Ả-rập nỗ lực hạ sản lượng dầu: Yếu tố Nga

OPEC nhiều khả năng sẽ làm ổn định giá dầu một cách lâu dài hơn bởi Ả-rập và Nga đang thực hiện cam kết nghiêm túc.

Hãng dầu thô quốc doanh Saudi Aramco của Arabia Saudi trong một thông báo cho khách hàng rằng, sẽ giảm các chuyến hàng dầu thô giao trong tháng 1 cho phù hợp với thỏa thuận giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga hôm 30/11.

Theo Chủ tịch tập đoàn năng lượng PIRA Energy Gary Ross, khách hàng mua dầu Arabia Saudi đã được thông báo rằng Riyadh muốn hạ sản xuất một lượng khoảng 486.000 thùng dầu/ngày, đẩy mức sản xuất hiện nay xuống còn khoảng 10 triệu thùng/ngày.

Theo Bloomberg, động thái này có thể là dấu hiệu cho thấy Arabia Saudi thực sự thực hiện lời hứa phối hợp hạ sản lượng được cho là lần đầu tiên trong 8 năm qua.

Arabia-Nga đang nỗ lực cứu giá dầu.

Amrita Sen, nhà phân tích dầu mỏ tại hãng Energy Aspects (Anh) nhận định: “Saudi Aramco đang kiềm chế và giảm hạn ngạch sản xuất như kỳ vọng. Khi Arabia Saud nhắm đến mục tiêu cắt giảm hàng tồn kho, Mỹ và châu Âu có thể là mục tiêu nhiều hơn châu Á”.

Động thái này của Arabia Saudi được đưa ra khi OPEC và các nước không phải thành viên của nhóm sẽ họp vào cuối tuần này để thảo luận về thỏa thuận hạ hạn ngạch sản xuất dầu.

Thỏa thuận dự kiến cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày từ các nước thuộc OPEC. Arabia Saudi là nước hạ sản xuất nhiều nhất. Các quốc gia ngoài khối sẽ hạ khoảng 600.000 thùng dầu/ngày, một nửa trong mức cắt giảm sẽ là phần của Nga. Nhà sản xuất dầu thô lớn ngoài OPEC là Azerbaijan vừa cho hay họ sẽ đến bàn đàm phán với kế hoạch hạ hạn ngạch của riêng mình.

OPEC đã nhiều lần đưa ra các thỏa thuận cắt giảm hạ sản lượng sản xuất song các nước sau đó đã vi phạm, không thực hiện và đổ lỗi cho nhau. Song tín hiệu khả quan tới từ Arabia Saudi lần này cho thấy tương lai tươi sáng hơn cho những thỏa thuận có thể thay đổi cục diện giá dầu thế giới.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 8/12 cũng đã bày tỏ thiện chí của mình trong thỏa thuận này thông qua việc điện đàm với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, nhắc tới nỗ lực chung mà OPEC cần có để ổn định thị trường dầu toàn cầu và đảo ngược đà sụt giảm của giá dầu mỏ.

Đề cập tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC tại các cuộc họp ở Algiers và Vienna trong năm nay, Tổng thống Iran nói rằng tất cả các nước sản xuất dầu mỏ phải phối hợp để mở đường cho việc thực thi thỏa thuận. Ông ủng hộ việc bình ổn thị trường để đưa giá dầu đi lên, khẳng định thêm rằng việc hợp tác chặt chẽ với các nước xuất khẩu dầu không thuộc OPEC giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công thỏa thuận.

Tổng thống Venezuela Maduro cũng hoan nghênh thỏa thuận đạt được tại Vienna, coi đây là thắng lợi của tất cả các thành viên OPEC và cho biết các nước OPEC không cho phép các nhà môi giới định giá giá dầu.

Trong cuộc họp ở Vienna (Áo) Iran được miễn không phải cắt giảm sản lượng do xuất khẩu dầu sụt giảm vì các lệnh trừng phạt quốc tế trước đó. OPEC còn cho phép Iran tăng sản lượng thêm 90.000 thùng/ngày để giành lại thị phần, sau khi thỏa thuận lịch sử về hạt nhân giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) có hiệu lực từ tháng 1/2016.

Yếu tố Nga trong cuộc chiến múc dầu

Có thể thấy sự khác biệt rõ ràng trong các cuộc nhóm họp các thành viên OPEC và các nước ngoái khối trong năm nay: yếu tố người Nga.

CNBC dẫn nguồn tin từ OPEC và ngoài OPEC cho biết thỏa thuận lịch sử vừa qua đạt được là nhờ công rất lớn của ông Putin, Phó vương Ả rập Mohammed bin Salman, Lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Vai trò hòa giải của Tổng thống Putin giữa Riyadh và Tehran là rất quan trọng, minh chứng cho sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Trung Đông kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria chỉ hơn một năm trước đây.

Yếu tố Nga khiến cuộc chiến giá dầu hạ nhiệt.

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Hoàng tử Ả Rập Mohammed bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua, hai bên đã đồng ý hợp tác để cứu thị trường dầu mỏ thế giới khỏi sự dư thừa. Những tổn hại tài chính đã đẩy các bên đến thỏa thuận bất chấp sự khác biệt chính trị to lớn giữa Nga và Ả Rập trong cuộc nội chiến ở Syria.

Trong khi đó, OPEC về cơ bản đã nhất trí về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhưng tương lai vẫn rất mong manh.

Sở dĩ OPEC liên tiếp thất bại trong mấy năm gần đây chủ yếu là do tranh cãi giữa lãnh đạo Arabia Saudi và nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới- Iran. Tehran từ lâu đã cho rằng OPEC không nên ngăn cản họ phục hồi sản lượng dầu bị mất đi trong những năm thực thi lệnh trừng phạt của phương Tây. Bên cạnh đó còn là cuộc đối đầu chính trị sau nhiều năm giữa vương quốc thuộc dòng Hồi giáo Sunni (Saudi) và một bên là nước cộng hòa Hồi giáo Shiite (Iran).

Có thể nói, quan hệ đối đầu giữa Arabia Saudi và Iran là điều cơ bản nhất chưa thể trung hòa được nếu muốn tiến tới một bản thỏa thuận cuối cùng.

Trong bối cảnh đó, phía Nga trở thành một nhà ngoại giao ở bên thứ ba đại tài. Khi mà Saudi không có dấu hiệu nhân nhượng nào cho Iran, Tổng thống Nga đã quả quyết rằng nước này nên gánh vác phần nhiều nhất trong việc cắt giảm sản lượng. Điều này rõ là mang yếu tố bù đắp cho phía Iran.

Trong khi người Nga đã thực hiện việc cắt 300.000 thùng dầu sản xuất trong ngày, chiếm 50% sản lượng dầu cắt giảm cho các quốc gia ngoài OPEC, Arabia Saudi cũng thể hiện trách nhiệm của mình và giới quan sát có thể sẽ đặt niềm tin nhiều hơn vào tương lai này.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/a-rap-no-luc-ha-san-luong-dau-yeu-to-nga-3324726/