Xứng danh người anh cả

QĐND - Nói đến Thượng tá Vũ Đức Đua, Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Hải Phòng thì mọi cán bộ, chiến sĩ ở đây đều dành cho anh tình cảm tin yêu, cảm phục. Họ trìu mến gọi anh với cái tên “người anh cả”; 8 năm liền anh đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua toàn quân cùng rất nhiều bằng khen, giấy khen khác. Anh là một trong những tấm gương tiêu biểu trong việc bám biển, bám tàu, thực thi pháp luật trên vùng biển Đông Bắc.

Thầm lặng những chiến công

Tiếng còi tàu vang lên, âm thanh lan tỏa vào thành phố hoa phượng đỏ sôi động như khúc nhạc của đại dương bao la. Thấy tôi thích thú lắng nghe, Thượng tá Vũ Đức Đua bảo đó là tiếng chào nhau của những con tàu vừa cập bến.

Trong những chuyến công tác lần trước, tôi được nghe nhiều về anh, về Hải đội 2, BĐBP thành phố Hải Phòng, đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong những câu chuyện ấy, tôi phần nào mường tượng về anh, một người luôn tận tụy vì công việc, tâm huyết với đơn vị và hết lòng thương yêu giúp đỡ đồng đội. Gặp anh, cảm nhận ấy vẫn chưa đủ, bởi trên gương mặt sạm nắng luôn nở nụ cười hiền lành, thân thiện và gần gũi.

Quây quần bên ấm trà thơm đượm khói, vừa uống nước, anh vừa nhắc anh em kiểm tra lại lần cuối mọi công tác chuẩn bị để sáng hôm sau lên đường làm nhiệm vụ. Nhìn ai nấy đều rạng ngời niềm tin trong ánh mắt vui tươi, tôi nói nhỏ với Thượng tá Vũ Đức Đua: "Lênh đênh trên biển vất vả mà sao mọi người vui vậy?". Không trả lời ngay câu hỏi, anh hướng ánh mắt về phía biển, nói như độc thoại với chính mình: "Biển đã ngấm vào máu mỗi chúng tôi, dù khó khăn, vất vả thật, nhưng được ra khơi là niềm vui và trách nhiệm của mỗi người lính biên phòng nơi đây".

Thượng tá Vũ Đức Đua, Hải đội trưởng Hải đội 2, BĐBP Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hà.

Những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi đó Hải Phòng rộ lên nạn đưa người vượt biên bằng đường biển trái phép. Từng đoàn người cả già, trẻ, trai, gái được xua hết xuống chiếc thuyền đánh cá mỏng manh, người nọ xếp đè người kia, nêm chặt như ướp cá. Con thuyền ấy chơi vơi giữa biển khơi sóng gió, đói khát và tuyệt vọng. Cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Lúc ấy, Vũ Đức Đua là thuyền trưởng cùng đồng đội kịp thời ngăn chặn nhiều đoàn vượt biên, rồi tự tay anh cầm lái con thuyền đó vào bờ an toàn. Khi biết mình bị lừa, nhiều người dân tự trách bản thân đã để kẻ xấu lợi dụng lừa gạt, may mắn có BĐBP ứng cứu kịp thời. Trước khi về quê, họ không quên gửi lời cảm ơn tới những người lính quân hàm xanh đã thêm một lần mang lại sự sống cho họ.

Sau thời kỳ vượt biên, đến thời buôn lậu than, khoáng sản trên biển. Đây là thời điểm nhạy cảm, bởi nếu chỉ làm ngơ thì sẽ có lợi cho một vài cá nhân nào đó, nhưng Nhà nước và xã hội sẽ bị thiệt hại nặng nề. Đứng trước sự cám dỗ bằng vật chất rất lớn của bọn buôn lậu, anh cùng đồng đội không để vật chất làm lóa mắt mà kiên quyết thực thi pháp luật nghiêm minh. Chẳng thế mà không ít lần, chính anh từng bị các đối tượng xã hội đe dọa, dằn mặt, thậm chí chúng còn kéo cả đám đông đến đơn vị để thị uy. Anh đã bình tĩnh và khôn khéo xử lý tình huống hợp tình hợp lý, phân tích cho họ hiểu rõ những hành vi sai trái vi phạm pháp luật, những điều được, mất... Không biết anh nói những gì mà đám đông lặng lẽ rút với thái độ tâm phục khẩu phục.

Là người có thâm niên đi biển, Vũ Đức Đua hiểu rõ từng luồng lạch chằng chịt, dự đoán những diễn biến xấu của thời tiết. Anh chia sẻ: "Đối với người lính biển, điều đáng sợ là khi biển lặng, lúc đó do chủ quan nên chỉ nhìn thấy bề mặt, không biết cơn sóng ngầm ở tầng sâu". Anh nhớ như in về cơn bão số 3 (năm 2014) có tên Kalmaegi đổ bộ vào Hải Phòng, nhận định đây là cơn bão có cường độ mạnh vì thời tiết mấy hôm đó rất oi bức, ngột ngạt. Bằng kinh nghiệm cá nhân, Vũ Đức Đua lường trước được cơn bão sẽ diễn biến vô cùng phức tạp. Ngay từ sớm, anh em đã được lệnh lên đường bám trụ để đối phó với bão. Mây đen nổi lên, bầu trời đen kịt như chiếc chảo úp ngược, vịnh Lan Hạ chìm trong đêm tối và gió mạnh. Lúc đó là 19 giờ ngày 16-9-2014, Thượng tá Vũ Đức Đua nhận được tín hiệu từ Bộ chỉ huy BĐBP thành phố Hải Phòng là có một tàu cá mang số hiệu NA 99986 hiện đang neo đậu ở bờ biển Việt Hải (Cát Bà) tránh báo thì bị đứt cáp, dây neo văng vào người, tàu trôi tự do, tình hình nguy kịch. Không chút chần chừ, anh ra lệnh phải cứu người, cứu tàu trước khi bão nhấn chìm. Mặc cho sóng to gió lớn, mưa như ném từng vốc nước vào mặt đau rát, con tàu do anh chỉ huy vẫn lao về phía trước, xé toạc màn đêm và tiếng gào rú của gió. Những cuộc nói chuyện như thét trong điện thoại, tín hiệu gián đoạn rồi mất hẳn. Làm thế nào để xác định mục tiêu? Vũ Đức Đua nhảy lên mũi tàu, cầm đèn pin làm hoa tiêu cho thuyền viên, sau nhiều giờ tìm kiếm trong đêm tối, cuối cùng đã tiếp cận được mục tiêu.

Tàu cập mạn, tổ công tác chuyển người bị thương lên tàu CN09. Nạn nhân là Nguyễn Văn Tuấn và Trần Đức Hà bị dây neo đập vào ngực, một người bị đứt gân cổ tay, mất máu nhiều, tình trạng sức khỏe nguy kịch, chiến sĩ quân y băng ga-rô cầm máu, hồi sức kịp thời. Các nạn nhân còn lại được đưa lên tàu, nhanh chóng rời hiện trường trở về đất liền. Mâm cơm tối dọn ra chưa ai kịp đụng đũa đã bị gió hất bay từ lúc nào. Nước biển mặn chát thấm trong cái mệt, nhưng ánh mắt ai cũng ánh lên niềm vui. Biển ngoài kia đang thét gào ầm ĩ, gió mỗi lúc một to, mưa lớn.

Xem lại các bản báo cáo của đơn vị những năm qua, tôi thấy rất nhiều thành tích nổi bật, ví như việc tuần tra mật phục bắt giữ 62/68 phương tiện/350 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại bàn giao cho các cơ quan chức năng xử lý, thu ngân sách Nhà nước hơn 3 tỷ đồng; bắt giữ 5 vụ/6 phương tiện/23 đối tượng trộm cắp tài sản trên sông, biển; rồi hàng chục phương tiện buôn bán pháo, các loại vật liệu nổ như: Mìn, kíp nổ, dây cháy chậm; bắt giữ nhiều đối tượng người điều khiển, vận hành phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; xua đuổi 306 tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép; lập biên bản cảnh cáo phóng thích trên biển 135 tàu với 1.124 thuyền viên nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển v.v.. Trò chuyện với chúng tôi, dù bản thân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng không bao giờ anh nói về mình, anh chỉ nhắc đến những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ; những tình huống khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ mà đơn vị vượt qua... Theo tôi, hoàn cảnh của từng đồng chí đồng đội hình như đã nằm lòng trong anh.

Anh cả trong ngôi nhà chung

Thiếu tá Phạm Đình Thành, Hải đội phó Hải đội 2 chỉ về phía hòn non bộ phía trước nhà chỉ huy giới thiệu: Mô hình xanh, sạch, đẹp của đơn vị chúng tôi thuộc vào tốp đầu của BĐBP đấy. Ngắm kỹ toàn bộ cơ ngơi trong khuôn viên, quả đúng như thế. Tôi ngỡ ngàng rồi thích thú, bởi cách bài trí rất khéo, vừa hợp lý vừa có tính sáng tạo khá cao. Hỏi ai là tác giả, anh Thành chỉ tủm tỉm cười, rồi nháy mắt bảo, hỏi anh Đua sẽ biết.

Mỗi chuyến công tác, phải xa đất liền nhiều ngày, cuộc sống khó khăn, vất vả, khó thì anh em sẽ tìm cách khắc phục, nhưng để có được tinh thần vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ mới là điều quan trọng. Nắm bắt được tâm tư ấy, Vũ Đức Đua quyết tạo dựng đơn vị thực sự là ngôi nhà chung để sau mỗi chuyến công tác, mọi người lại được trở về chính ngôi nhà thân yêu của mình. Anh tâm sự: "Xưa kia, nơi này chỉ là mỏm đá mồ côi trơ trọi, hoang vu. Để cải tạo và trồng cây trên đá, anh em tự bỏ tiền túi mua đất thịt từ ngoài mang vào, tận dụng ngày nghỉ, từ chỉ huy đến chiến sĩ đều tình nguyện “trốn” nhà ở lại đơn vị lao động. Có đất rồi, trồng cây gì đây? Trong lúc chưa tìm được giải pháp thì mọi người lại có “sáng kiến” là mỗi đồng chí về phép sẽ “mượn” tạm cây cảnh nào đó của gia đình mang lên đơn vị trồng. Chẳng mấy chốc, đơn vị đã phủ kín màu xanh ngút mắt. Thượng tá, Chính trị viên Phạm Doãn Dưỡng chỉ về phía hai cây thế trồng ở trước cửa, khoe: "Cách đây mấy năm, có khách trả mỗi chậu cây tương đương trị giá chiếc xe ô tô Camry, nhưng đơn vị quyết không bán".

Từ ngày cây sum suê, bóng mát khắp nơi, chim tự nhiên kéo về rất đông và nhiều chủng loại. Chúng làm tổ và hót líu lo suốt ngày. Vũ Đức Đua không chỉ là người mát tay trong việc chăm cây, anh còn có khiếu nuôi và thuần dưỡng chim cảnh, huấn luyện chúng hót bất cứ lúc nào. Mỗi khi nhại lại tiếng chim nào đó, lập tức sẽ có dàn đồng ca véo von. Anh Phạm Đình Thành cho biết, cứ mỗi sáng, chưa cần nhìn, chỉ nghe tiếng chim hót ríu rít cũng biết Hải đội trưởng đang đến.

Câu chuyện đang vui, tôi nhận thấy gương mặt anh có chút tư lự. Anh chia sẻ: "Trong số anh em ở đây, vẫn còn nhiều đồng chí có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng mọi người đều tận tụy với công việc, nỗ lực phấn đấu vươn lên". Là người chỉ huy, anh không cho mình là người "chỉ tay", đơn giản anh nghĩ, mình như người anh, phải có trách nhiệm bao quát ngôi nhà chung này. Mỗi dịp công tác xa, anh thường tranh thủ kết hợp thăm non người thân của đồng đội, những chuyến viếng thăm bất ngờ ấy, anh càng hiểu hơn hoàn cảnh của mỗi gia đình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, để có sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mỗi cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi còn biết thêm, mỗi khi Tết đến, Xuân về, toàn bộ đại gia đình của Hải đội 2 lại quây quần bên mâm cơn đầm ấm cùng đơn vị để chung vui, đón Xuân mới. Chính tại ngôi nhà chung này, tình đồng chí, đồng đội, bạn bè thêm một lần được thắp sáng. Đó cũng là động lực để mỗi cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Có được tinh thần gắn bó ấy, không thể thiếu được hạt nhân gắn kết của người anh cả Vũ Đức Đua.

Phía trước, biển vẫn đang rì rầm, nơi ấy, những người lính Hải đội 2 đang rong ruổi trên những luồng lạch giữ bình yên cho vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

PHÙNG MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-7-2015-2016/xung-danh-nguoi-anh-ca/382258.html