Xuân vui ở nơi “ốc đầu” Chế Tạo

GD&TĐ - “Cả bản có bao nhiêu xe máy à? Ồ! Chẳng tính được đâu. Tính thử số nhà trong bản không có xe nhé! Còn 1 hộ thôi! Bản có 71 hộ thì 70 hộ đã mua được xe máy. Nghe đã thấy sướng cái bụng...!” - già Giàng Là Chơ ở bản Chế Tạo (xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) “khoe” bằng một giọng tự hào.

Không thể ngờ rằng, địa danh Chế Tạo xa xăm, hẻo lánh bậc nhất, địa bàn được coi là “ốc đầu” của huyện Mù Cang Chải một thời, nay đã có một diện mạo khác hẳn...

Từ chiếc xe máy đầu tiên...

Xã ốc đầu Chế Tạo nằm cách trung tâm huyện Mù Cang Chải 35 km, giao thông đi lại khó khăn nhất so với 13 xã trong huyện. 100% người dân trong xã là đồng bào Mông, ngày trước sống cheo leo theo những sườn núi ở một khu vực gần như tách biệt hoàn toàn với huyện lị. Từ xã muốn xuống huyện, người ta phải đi 2 chặng, đầu tiên mất nửa ngày băng rừng, tụt dốc, vượt gần 40 km đường rừng để tới địa phận xã Kim Nọi, từ đây mới có đường đi xe về trung tâm.

Khó khăn là thế nên với người Mông ở Chế Tạo những năm ấy, chẳng mấy ai tính đến chuyện đi chợ huyện. Vậy mà có một người đàn ông nghĩ khác. Anh là Sùng A Tủa, trước từng là Chủ tịch xã Chế Tạo, người đã “dám” vay mượn, cóp nhặt để mua bằng được chiếc xe máy từ cách đây hơn chục năm.

Đồng bào Mông ở xã Kim Nọi kể lại rằng, khoảng những năm 2004 họ đã rất quen với hình ảnh một người đàn ông ngoài 40 tuổi, dáng mập mạp, thấp, đậm với chiếc quần đen ống rộng thùng thình, cổ quàng khăn thổ cẩm nhưng rất nhanh nhẹn và thoải mái cưỡi chiếc Win 100 với một chiếc cặp da đen to kềnh càng, buộc chặt chẽ phía sau, gập ghềnh trên lưng chừng núi “phi” xuống huyện họp. Cái phong cách Sùng A Tủa đi họp từng là ước mơ của rất nhiều cán bộ các xã, bản vùng cao trong khu vực hồi ấy...

Trong ngôi nhà lợp gỗ thông đen bóng lớp sơn thời gian ở bản Tà Sung, A Tủa vui vẻ tiếp rượu chúng tôi và không quên hồi tưởng lại những kỷ niệm một thời: “Đó là những ngày chưa có con đường về bản, mà đường đi từ xã về huyện quá dài, quá xa lại khó đi nên tôi nghĩ dù phải gửi nhờ bà con ở giữa đường cũng phải cố gắng mua cho bằng được một chiếc xe máy để về huyện họp cho tiện”.

Chiếc xe Win 100 đầu tiên của xã Chế Tạo được Sùng A Tủa mua với giá 9,5 triệu đồng đã xuất hiện trong hoàn cảnh như thế. Mang tiếng là có xe máy nhưng anh cán bộ xã A Tủa vẫn phải xuyên rừng, lội suối mấy chục cây số cuốc bộ để tới được chỗ gửi xe ở Kim Nọi mới có cơ hội cưỡi ngựa sắt xuống thị trấn.

“Có chiếc xe, đỡ phải đi bộ cả chục cây số nhưng chẳng nhẽ vì không có đường mà phải gửi xe mãi như thế sao được? Câu hỏi ấy luôn đau đáu trong suy nghĩ của tôi. Ước mong có được con đường giao thông vào đến Chế Tạo khi ấy không phải chỉ của riêng tôi mà của cả hàng trăm hộ đồng bào trong xã...” - A Tủa trầm ngâm đưa mắt nhìn về phía rừng xanh như tìm lại những ký ức một thời.

... đến con đường ước mơ thành hiện thực

Theo lời Sùng A Tủa và những bà con trong bản kể lại thì con đường giao thông nối Chế Tạo với huyện lị Mù Cang Chải là hiện thân của sự kết hợp giữa ý Đảng và lòng dân. Để có được công trình ấy người Mông từ các bản: Tà Dông, Nà Háng, Pú Vá, Tà Sung, Chế Tạo cho tới 2 bản xa nhất là Kể Cả và Háng Tày nằm cách trung tâm xã hơn 20 km đã khắc phục mọi khó khăn để góp sức làm đường.

Đó là những khi bà con mang cơm nắm, măng ớt, nồi xoong và... địu con nhỏ đi theo tuyến, bám đường, xả taluy để mở lối, cả tháng không về nhà. Rồi cả những dòng họ, những gia đình người Mông huy động cả 3 thế hệ đông tới hàng chục lao động đi làm với mong muốn con đường hoàn thành sớm ngày nào thì cuộc đời sớm đổi thay ngày ấy. Có con đường giao thông huyết mạch liên xã xuống huyện đã khó nhưng giữ được đường còn khó hơn gấp nhiều lần...

Hơn ai hết, người Mông ở Chế Tạo quý con đường này như chính những tài sản vô giá của gia đình mình. Bà con chia lao động, chia nhân công ra sẵn sàng bảo vệ, tu sửa đường khi mưa rừng đổ xuống, lũ quét hay sạt lở xảy ra. Họ tích cực giám sát các đơn vị thi công trên những tuyến, những đoạn đường được kiên cố hóa từ nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư của Chính phủ.

Họ gánh, họ vác, thậm chí cả khiêng cả chục bao xi măng trên hai chiếc cáng tre vượt dốc cứ phăm phăm giúp công nhân trộn vữa để xây cống, rãnh mà không biết mệt. Vì với người Mông ở Chế Tạo thì một phần nhờ con đường mà họ vượt thoát ra khỏi cuộc sống đói nghèo, lạc hậu.

Sắm xe máy để đi tới tương lai!

Câu nói vui của chàng thanh niên ở bản Pú Vá khiến chúng tôi ấn tượng mãi. Quả thực, hôm nay đường về Chế Tạo trở nên gần lắm bởi bà con cả 7 bản trong xã đã mở được đường cho xe máy về tận nơi. Nhờ giao thông từ trung tâm huyện về xã được thông suốt mà đồng bào Mông có thể giao lưu, buôn bán được dễ dàng hơn.

Bà lão 80 tuổi Giàng Thị Pảy ở bản Tà Sung cười móm mém: “Con đường đã đẹp rồi, cái nhà, cái trường học, cái trạm xá cũng đẹp theo nên người Mông sẽ không di cư, bỏ bản để đi đốt rừng nữa! Các con, các cháu tôi giờ đã sắm được 4 cái xe máy để đi chợ, đi buôn bán rồi!”. Còn với cụ Sùng Thẻo Thạy ở bản Tà Dông thì “vui nhất là các con cháu đều đã mua được xe máy. Hôm vừa rồi, lần đầu tiên trong đời, tôi được các cháu lai xuống chợ huyện chơi, sướng lắm!”...

Những ngày cuối năm này, rất nhiều hộ gia đình người Mông ở Chế Tạo đã gom đủ tiền để sắm xe máy chuẩn bị đi chơi Tết con khỉ. Từ bản Nà Háng, chúng tôi theo bước 2 vợ chồng anh Mùa A Mùi về chợ huyện Mù Cang Chải để mua xe. Năm nay trúng vụ lúa, lại bán được 2 cặp bò, 3 đàn lợn nên A Mùi dự định sẽ mua một chiếc xe máy khoảng 20 triệu. Khu bán xe máy nằm ngay ở đầu chợ nườm nượp người vào, người ra.

Họ túm lại bên chiếc xe mới mà nhìn, ngắm, bàn tán râm ran vẻ rất mãn nguyện. Đang tần ngần trước những chiếc xe mới cáu cạnh, chợt tôi giật mình ngước lên bởi những tiếng động cơ xe gắn máy phân khối lớn nổ giòn giã. Từng chiếc, từng chiếc xe máy nối đuôi nhau từ trên triền núi của xã Kim Nọi hướng về phía chợ. “Dân Chế Tạo đi xe máy xuống chợ sắm sửa đấy. Nhìn thích chưa? Mình cũng phải nhanh sắm lấy một cái thôi!” - Mùa A Mùi vỗ vai tôi cười ha hả...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/xuan-vui-o-noi-oc-dau-che-tao-1634824-bt.html