Ý chí quản lý và quy luật thị trường

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các siêu thị phải mở cửa để phục vụ người dân trong những ngày Tết. Chỉ đạo này từng có ý kiến ủng hộ vì đây là việc làm cụ thể chăm lo đời sống người dân, nhưng cũng không ít ý kiến phản đối vì mở cửa siêu thị hay không là quyền của doanh nghiệp, ông chủ tịch không có quyền can thiệp. Còn thực tế thì sao?

Hầu hết các siêu thị ở Hà Nội đều “cửa đóng then cài” ngày 1 Tết. Ảnh: Thông Chí

Ngày mùng 1 Tết, phóng viên báo Lao Động đi đến nhiều siêu thị và ghi nhận rằng, tất cả đều “cửa đóng then cài”.

Họ bất tuân mệnh lệnh của ông chủ tịch hay sao? Không, xin thưa, họ tuân theo quy luật của thị trường. Cuộc sống vận hành theo những quy luật, mà nhiều khi quy luật đó không đồng hành với quy định hành chính. Quy luật của cuộc sống ở đây là gì, người dân đã đi mua sắm đầy đủ cho gia đình trước Tết, ngày Tết ngươi ta đi chơi, đi chúc Tết, không ai đi siêu thị làm gì. Nếu có một và nhu cầu mua rau cá, các chợ xép đủ để phục vụ.

Vì người dân không đi siêu thị ngày Tết, nếu có cũng rất ít, thì siêu thị mở cửa để làm gì. Kinh doanh là để lời, không phải để lỗ, biết chắc sẽ lỗ thì không ai dại dột làm. Mở cửa siêu thị một ngày chi phí không nhỏ, tiền điện chiếu sáng và máy lạnh, tiền nước, tiền trả cho quản lý, nhân viên dịch vụ, bảo vệ. Ngày Tết, phải trả cho lao động cao hơn gấp đôi so với ngày thường là đương nhiên. Vì vậy các ông chủ phải tính, lèo tèo vài ba khách hàng thì doanh số không đủ trả tiền nước.

Còn một vấn đề khác nữa, đó là ông chủ tịch chỉ đạo siêu thị phải mở cửa, nhưng các ông chủ không có quyền bắt người lao động đi làm trong mấy ngày Tết, vậy thì lấy ai để vận hành. Theo quy định của pháp luật, cán bộ, công nhân viên, người lao động được nghỉ Tết. Chưa kể, ngay cả khi chủ doanh nghiệp trả lương cao, nhiều người vẫn không muốn đi làm. Phần lớn người lao động đã làm việc vất vả suốt năm, mong đến dịp Tết. Họ có nhu cầu được nghỉ ngơi, vui chơi, đoàn tụ gia đình. Không ai có quyền tước đoạt nguyện vọng chính đáng đó của họ, một khi nó đã được pháp luật bảo vệ.

Thực tế vẫn có những người tranh thủ dịp Tết để làm ăn, thu lợi nhuận cao, đó là quyền của họ, không bị ai bắt ép. Với những dịch vụ kinh doanh hiệu quả, không cần ai chỉ đạo, tự khắc người dân sẽ bắt tay vào làm. Quy luật của thị trường không tuân theo ý chí của một cá nhân, theo chỉ đạo hành chính. Nếu nó xảy ra, thì thị trường đó bị méo mó, khuyết tật.

Rõ ràng, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung xuất phát từ mong muốn người dân được chăm sóc tốt hơn, không mua hàng giá cao do đầu cơ, hoặc do biến động tăng giá vào dịp Tết như từ trước đến nay. Tuy nhiên, để thực hiện được mục đích tốt đẹp này, cần phải có sự chuẩn bị tốt về truyền thông để người dân hiểu rõ. Nếu người dân biết rằng các siêu thị vẫn mở cửa thường xuyên, liên tục thì họ không cần thiết phải mua hàng tích trữ, mà sinh hoạt bình thường. Không có những đợt mua sắm ồ ạt thì hạn chế tối đa tăng giá, người dân tất nhiên có lợi.

Tuy nhiên, muốn thay đổi được thói quen mua sắm dịp Tết vốn đã trở thành tập quán, cần phải có kế hoạch thực hiện khoa học, không thể chỉ bằng một mệnh lệnh.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/y-chi-quan-ly-va-quy-luat-thi-truong-516201.bld