Ai 'bảo kê' cho đấu thầu hình thức?

Pháp luật về đấu thầu của Việt Nam đã tiệm cận với thông lệ quốc tế, song để hoạt động đấu thầu thực sự công khai, minh bạch thì rất cần “cái tâm” của những người thực thi.

Nếu có chuyện nhà thầu chạy dự án, không thể nói chủ đầu tư là vô can, bởi vì chính họ hoặc cấp trên của họ đã “bật đèn xanh” cho nhà thầu “ruột” ngay từ khi chưa đấu thầu. Ảnh: Tiên Giang

Có quy định nhưng nhà thầu vẫn gặp khó

Mặc dù Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đã có quy định bên mời thầu phải tiếp nhận hồ sơ dự thầu (HSDT) của tất cả các nhà thầu nộp HSDT trước thời điểm đóng thầu, kể cả trường hợp nhà thầu tham dự thầu chưa mua hoặc chưa nhận hồ sơ mời thầu (HSMT) trực tiếp từ bên mời thầu (Điểm d, Khoản 3, Điều 14), song vẫn còn không ít nhà thầu cho rằng, dường như những quy định này chưa được đi vào cuộc sống. Chứng minh cho nhận xét này, một nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, chúng tôi vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận HSMT với lý do người bán HSMT/hồ sơ yêu cầu (HSYC) của chủ đầu tư/bên mời thầu đi họp, đi công tác, đi công trường, bị ốm…

Liên tục trong thời gian qua, Đường dây nóng của Báo Đấu thầu đã nhận được phản ánh của rất nhiều nhà thầu về khó khăn trong việc tiếp cận HSMT/HSYC. Từ chuyện người phát hành HSMT/HSYC nghỉ phép, đi công tác hay bận họp, thậm chí có trường hợp nhà thầu cho biết chủ đầu tư/bên mời thầu nói thẳng với nhà thầu tới mua HSMT/HSYC rằng: “Gói thầu đã có chủ do nhà thầu đó có công chạy vốn, chạy dự án”. Không chỉ khó khăn trong tiếp cận HSMT/HSYC, đáng ngại hơn, thời gian gần đây, Đường dây nóng của Báo Đấu thầu còn nhận được phản ánh về việc nhà thầu bị cướp HSDT ngay giữa “ban ngày ban mặt”, địa điểm bị cướp lại là trước cổng cơ quan mời thầu. Điển hình là vụ việc cướp HSDT tại Đắk Lắk; cướp HSDT trước cổng Ban QLDA Thủy lợi Bình Định… đã được Báo Đấu thầu phản ánh và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

“Những phản ánh nêu trên cho thấy dường như đang có hiện tượng đấu thầu hình thức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của công tác đấu thầu, làm méo mó thị trường mua sắm công. Hiện tượng này cần được loại bỏ để hoạt động đấu thầu thực sự cạnh tranh, minh bạch” - một chuyên gia đấu thầu nhận xét.

Chủ đầu tư/bên mời thầu có vô can?

Đằng sau câu chuyện chủ đầu tư/bên mời thầu không bán hồ sơ cho nhà thầu là một vấn đề khác nghiêm trọng hơn, phản ánh tình trạng đấu thầu hình thức.

Nhìn từ thực trạng nhà thầu bị làm khó khi tiếp cận HSMT/HSYC, đi tìm căn nguyên của tình trạng này, một chuyên gia đấu thầu nhìn nhận: “Việc nhà thầu phàn nàn gặp khó khăn trong tiếp cận HSMT/HSYC không phải là câu chuyện mới, song dường như đằng sau câu chuyện không bán hồ sơ của các chủ đầu tư/bên mời thầu là một vấn đề khác nghiêm trọng hơn, phản ánh tình trạng đấu thầu hình thức”.

Đồng quan điểm trên, một chuyên gia Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, câu chuyện chủ đầu tư/bên mời thầu không bán HSMT/HSYC có rất nhiều nguyên nhân, trong số các nguyên nhân này có chuyện đấu thầu hình thức. Trên thực tế có chuyện nhà thầu thông đồng với chủ đầu tư/bên mời thầu, song cũng có trường hợp các nhà thầu tự hạn chế lẫn nhau… làm giảm, thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả của công tác đấu thầu.

Đề cập về câu chuyện đấu thầu hình thức, cụ thể là câu chuyện nhà thầu chạy vốn, chạy dự án, một chuyên gia đấu thầu cho rằng: “Có lẽ nguyên nhân sâu xa của những cuộc thầu hình thức bắt nguồn từ “cấp trên”, từ khâu chuẩn bị đến khâu triển khai các dự án/gói thầu”. Vị chuyên gia này cho biết: “Hiện nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển tương đối khó khăn. Để có tiền làm dự án/gói thầu, ngay từ khi chuẩn bị dự án, nhà thầu đã chạy “cấp trên”. Khi “cấp trên” bật đèn xanh, các chủ đầu tư/bên mời thầu dàn xếp để nhà thầu có công chạy vốn trúng thầu”. “Khi nhà thầu tìm vốn, nhà thầu phải bôi trơn đoạn đường đi…” - chuyên gia đấu thầu chỉ ra.

Nhấn mạnh quan điểm cần loại bỏ đấu thầu hình thức, một chuyên gia đấu thầu khác lên án: “Nếu những nhà thầu “ruột” của chủ đầu tư/bên mời thầu cho rằng, dự án là thành quả của việc “chạy chọt” của họ thì cần phải lên án mạnh mẽ, vì đây là thành quả mờ ám, triệt tiêu mọi mục tiêu công khai, minh bạch của đấu thầu. Trong trường hợp này không thể nói chủ đầu tư/bên mời thầu là “vô can”, bởi vì chính họ hoặc cấp trên của họ đã “bật đèn xanh” cho nhà thầu “ruột” để gói thầu chưa đấu thầu nhưng đã có chủ như câu chuyện này”.

Để giảm thiểu những tiêu cực có thể phát sinh từ việc phát hành HSMT/HSYC bằng bản cứng thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Đào, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Chúng ta phải đẩy mạnh đấu thầu qua mạng. Thông qua Internet, HSMT/HSYC được cung cấp công khai, tất cả những nhà thầu nào quan tâm đều có cơ hội được tiếp cận dễ dàng và thuận lợi”. Trong một chỉ đạo mới nhất về đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, đến năm 2025, 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, áp dụng mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Trung Hiếu

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-thau/ai-bao-ke-cho-dau-thau-hinh-thuc-24923.html