ACB phục hồi sau sự cố bầu Kiên

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa qua lãnh đạo ngân hàng này đã thông báo nhiều tin vui như lợi nhuận tăng trưởng khá, nhóm nợ liên quan đến 6 công ty của bầu Kiên dần được khắc phục, nợ xấu được kiểm soát...

Lãnh đạo ACB cho biết, nhóm nợ xấu liên quan đến bầu Kiên đang được xử lý tốt.

Xử lý tốt nợ liên quan đến bầu Kiên

Tổng Giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho biết liên quan đến các khoản nợ của nhóm G6 - 6 công ty liên quan bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) - đến nay nợ xấu sau trích lập dự phòng là 1.500 tỷ đồng. Năm 2016, ACB đã thu nợ được 3.000 tỷ và trích lập 1.115 tỷ đồng. Theo lộ trình, năm nay ngân hàng sẽ tích cực thu nợ chưa trích lập dự phòng, đối với nợ đã trích lập thì sẽ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi dứt điểm.

Theo thông tin từ ban lãnh đạo ACB, thời điểm 31/12/2015, tổng nợ xấu của nhóm G6 là gần 5.800 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay gần 1.900 tỷ đồng, số dư trái phiếu 2.700 tỷ đồng và các khoản phải thu khác gần 1.200 tỷ đồng.

Theo lộ trình thu hồi nợ đã được phê duyệt năm 2015, các số dư của nhóm 6 công ty sẽ được thu hồi hàng năm lần lượt là 814 tỷ đồng, 2.200 tỷ đồng, 1.816 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng bắt đầu từ năm 2015, kết thúc vào 2018. Tuy nhiên, với kết quả hiện nay, khả năng khoản nợ sẽ được xử lý xong vào năm 2017.

Lợi nhuận tăng trưởng tích cực

Theo ông Đỗ Minh Toàn, trong năm 2016, kết quả kinh doanh của ngân hàng này đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Lợi nhuận sau trích lập dự phòng rủi ro đạt 1.667 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2015.

Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản của ACB tăng 16% so với đầu năm, lên 234.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu 0,88%, giảm so với mức 1,3% tại thời điểm cuối năm 2015, thấp nhất trong giai đoạn 2011-2016.

Trong quản lý rủi ro, về mục tiêu dài hạn, ACB đang hoàn thiện và từng bước triển khai áp dụng các tiêu chuẩn về vốn quy định tại Hiệp ước Basel II theo lộ trình hướng dẫn của NHNN.

Về kế hoạch hoạt động kinh doanh trong năm 2017, trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh, ACB đặt ra mục tiêu tổng tài sản tăng 16%; tín dụng tăng trưởng đến mức NHNN phân bổ là 16%; vốn huy động từ tiền gửi khách hàng tăng 16%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận trước thuế ở mức 2.205 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết trong năm qua, ACB có các chỉ tiêu đều tăng trưởng theo chiều hướng tích cực, cao hơn so với trung bình ngành; hệ số an toàn vốn cao, đáp ứng được tiêu chí về thanh khoản, tình hình xử lý nợ xấu tốt và có giải pháp để kiểm soát…

Ngoài ra, tại đại hội, ACB cũng đã trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% và dự kiến sẽ tiếp tục giữ lại 100 tỷ đồng lợi nhuận dùng mua cổ phiếu thưởng nhân viên. Năm 2017, ACB cũng lên kế hoạch tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu cùng tỷ lệ 10%.

Cổ đông nước ngoài muốn thoái vốn

Về việc thoái vốn, đại diện của Standard Chartered - ông Andrew Colin Vallis cho biết, tất cả chỉ mới là thảo luận. Trường hợp có thoái vốn thì ACB sẽ thực hiện theo đúng quy định của cơ quan quản lý cũng như điều lệ của ngân hàng này.

Ông Andrew Colin Vallis cũng chia sẻ, trước đây, Standard Chartered đã hỗ trợ ACB rất nhiều nhưng đến giai đoạn hiện nay theo ông không còn cần thiết vì HĐQT và Ban Điều hành của ACB đã đầy đủ năng lực để tự đưa ngân hàng phát triển. ACB sẽ vững mạnh trong tương lai.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB, chia sẻ: “Với nỗ lực và quyết tâm cao, ACB đã và đang trở lại đúng quỹ đạo tăng trưởng ổn định. Mục tiêu chiến lược của ACB đến năm 2018 là xác lập vị thế dẫn đầu trên năm lĩnh vực: Định hướng khách hàng, quản lý rủi ro, kết quả tài chính bền vững, hiệu quả hoạt động và đạo đức kinh doanh. ACB sẽ chủ động tiếp cận công nghệ tài chính ở mức độ sâu và rộng hơn để đón đầu xu hướng trong tương lai; tăng cường khả năng cạnh tranh của ACB ở bình diện rộng hơn - đó là các đối thủ cạnh tranh phi truyền thống không phải là ngân hàng từ sự tác động của kỷ nguyên công nghệ”.

Mai Trinh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/acb-phuc-hoi-sau-su-co-bau-kien-d56968.html