Xuất khẩu thủy sản năm 2009 - Những mảng tối và sáng

Theo thống kê của Hải quan, năm 2009 xuất khẩu (XK) thủy sản của cả nước đạt 1,216 nghìn tấn, trị giá 4,25 tỷ USD, giảm 1,6% về lượng và 5,7% về giá trị so với năm 2008, lần đầu tiên giảm sau 13 năm. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là kết quả khả quan đối với các doanh nghiệp XK, trước những khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, những rào cản về kỹ thuật và thuế quan của các nước nhập khẩu...

Cán đích 4,25 tỷ USD Theo thống kê của Hải quan, năm 2009 xuất khẩu (XK) thủy sản của cả nước đạt 1,216 nghìn tấn, trị giá 4,25 tỷ USD, giảm 1,6% về lượng và 5,7% về giá trị so với năm 2008, lần đầu tiên giảm sau 13 năm. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là kết quả khả quan đối với các doanh nghiệp XK, trước những khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, những rào cản về kỹ thuật và thuế quan của các nước nhập khẩu... Năm 2009, Việt Nam XK 85 loại sản phẩm thủy sản sang 163 thị trường. Số lượng sản phẩm và thị trường XK đều tăng so với năm 2008, nhờ sự linh hoạt đa dạng hóa sản phẩm và thị trường của các doanh nghiệp XK. Trong đó, tôm đông lạnh là mặt hàng chiếm tỉ trọng cao nhất (39,4%), cá tra 31,6%, mực, bạch tuộc 6,45%, cá ngừ 4,26%, hàng khô 3,77%, cá biển và các loại hải sản khác chiếm 14,5%. Những mảng tối… Góp phần đáng kể vào sự sụt giảm XK trong năm 2009 là thị trường EU – nhà nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam, chiếm 25,8% kim ngạch XK. Xuất khẩu sang thị trường này giảm 4,2% về giá trị, đạt 1,096 tỷ USD, trong đó 5 thị trường đơn lẻ là Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italia và Bỉ chiếm 64% tổng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào khối này . XK sang Italia giảm mạnh nhất về giá trị (- 26,5%), sang Hà Lan giảm 16,9% và sang Tây Ban Nha giảm 2,7%. EU chiếm hơn 40% XK cá tra của Việt Nam với 538,7 triệu USD. Năm qua, XK cá tra sang thị trường này giảm 7,3% vì nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến thông tin xấu “bôi bẩn” cá tra ở một số quốc gia như Tây Ban Nha, Ý, Ai Cập. Tuy nhiên, đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với vấn đề chất lượng cá tra Việt Nam và sự cạnh tranh không lành mạnh về giá xuất khẩu trong thời gian qua. Giá trung bình XK cá tra giảm từ 2,27 USD/kg năm 2008 xuống còn 2,21 USD/kg năm 2009. Giá trung bình XK cá tra liên tục sụt giảm từ mức 4,09 USD/kg năm 1998 cho đến nay. Sự vắng mặt của thị trường Nga 4 tháng đầu năm do lệnh cấm thủy sản Việt Nam từ cuối năm 2008 cũng là một yếu tố khiến XK thủy sản giảm, vì Nga vốn là thị trường đơn lẻ tiêu thụ nhiều nhất cá tra của Việt Nam trong năm 2008. Từ tháng 5 đến hết tháng 12/2009, Nga nhập khẩu 47,5 nghìn tấn thủy sản Việt Nam, trị giá 84,6 triệu USD, giảm lần lượt 62,1% và 61,2% so với cùng kỳ. Thị trường Nhật Bản vẫn đứng vị trí thứ 2 trong tốp các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam với 758 triệu USD, giảm 8,5% so với năm 2009, tiếp đến là Mỹ với 713,3 triệu USD, giảm 4,2%. XK mực, bạch tuộc và cá ngừ, cá biển và các loại hải sản khác giảm đáng kể do sản lượng đánh bắt giảm do ảnh hưởng của các cơn bão lớn, Trung Quốc cấm biển và sự cạnh tranh giá thu mua nguyên liệu của giới thương gia Trung Quốc, dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng trong các DN chế biến. Xuất khẩu cá ngừ giảm 4,1%, trong khi XK mực, bạch tuộc giảm 13,8%. XK các sản phẩm cá khác giảm 16%. … và mảng sáng Về thị trường, đứng vị trí thứ 4, thứ 5 và thứ 6 trong tốp các thị trường chính của thủy sản Việt Nam, Hàn Quốc, ASEAN và Trung Quốc là những thị trường ổn định nhất đối với XK thủy sản của Việt Nam trong năm qua với mức tăng trưởng lần lượt là 2,3% và 6,9% và 38,4%. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây là những thị trường thuận lợi về vị trí địa lý, yêu cầu kỹ thuật không khắt khe như những thị trường lớn khác. Về mặt hàng, mặc dù rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến trầm trọng, trong khi sức tiêu thụ của các thị trường chính giảm, nhưng XK tôm năm qua vẫn đạt kết quả khích lệ với 1,675 tỷ USD, tăng 3% so với 1,625 tỷ USD năm 2008. XK tôm sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan đều tăng trưởng 2 con số. Dự báo năm 2010 Thuận lợi: Bước sang năm 2010, đã có nhiều tín hiệu mới cho thấy, xuất khẩu thủy sản sẽ có kết quả khả quan hơn nhiều so với năm 2009. Kinh tế thế giới, nhất là các nước: Mỹ, EU, Nhật Bản, đang trên đà phục hồi là cơ hội tốt cho mặt hàng này. Ngoài ra, hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) đã chính thức có hiệu lực, theo đó, từ 1.10.2009, trên 86% hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế, trong đó các mặt hàng tôm đã được giảm thuế suất nhập khẩu xuống 1 – 2%. Xuất khẩu thủy sản vào Mỹ sẽ tăng mạnh nếu các doanh nghiệp chú ý đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi hiện đại; xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh tiếp thị, tập trung sản xuất những mặt hàng có chất lượng cao…Một thuận lợi khác là thủy sản Việt Nam vừa qua đã được một số nước công nhận, đánh giá cao về chất lượng. Khó khăn: Năm tới, xu hướng bảo hộ thương mại, các hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch chặt chẽ và các tiêu chuẩn mới khắt khe về dư lượng kháng sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các thị trường sẽ tiếp tục là những trở ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ các thị trường truyền thống, các DN thủy sản Việt Nam cần phát triển thị trường tiêu thụ ở các nước mới nổi như Mỹ Latinh, Trung Đông và Châu Phi - những thị trường tiềm năng có nền kinh tế phục hồi nhanh. Một vấn đề nữa là năm 2010, các doanh nghiệp tiếp tục đau đầu với bài toán nguyên liệu, khi mà đầu vào cho sản xuất nguyên liệu như vốn, thức ăn thủy sản và chi phí xăng dầu đang còn khó khăn, trong khi thuế nhập khẩu nguyên liệu một số mặt hàng vẫn chưa đưa về mức 0%

Nguồn StockBiz: http://stockbiz.vn/news/2010/2/1/89951/xuat-khau-thuy-san-nam-2009-nhung-mang-toi-va-sang.aspx