Y tế học đường - những khoảng trống - Bài 3: Mỏi mắt tìm nhân viên y tế học đường

PN - Chưa có ngạch nhân viên y tế học đường (YTHĐ), cộng với công việc nhiều áp lực, yêu cầu cao nhưng lương thấp, chế độ đãi ngộ không tương xứng nên các trường học tìm mãi vẫn không ra người có chuyên môn. Trường nào có người chuyên trách YTHĐ thì luôn phập phồng, thấp thỏm sợ “người bỏ ta đi”.

>> Y tế học đường - những khoảng trống - Bài 2: Ám ảnh nhà vệ sinh
>> Y tế học đường - những khoảng trống - Bài 1: "Ngực lép, lưng gù, bốn mắt"!

Một người lo cho hàng ngàn trẻ

Một ngày làm việc của cô Đ.N. tại một trường tiểu học Q.1 thật bận rộn với hai “đầu việc”. Công việc chính của cô là phụ trách thư viện, nhưng do trường không có cán bộ y tế chuyên trách nên mấy năm nay, cô được giao kiêm thêm nhân viên y tế của trường. Buổi sáng, học sinh (HS) nào bị trầy xước chân tay tìm đến cô để được sát trùng, băng bó; đến giờ ra chơi, các em gặp cô trong vai trò quản thư. Các buổi tập huấn vệ sinh phòng bệnh, công tác chữ thập đỏ, thực hiện các chương trình nha học đường, mắt học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng… cô phải “chủ xị”, lên kế hoạch cho toàn trường. Công việc YTHĐ với vô số việc đã “nuốt chửng” thời gian cho vị trí thư viện mà cô Đ.N. được đào tạo.

Tình cảnh “hai trong một” khá phổ biến ở nhiều trường học, các trường không tìm được cán bộ YTHĐ chuyên trách đành phải phân công thủ thư, thủ quỹ, nhân viên phòng thí nghiệm, thư viện, thiết bị… kiêm nhiệm YTHĐ. Hoạt động YTHĐ gồm nhiều chương trình với nhiều nội dung cần theo dõi, báo cáo, vì vậy nhân viên y tế gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận công việc.Thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy, có đến 700 trường học (gần 50%) không có cán bộ YTHĐ.

Hầu hết các trường đều có phòng y tế nhưng không tuyển được nhân viên. Nếu không được tập huấn, nhân viên kiêm nhiệm sẽ lúng túng khi xử lý tình huống. Một HS bị té chảy máu thay vì dùng nước đóng bình rửa sạch đất cát, sát trùng bằng oxy già hoặc thuốc tím, thì HS được nhân viên y tế của trường hướng dẫn ra vòi nước giếng rửa sạch vết thương; HS bị đau bao tử thì họ cho nhầm thuốc… tiêu chảy. Hiện nay, công việc của YTHĐ chỉ mới dừng lại ở việc nắm thông tin, ghi nhận tình trạng bệnh tật của HS, nếu trò bệnh nặng thì… gọi người nhà vào.

Cô Trần Thị Tú Hằng, nhân viên y tế Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10 có
bằng trung cấp điều dưỡng, gắn bó với trường tám năm qua luôn mong mỏi
được xếp ngạch lương

“Đói” ba tháng hè

“Nhân viên y tế của trường sau khi học xong trung cấp, có bằng là nghỉ việc. Sau vài lần bị biến động như thế, trường rút kinh nghiệm, phải chọn người có nhân thân rõ ràng, có quyết tâm ở lại trường. Cuối cùng trường đã tìm được người đồng ý gắn bó lâu dài với YTHĐ, đó là em của một hiệu phó đang làm ở một khu chế xuất, công việc vất vả nên có ý chuyển đổi nghề nghiệp”, cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 kể về hành trình tìm và giữ người phụ trách YTHĐ.

Có người chuyên trách YTHĐ đã khó, mà giữ họ gắn bó lâu dài với trường càng khó hơn. Những người đang có dự định tìm “bến đỗ” mới cho biết nguyên nhân bỏ trường ra đi: công việc rất nhiều, dịch bệnh gia tăng, số HS gia tăng nhưng nhân viên y tế chỉ luôn là một, càng làm càng đuối. Một nhân viên YTHĐ phải bao sân tất cả các hoạt động: tập huấn sơ cấp cứu, phòng bệnh, hạn chế tai nạn, tuyên truyền sức khỏe, chưa kể các hội thi Chữ thập đỏ định kỳ… Họ phải quản lý: sơ cấp cứu, bệnh về mắt, răng, dinh dưỡng… của HS; an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn, căng tin, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng học… Trong tình hình nhiều dịch bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết, nhân viên YTHĐ còn phải triển khai cách phòng chống dịch bệnh cho giáo viên, PHHS.

Nhân viên YTHĐ phải chăm lo sức khỏe cho hàng ngàn HS, mỗi ngày làm việc ở trường hơn chín tiếng, nhưng thu nhập mỗi tháng chưa tới 2,5 triệu đồng. Điều họ cảm thấy bất an nhất là chưa được xếp ngạch lương, chỉ ăn lương theo hợp đồng nên cứ đến ba tháng hè là… đói. Chuyện nâng lương định kỳ, theo nguyên tắc, cũng không được thực hiện. Một nhân viên YTHĐ tại Q.12 tiết lộ: “Con tôi còn đang đi học nên tôi chưa dám buông. Đợi vài năm sau cháu tốt nghiệp, tôi sẽ nghỉ làm, tìm một công việc khác đỡ áp lực, lương bổng không bèo như hiện nay”.

Lương không cao nhưng gần đây, “bổng” bị cắt giảm đã góp phần làm cho những nhân viên YTHĐ không muốn ở lại trường. Mấy năm trước đây, quỹ bảo hiểm y tế được trích giữ lại trường 18% để chăm lo sức khỏe ban đầu cho HS và phụ cấp cho cán bộ YTHĐ. Trung bình một tháng có thêm vài trăm ngàn đồng, tuy không nhiều nhưng cũng an ủi phần nào người phụ trách YTHĐ. Nay, quỹ bảo hiểm y tế giữ lại trường chỉ còn 2% khiến nhiều người nản lòng.

Trước tình trạng không ai chịu về “đầu quân” ở các phòng y tế trường học vì lương thấp, PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM - đề nghị nhà trường nên “kêu gọi” nhân viên y tế nghỉ hưu về làm việc tại trường, vừa đỡ buồn, vừa có đồng lương. Lực lượng bác sĩ, điều dưỡng nữ phải về hưu ở tuổi 55 là một “nguồn quý” các trường có thể tận dụng.

BS Đinh Quang Thanh - Trưởng khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, BV Điều dưỡng phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cho rằng, để “săn” nguồn lực chịu về công tác ở phòng y tế, nhà trường nên tuyển y tá, điều dưỡng mới ra trường. Vì lực lượng này đang được nhiều trường đào tạo. Đồng thời, mức lương ở trường hay bệnh viện mà y tá, điều dưỡng được hưởng đều tương đương nhau theo quy định của Nhà nước. Nếu những trường không đủ biên chế, thì giải pháp tạm thời khả thi lúc này là nên phối hợp định kỳ với các cơ sở y tế chuyên về nha học đường, cột sống, tâm lý,… triển khai chương trình phòng bệnh cho trẻ.

Hồng Liên - Văn Thanh

NHÂN SỰ Y TẾ TRƯỜNG HỌC

- Hiện chỉ có 11 phòng GD-ĐT có cán bộ chuyên trách về YTHĐ

- Số cán bộ y tế (CBYT) tại các trường:

(Nguồn: Sở GD-ĐT TP.HCM)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2011/Pages/y-te-hoc-duong-nhung-khoang-trong-bai-3-moi-mat-tim-nhan-vien-y-te-hoc-duong.aspx