ACB đã giải quyết nợ nần liên quan bầu Kiên ra sao?

ACB đã giải quyết khoảng 1.200 tỷ đồng nợ xấu liên quan đến bầu Kiên trong 6 tháng đầu năm. Những vấn đề còn lại được lên kế hoạch giải quyết hoàn toàn đến cuối năm 2018 với mục tiêu ghi nhận dự phòng hoặc thu hồi nợ lớn nhất trong năm 2016.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lợi nhuận trước thuế tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận trước thuế từ các hoạt động ngân hàng cốt lõi trong 6 tháng đầu năm tăng 57,5%. Đây là kết quả gộp của mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần (NII) và thu nhập ngoài lãi (non-NII) lần lượt 19,3% và 48,0%, và mức giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 26,6%.

Trong nửa đầu 2016, ACB đã giải quyết khoảng 1.200 tỷ đồng nợ xấu của nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên (nhóm G6), đạt 55% kế hoạch năm 2016. ACB đã ghi nhận thêm 480 tỷ đồng dự phòng cho đầu tư vào trái phiếu của nhóm G6, và thu hồi 720 tỷ đồng từ nhóm này trong 6 tháng đầu năm, tổng cộng giảm khoảng 1.200 tỷ đồng số dư thuần của khoản nợ của nhóm G6 trên bảng cân đối kế toán. ACB có kế hoạch giải quyết hoàn toàn vấn đề này trong năm 2018 với mục tiêu xử lý 2.200 tỷ đồng trong năm nay; 1.820 tỷ đồng năm 2017 và 1.000 tỷ đồng năm 2018.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của ACB. Nguồn: ACB

Riêng khoản vay liên ngân hàng của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) dự kiến được giải quyết từ năm 2016 do đã đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước và 2 ngân hàng trên, giúp tăng thu nhập lãi vay năm 2016 và tạo nên khoản hoàn nhập dự phòng năm 2017. VNCB dự kiến sẽ chi trả một phần trong năm 2016, do đó hoàn nhập dự phòng 166 tỷ đồng vào năm 2017. Trong khi đó, dư nợ của GPBank giảm một phần do được chuyển đổi với trái phiếu một doanh nghiệp khác được đánh giá là an toàn hơn và mang lại thu nhập lãi.

Như đã được NHNN phê duyệt, VNCB sẽ hoàn trả cho ACB trong thời hạn 5 năm (80 tỷ đồng/năm) với mức lãi suất 2%. ACB sẽ phân loại lại khoản tiền gửi này về nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) và hoàn nhập dự phòng tương ứng vào năm 2017.

Tài sản liên quan đến nhóm G6. Nguồn: ACB

Trong tháng 03/2016, GP Bank đã chuyển nhượng trái phiếu phát hành bởi bên thứ ba cho ACB với mức giá 544 tỷ đồng để một phần thanh toán khoản vay ngân hàng. Lãi suất coupon là 9%-10% và sẽ đáo hạn năm 2018. Trái phiếu này có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất (khoản vay liên ngân hàng của GP Bank không có tài sản thế chấp), khiến trái phiếu này ít rủi ro hơn khoản tiền gửi liên ngân hàng trước đó. Như yêu cầu của Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS), ACB cần ghi nhận phần phụ trội là số âm trong thu nhập lãi vay. Theo ước tính của CTCK VietCapital (VCSC), ACB sẽ ghi nhận âm tối đa 19 tỷ đồng một năm cho phần phụ trội này, sau đó được bù đắp bởi 50 tỷ đồng trái tức, đưa khoản thu nhập chênh lệch vào khoảng 30 tỷ đồng.

Cũng theo VCSC, chi phí ghi nhận cho các tài sản có vấn đề dự kiến sẽ tăng 33,9% năm nay, lý do chủ yếu như: Khoản phải thu từ nhóm G6 có mục tiêu thu hồi 2,2 nghìn tỷ đồng cho năm 2016, dự kiến sẽ thu hồi 1 nghìn tỷ dồng tiền mặt và ghi nhận dự phòng 1,2 nghìn tỷ đồng (ACB đã thu hồi 730 tỳ đồng và ghi nhận 480 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016); Dự nợ của VNCB có thể được thu hồi một phần trong năm 2016, do đó nhóm nợ của khoản vay này sẽ không đổi cho đến năm 2017; Dự nợ của GP Bank được hoán đổi một phần thành trái phiếu doanh nghiệp, với lãi suất cuống phiếu khoảng 9%-10%. Trái phiếu cũng được mua với giá phụ trội, do đó, GP Bank sẽ cần ghi giảm khoản phụ trội trong báo cáo tài chính.

Ngân Giang

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/acb-da-giai-quyet-cac-van-de-lien-quan-bau-kien-ra-sao-post212400.info