Ác mộng với Trung Quốc khi Nhật có vũ khí hạt nhân

Theo tờ Asia Weekly (có trụ sở tại HongKong), Nhật đang bí mật triển khai chương trình vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với nguy cơ xung đột với Trung Quốc.

Nhật âm thầm phát triển

Thông tin này xuất hiện sau khi Nhật Bản có tín hiệu có thể cho phép Mỹ mang vũ khí hạt nhân vào nước này trong tình huống khẩn cấp. Với khả năng sản xuất ít nhất 2.000 đầu đạn hạt nhân, Nhật Bản mới đây đã yêu cầu Mỹ gửi trả trên 300kg plutonium hiện Mỹ đang "giữ hỗ", Asia Weekly cho biết.

Một chuyên gia phân tích quân sự Nhật nói với hãng tin Hồng Kông rằng Washington đã theo dõi sát việc Nhật Bản có khả năng đang phát triển vũ khí hạt nhân.

Asia Weekly khẳng định 3 tập đoàn lớn nhất Nhật Bản, gồm Mitsubishi, Hitachi và Toshiba, có khả năng sản xuất năng lượng hạt nhân và khoảng 200 công ty nhỏ hơn có sở hữu nhiên liệu hạt nhân hoặc biết cách xử lý plutonium, nguyên liệu chính để tạo bom nguyên tử.

Vì thế, Asia Weekly cho rằng Nhật hoàn toàn có khả năng tự tạo bom nguyên tử nếu nước này sửa đổi hiến pháp hòa bình. Bản hiến pháp hiện tại của Nhật, còn được gọi là hiến pháp hòa bình, vốn từ bỏ quyền phát động chiến tranh chống lại một quốc gia khác.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản diễn tập.

Tokyo được cho là đang sở hữu một lượng lớn plutonium đủ để chế tạo loạt vũ khí hạt nhân, theo Asia Weekly. Nước này cũng đang có khoảng 3.000 tấn phế liệu hạt nhân tại 6 cơ sở ở tỉnh Aomori.

Thiếu tướng Yoshiaki Yano của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản từng nói với tạp chí tin tức quân sự Japan Military Review rằng Tokyo nên điều chỉnh lại chính sách hạt nhân bất chấp điều này có thể gây phương hại đến quan hệ với Washington.

Trước đó, theo Kyodo, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã bật đèn xanh có thể cho phép Mỹ đưa vũ khí hạt nhân vào nước này trong tình huống khẩn cấp có nguy cơ đe dọa tới an toàn của các công dân Nhật Bản.

Phát biểu trong một cuộc họp của Ủy ban Ngân sách Hạ viện, một đại diện của Bộ Ngoại giao Nhật đã nêu rõ những trường hợp ngoại lệ đối với các nguyên tắc có hiệu lực lâu nay của Nhật Bản về việc không sở hữu, chế tạo hay cho phép các vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này.

Trả lời câu hỏi của cựu Ngoại trưởng Katsuya Okada, nghị sỹ cấp cao thuộc Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập, Kishida cho biết Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn bảo lưu lập trường của chính phủ tiền nhiệm.

Ông cũng tán thành lập luận trước đó của ông Okada rằng việc chính quyền liệu sẽ "kiên quyết tuân thủ những nguyên tắc (phi hạt nhân) bất chấp các mối đe dọa tới sự an toàn của người dân hay không phụ thuộc vào quyết định của chính quyền đương nhiệm."

Trước những thông tin về việc Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân, ngày 17/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: "Trong một thời gian khá dài Nhật Bản né tránh trả lại số nguyên liệu hạt nhân cấp độ vũ khí và điều này gây lo ngại cho cộng đồng thế giới. Trung Quốc cũng quan ngại sâu sắc và mong chờ một lời giải thích từ Nhật Bản" - bà Hoa tuyên bố.

Ác mộng với Trung Quốc

Ngay sau khi xuất hiện những đồn đoán về vũ khí hạt nhân của Nhật Bản, tạp chí National Interest đã có bài viết phân tích về nguy cơ Tokyo có thể cảm thấy bị áp lực về an ninh lớn tới mức quyết định sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo bài viết, có lẽ đối với Trung Quốc, cơn ác mộng khủng khiếp nhất là một Nhật Bản được trang bị vũ khí hạt nhân. Nếu Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân, vấn đề an ninh của Trung Quốc sẽ trở nên hết sức phức tạp, buộc Trung Quốc phải sửa đổi cả học thuyết hạt nhân lẫn tăng số vũ khí hạt nhân có trong kho.

Nhật Bản có thể đầu tư xây dựng một kho tên lửa nhỏ mang đầu đạn hạt nhân. Những tên lửa này có thể được đặt dưới hầm, dạng tên lửa Minuteman III của Mỹ, hay đặt trên các bệ phóng di động như RS-24 Yars của Nga. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Nhật Bản có thể nhỏ hơn, không nhất thiết phải có tầm bắn và có đủ nhiên liệu để tới được Bắc Mỹ.

Tên lửa này chỉ cần vươn tới toàn bộ Trung Quốc, phần lãnh thổ thuộc châu Âu của Nga và Trung Đông. Từng bước, Nhật Bản có thể gây dựng được một lực lượng gồm 100 tên lửa đạn đạo tầm trung, mỗi tên lửa được trang bị 3 đầu đạn có sức công phá 100 kiloton.

Những tên lửa này có thể được bố trí trong các căn hầm kiên cố ở miền Đông Hokkaido, hòn đảo nằm ở cực Bắc Nhật Bản, hoặc được di chuyển trên các bệ phóng di động.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/ac-mong-voi-trung-quoc-khi-nhat-co-vu-khi-hat-nhan-3320477/