Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Nguy cơ mất thị trường

Thực trạng lao động VN bỏ trốn, tự ý chuyển chỗ làm ngày càng lan rộng, đang gióng lên một hồi chuông báo động về công tác quản lý lao động VN tại Hàn Quốc...

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH, lượng lao động VN được tiếp nhận sang Hàn Quốc từ đầu năm đến nay đang có xu hướng giảm dần. Đó là một thực trạng đáng báo động, bởi lâu nay, đây là một thị trường hấp dẫn nhất với những người muốn đi làm việc ở nước ngoài. Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất chính là hình ảnh người lao động VN không còn đẹp trong mắt của các giới chủ Hàn Quốc. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, làm việc tại Hàn Quốc, người lao động có thu nhập ổn định, bình quân từ 900 - 1.100 USD/người/tháng, nếu chịu khó làm thêm giờ, nhiều người còn có thu nhập cao hơn. Điều kiện làm việc và thu nhập của lao động VN tại Hàn Quốc khá tốt là thế, nhưng tình trạng lao động bỏ trốn, tùy tiện thay đổi nơi làm việc đã và đang ảnh hưởng lớn đến uy tín của lao động VN, gây lo ngại cho chủ sử dụng lao động và các cơ quan chức năng của Hàn Quốc. Nguy cơ mất dần thị trường đã hiển hiện.Theo số liệu khảo sát mới đây của Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD), lao động VN có tỷ lệ chuyển xưởng cao nhất, chiếm tới 35%, đứng đầu trong số 15 quốc gia có lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Nhiều lao động VN xin chuyển xưởng với những lý do không chính đáng, hoặc luôn so sánh đòi hỏi quyền lợi khiến chủ sử dụng không hài lòng. Ngoài tỷ lệ chuyển xưởng cao, tỷ lệ lao động VN sống bất hợp pháp ở Hàn Quốc cũng chiếm một số lượng lớn. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, có khoảng 15.000 người VN đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong đó, khoảng gần 13.000 lao động và số lao động đi theo chương trình cấp phép lao động nước ngoài (EPS) hết hạn ở lại hoặc trốn ra ngoài hiện có khoảng hơn 8.000 người. Mặc dù Hàn Quốc có quy định nghiêm ngặt về hành vi bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp, họ sẽ bị phạt và bị cấm tái nhập cảnh Hàn Quốc. Bộ LĐTB&XH vừa có đoàn công tác sang Hàn Quốc nghiên cứu xây dựng đề án: “Ngăn ngừa tình trạng người lao động cư trú bất hợp pháp sau khi kết thúc hợp đồng lao động và tình trạng chuyển đổi nơi làm việc với lý do không chính đáng”. Không chỉ gây bức xúc cho những ông chủ Hàn Quốc bởi những hành vi “nhảy việc”, nhiều lao động VN còn để lại những hình ảnh không đẹp qua hành vi ứng xử hàng ngày. Ông Hwang Chang Bae, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ người lao động nước ngoài thành phố Incheon cho biết: Người lao động đòi chuyển xưởng bởi nhiều lý do, nào là lương thấp, điều kiện phúc lợi không tốt, thích chuyển đến gần trung tâm thành phố... Nhiều người chỉ biết đến cái lợi trước mắt... Làm ít nhưng lại muốn lương cao, là tâm lý chung của nhiều lao động VN, hơi một tý là bỏ việc, chuyển chỗ làm, bất chấp các quy định theo hợp đồng đã ký, đó là căn bệnh trầm kha của nhiều lao động VN tại Hàn Quốc. Có một lý do nữa khiến giới chủ Hàn Quốc không hài lòng là có một tỷ lệ không nhỏ lao động không đủ sức khỏe làm việc nhưng không hiểu sao vẫn trót lọt với giấy chứng nhận sức khỏe loại A. Thậm chí có lao động sang Hàn Quốc mới phát hiện ra có bệnh tâm thần... Bên cạnh đó, việc bất đồng ngôn ngữ khiến cho chủ và người lao động luôn đối thoại kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”, cũng dẫn đến những xung đột không đáng có. Cũng bởi bất đồng ngôn ngữ, xung khắc về văn hóa và sự khắt khe, hà khắc của giới chủ mà đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc. Mới đây nhất, ngày 23/3/2011, lao động Nguyễn Việt Ân, sinh năm 1987, quê ở Vĩnh Long, nhập cảnh Hàn Quốc tháng 12/2007 đã dùng dao đâm liên tiếp, cướp đi tính mạng của một người Hàn Quốc. Dẫu là nguyên nhân gì đi nữa, nhưng có một sự thật là giới chủ Hàn Quốc đã dần chuyển hướng sử dụng lao động Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philipines thay cho lao động VN. Thực trạng lao động VN bỏ trốn, tự ý chuyển chỗ làm ngày càng lan rộng, đang gióng lên một hồi chuông báo động về công tác quản lý lao động VN tại Hàn Quốc. Với chi phí chỉ hơn 600 USD, đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (chương trình thực hiện theo Luật Cấp phép cho lao động nước ngoài), người lao động sẽ được hưởng mức lương khởi điểm là 900- 1200 USD/tháng. Hơn 6 năm thực hiện chương trình này, VN luôn dẫn đầu với trên 55.000 lao động đang làm việc tại quốc gia này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước tình trạng lao động VN bỏ trốn cư trú bất hợp pháp và tỷ lệ lao động chuyển xưởng tăng cao, việc tiếp nhận lao động VN sang Hàn Quốc theo chương trình EPS đang phát đi những tín hiệu bất ổn. Hồ Thu

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/Thi-truong/Lao-dong-Viec-lam/Xuat_khau_lao_dong_sang_Han_Quoc_-Nguy_co_mat_thi_truong/