/the-gioi/muon-mat/ai-cap-khai-quat-thanh-co-bi-mat-tich-7000-nam-tuoi-667198.html