Ai Cập: Bước ngoặt mới trên chính trường

Cuộc bầu cử tổng thống mới tại Ai Cập vào tháng 5 tới đang bắt đầu nóng lên với việc đảng Hồi giáo Muslim Brotherhood phá lệ đề cử người của mình ra ứng cử. Việc đề cử đang gây ra một số phản ứng từ các đảng phái thế tục và cả một số người Hồi giáo, nhưng ngược lại, người Mỹ có vẻ “khoái”.

Ứng cử viên tổng thống Khairat al-Shater được đánh giá là người có nhiều năng lực, quản lý giỏi và là một gương mặt hiện đại của tổ chức Hồi giáo Muslim Brotherhood. Năm nay 62 tuổi, ông Shater từng là một trong những tù nhân chính trị dưới thời ông Hosni Mubarak làm Tổng thống. Sinh ra tại tỉnh Dakahlia, Shater gia nhập tổ chức thanh niên của Liên đoàn Xã hội chủ nghĩa Arập của Tổng thống Nasser, khi mới 16 tuổi. Đó là vào năm 1978.

Sau khi học xong Đại học Alexandria, Shater nhập ngũ, phục vụ trong quân đội 2 năm và trở lại trường học lấy bằng thạc sĩ rồi giảng dạy tại Đại học Mansoura. Khi ông Hosni Mubarak lên nắm quyền vào năm 1981, Shater trở thành thành phần chống đối chính phủ và buộc phải sống lưu vong tại Anh. Được vài năm, ông trở về Ai Cập (giữa thập niên 80 thế kỷ trước) để tham gia vào hoạt động chính trị, gia nhập Muslim Brotherhood đứng ở thế đối lập, được giao làm Trưởng chi nhánh Muslim Brotherhood khu vực Cairo. Vừa hoạt động chính trị, Shater đồng thời cũng làm ăn kinh tế, là một nhà quản lý doanh nghiệp giỏi. Vì thế, người ta hy vọng ông sẽ giúp vực dậy nền kinh tế Ai Cập vốn đang rệu rã do bất ổn chính trị kéo dài.

Việc Muslim Brotherhood đưa người ra ứng cử tổng thống Ai Cập đánh dấu một bước ngoặt trên bàn cờ chính trị Ai Cập. Nói như thế là bởi vì trước đây, Muslim Brotherhood đã tuyên bố không tham gia vào cuộc đua giành ghế tổng thống Ai Cập để nhường cho các ứng cử viên độc lập và đảng phái thế tục tham gia.

Bước ngoặt còn là sự kiện, lần đầu tiên kể từ khi ông Mubarak bị lật đổ, Ai Cập đã có cuộc bầu cử Quốc hội trên toàn quốc, và Muslim Brotherhood chính là đảng phái giành được kết quả tốt nhất, nay tiếp tục tổ chức thêm một cuộc bầu cử để tìm tổng thống mới. Chiến thắng của Muslim Brotherhood sau bầu cử Quốc hội ở Ai Cập, cùng với thành phần Hồi giáo nắm quyền ở Libya, Tunisia,… đã làm nổi bật một hiện tượng: Các đảng phái Hồi giáo thắng thế lên nắm quyền sau làn sóng biểu tình "Mùa xuân Arập" làm xáo trộn bàn cờ chính trị Trung Đông và Bắc Phi. Điều đó từng khiến cho không ít người băn khoăn, lo lắng.

Người ta lo cũng phải, vì những tổ chức và cá nhân Hồi giáo có quan điểm thiên về phía "cực đoan" mà lên nắm quyền tại một quốc gia thì chẳng khác nào "giao trứng cho ác". Nhưng đó là nói về các đảng phái Hồi giáo như Muslim Brotherhood theo lăng kính "chống khủng bố" của Mỹ, mà người Mỹ thì hễ nói đến người theo đạo Hồi ở Trung Đông thì cứ như là nhìn đâu cũng thấy khủng bố.

Ứng cử viên Muslim Brotherhood Khairat al-Shater.

Đối với Muslim Brotherhood, Washington chưa bao giờ có thiện cảm, mà ngược lại còn xem đây như là một tổ chức mang mầm mống khủng bố, hoặc chí ít là bảo trợ cho các tổ chức khủng bố như Hezbollah ở Liban hay phong trào Hamas của người Palestine.

Bởi vậy người ta mới lấy làm lạ khi người Mỹ tỏ thái độ không mấy ác cảm với ứng cử viên tổng thống Ai Cập đại diện cho Muslim Brotherhood. Nhân sự kiện Muslim Brotherhood cử ông Shater ra ứng cử, tờ báo Time của Mỹ đưa ra nhận định rằng, ông Shater là người được Mỹ chấp nhận, thậm chí ưa thích bởi tính cách hiện đại, ôn hòa và quan trọng hơn cả, ông là người tích cực tiếp xúc với người Mỹ, cụ thể là thông qua các cuộc làm việc với nữ đại sứ Anne Paterson.

Thực ra thì chính người Mỹ cũng đã ít nhiều có sự thay đổi về quan điểm kể từ khi các cuộc biểu tình "Mùa xuân Arập" tràn đến Trung Đông và cuống phăng vài người, trong đó có đồng minh quan trọng của Mỹ, ông Hosni Mubarak. Cục diện mới, với những nhân vật, "tay chơi" mới xuất hiện trên bàn cờ Trung Đông, dù không muốn thì người Mỹ cũng phải bấm bụng mà nương theo.

Ai Cập sẽ không còn cảnh huynh đệ tương tàn khi nguời của Muslim Brotherhood đắc cử tổng thống?

Còn một lý do nữa khiến người Mỹ "khoái" ứng cử viên của Muslim Brotherhood. Đó là việc Shater tham gia đã làm cho "đường đua" vào ghế tổng thống Ai Cập trở nên gay cấn và hấp dẫn hơn, đồng thời làm giảm đi khả năng giành chiến thắng của ứng cử viên thuộc đảng Hồi giáo Salafist có quan điểm cực đoan Hazem Salah Abu Ismail.

Khi chưa có Shater tham gia, đường đua chủ yếu là cuộc tranh tài giữa Abu Ismail và ông Moussa Amr (cựu Tổng thư ký Liên đoàn Arập), trong đó ông Moussa Amr có vẻ yếu thế hơn, và cả 2 đều là những người mà Washington không mấy thiện cảm. Moussa Amr thế tục, theo chủ nghĩa dân tộc và có quan điểm chống Mỹ rất rõ ràng, không cần phải bàn.

Đáng quan tâm hơn, Abu Ismail không chỉ có quan điểm cực đoan, chống Mỹ, chống Israel tới cùng mà còn tuyên bố là sẽ xây dựng một nhà nước Hồi giáo Ai Cập theo mô hình tương tự như Iran! Vậy, nếu Abu Ismail giành chiến thắng, chẳng phải Mỹ sẽ có thêm một "Iran thứ hai" nằm sát bên hông Israel sao? Đây chính là điều Washington và Tel-Aviv lo nhất.

Thăm dò ý kiến cử tri ở Ai Cập cho biết, trên 58% cử tri Ai Cập muốn bầu cho một người Hồi giáo. Điều đó có nghĩa là, ông Shater có thể đánh bại ông Moussa Amr và giành quyền vào vòng 2 cùng với ứng cử viên Abu Ismail, nhưng chưa chắc giành chiến thắng cuối cùng, bởi lẽ ở Ai Cập, ai chống Mỹ nhiều hơn thì sẽ được lòng cử tri. Shater đã tỏ ra là một người thân thiện với Mỹ, vì thế không khéo chính người Mỹ lại là nguyên nhân thất bại cho ông

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2012/4/77814.cand