Xuân về trên đỉnh Huổi Sơn

(Công lý) - Trong mây trắng và sương mù lan tỏa, đỉnh Huổi Sơn thuộc huyện biên giới Tương Dương, Nghệ An dần hiện lên trước mắt chúng tôi.

Hòa trong màu xanh của lá rừng buổi sớm mai, là lấp lóa màu quân hàm của tổ tuần tra biên giới gồm những chiến sỹ Công an trẻ thuộc Công an huyện Tương Dương và cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng Tam Hợp, BĐBP Nghệ An.

Từ nhiều vùng quê khác nhau, họ đã lên vùng biên giới xa xôi này và nguyện gắn bó cuộc đời mình với nơi đây bằng tình yêu đất nước, trách nhiệm với Tổ quốc và đồng bào các dân tộc trên biên giới. Để hoa mai, hoa mận khoe sặc thắm mỗi khi Tết đến Xuân về, mỗi nếp sàn lạị rộn vang tiếng cười của người già, con trẻ và trai gái trao nhau những quả còn thắm sắc.

Dần đoạn tuyệt với đói nghèo, lạc hậu

Vùng biên giới thuộc địa bàn xã Tam Hợp có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài 12km, được coi là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh của tỉnh, đồng thời là vùng có tiềm năng phát triển kinh tế, giao lưu, trao đổi hàng hóa với khu kinh tế quốc phòng của nước bạn Lào.

Những năm trước đây, do cán bộ cơ sở vừa thiếu, lại vừa yếu, các tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động cầm chừng đã dẫn đến nhiều hệ lụy như tình trạng di cư tự do diễn ra khá phổ biến, đồng bào hằng ngày phải đối diện với khó khăn, đói nghèo, lạc hậu, bệnh tật. Nhất là từ năm 1998 đến 2004 trên địa bàn xã Tam Hợp bọn phỉ bên kia biên giới thường xuyên câu móc với một số đối tượng ở trong địa bàn để tiếp tế, trao đổi hàng hóa, lương thực và vũ khí cho chúng, đồng thời lôi kéo một bộ phận đồng bào di cư trái pháp luật sang Lào; gây mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ông Sùng Vả Phấu: “Tam Hợp giờ no ấm rồi...”

Song đó đã là câu chuyện của ngày hôm qua, giờ đây, sự xuất hiện của những cán bộ chiến sỹ BĐBP, Công an xã "cắm bản" đã trở thành lực lượng đóng vai trò cầu nối, thắt chặt tình đoàn kết để cùng chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Các anh đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc ít người. Từng bước như vậy, các anh đã khắc phục được tư tưởng bảo thủ, trông chờ ỷ lại, xóa được các thôn, bản trắng đảng viên, không còn chi bộ sinh hoạt ghép, thành lập mới được 4 chi bộ, kết nạp 37 đảng viên mới và kết nạp 32 đoàn viên mới trong địa bàn toàn xã.

Tết năm nay, đồng bào Mông ở Huồi Sơn không còn lo đói nữa bởi gia đình nào cũng có được một thửa ruộng lúa nước, một ao thả cá và một chuồng bò. Gặt bông lúa mẩy, đánh bắt được con cá to, bà con nhớ ơn cán bộ, chiến sỹ Đồn Tam Hợp và chính quyền xã đã tích cực vận động nhân dân canh tác định canh, giúp đỡ phát triển sản xuất kinh tế theo hướng hàng hóa.

Trước đây, gia đình anh Xồng Vả Xềnh, bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương thuộc diện nghèo đói nhất bản. Hai vợ chồng bám rừng, làm lụng vất vả quanh năm vẫn chưa đủ ăn, đủ mặc. Năm 2007, được sự tư vấn , giúp đỡ của bộ đội biên phòng, đặc biệt là lực lượng cán bộ cắm bản, Xồng Vả Xềnh quyết định chuyển hướng làm ăn. Thay cho việc kiếm sống bằng nghề rừng, Vả Xềnh đã đào ao thả cá, làm chuồng nuôi nhốt gia súc, tham gia trồng lúa nước 2 vụ. Cuộc sống của gia đình anh nhờ vậy khác trước rất nhiều.

Cũng như gia đình anh Vả Xềnh, niềm mơ ước bao đời của nhiều người dân nơi đây đã trở thành hiện thực khi bằng sức lao động của mình, cả bản đã khai hoang phục hóa làm mới được 10ha diện tích trồng cây lúa nước, đào 13 ao thả cá và cấp 7 triệu con cá giống cho các hộ gia đình phát triển chăn nuôi cá. Tam Hợp đã trở thành xã điểm vùng biên.

Nhờ đổi mới cách làm ăn, gia đình già Xồng A Cang ở Tam Hợp mấy năm nay cũng đã đoạn tuyệt được với đói nghèo, lạc hậu. Tất cả bắt đầu từ việc từ bỏ phương thức sản xuất du canh, già Treo nghe theo bộ đội mở hướng làm ăn mới, phát triển kinh tế dựa trên điều kiện thuận lợi của mảnh đất này. Rừng tràm đã phủ xanh diện tích đất trống đồi núi trọc trước đây, hồ ao đã đầy cá, số lượng gia súc gia cầm trong chuồng trại cũng tăng lên đáng kể. Hàng ngày, già Cang vẫn cùng bộ đội biên phòng vỡ đất hoang hóa. Hướng làm ăn phát triển kinh tế hàng hóa của hộ gia đình này đã thúc đẩy cả bản làng biên giới thực hiện để xóa đói, giảm nghèo.

Náo nức đón xuân

Mấy năm về trước, khi đến Tam Hợp, mọi thứ vẫn còn hoang sơ. Lúc đó nhiều khu vực trong xã vẫn chưa có điện lưới quốc gia, đường đi còn xếp toàn đá lỏng chỏng. Còn mùa xuân này, khi chúng tôi trở lại, mọi chuyện đã khác hẳn. Điện lưới đã đầy đủ. Đường nhựa, đường bê tông phẳng lì. Tiếng hát trên tivi, đầu đĩa vang suốt dọc đường vào bản. Trên con đường quanh co, vắt vẻo từ thị trấn Hòa Bình vào xã các loài hoa rừng đang đua nhau khoe sắc xen lẫn màu xanh cây trái. Rộn ràng bàn chân từng đôi trai gái, sương mờ chen bước chân, gió cài vành khăn của cô gái má rực hồng hòa cùng cảnh sắc mùa xuân đang chớm. Từ sáng sớm, trên khắp các nẻo đường, từ trên dốc xuống, từ khe núi ra sặc sỡ sắc màu xanh, đỏ, tím, hồng của váy áo các bà, các mẹ và thiếu nữ các dân tộc. Nhìn xa náo nức như một vườn hoa di động.

Một góc Tam Hợp

Ở giữa cái chợ mọc gần trung tâm xã, tiếng nói cười, mua bán hòa cùng tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi như mời gọi mùa xuân, khi tha thiết, dịu dàng, khi thánh thót vút cao. Chợ những ngày giáp xuân hết sức đa dạng phong phú các loại hàng hóa. Ngoài những mặt hàng thương nghiệp đưa từ dưới xuôi lên, từ huyện lỵ vào phần lớn là các mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng thổ cẩm truyền thống của địa phương. Hàng nông sản bày bán ở chợ đều là tươi non và hấp dẫn; hoa quả, rau xanh, hạt gạo, củ khoai, củ sắn, chè búp sao tay, nấm hương, hạt dẻ, măng rừng, cá suối, thịt lợn, con gà, mật ong... đều do người dân trong vùng tự làm ra để dùng, sử dụng không hết mới đem đi chợ bán.

Ông Sùng Vả Phấu, 64 tuổi, ở bản Phồng, xã Tam Hợp, bảo: “Năm nay, bà con chuẩn bị đón xuân đầy đủ hơn mọi năm vì đời sống của đồng bào bây giờ đã đổi thay nhiều. Tất cả đều nhờ bộ đội biên phòng. Bộ đội không chỉ giữ bình yên cho bản làng, vùng biên giới mà còn giúp đỡ người dân rất nhiều trong phát triển kinh tế...”. Niềm vui về một sắc xuân mới đang thể hiện rõ trong từng đổi thay của đời sống đồng bào nơi đây, như muôn hương sắc mùa xuân đang đua nở trên vùng đất biên cương.

Để có được sự khởi sắc ấy, đồng bào ở đây sẽ không bao giờ quên được người con của bản mang tên Vừ Bá Tủa - cái tên mà già làng đã đặt cho đại úy Nguyễn Cảnh Hà, đội trinh sát Đồn BP 551. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Cảnh Hà đã dành trọn 13 năm để gắn bó với đồng bào nơi đây. Vui buồn, sướng khổ anh đều nếm trải. Anh trở thành thành viên chính thức của bản Huồi Sơn từ những việc làm mang ân tình cá nước, quân dân. Những việc nhỏ nhất từ cây kim, sợi chỉ đến việc lớn như vận động bà con nhân dân khai hoang ruộng lúa nước, không di cư tự do, không buôn bán trao đổi hàng hóa với các đối tượng bên kia biên giới đều có công của anh.

Đón mừng xuân mới, trẻ em ở Huổi Sơn sẽ ấm áp, no lành hơn biết bao nhiêu khi được nhận những tấm áo mới do các cán bộ chiến sỹ của Phòng Bảo vệ chính trị Công an Nghệ An và huyện đoàn, Công an huyện Tương Dương cùng các nhà tài trợ đã tặng. Những món quà nặng nghĩa tình ấy đã mang lại niềm vui cho các em học sinh, nâng bước các em tới trường.

Lửa hồng đã nhen mời gọi mọi người cùng vào đêm hội vui. Điệu xòe của người Thái, điệu Lăm Vông của người Lào, tiếng Khèn của đồng bào Mông Hòa quyện trong mùi thơm của bánh chưng, bánh dày mới vớt. Tình quân dân mặn mà, thơm thảo là đây: Trong gian khó, hoạn nạn có nhau, trong no ấm, niềm vui cùng chia sẻ. Từ đó mối quan hệ đoàn kết trong nhân dân được củng cố và kiện toàn, công tác quốc phòng an ninh, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự được phát huy, thế trận lòng dân luôn vững mạnh. Đó là tiền đề để lực lượng vũ trang Nghệ An và nhân dân các bản làng thắt chặt mối tình quân dân cá nước, sát cánh bên nhau để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Dọc những sườn núi, thỉnh thoảng lại bất chợt hiện lên những thân đào mốc meo, xù xì, cành dày đặc nụ kiêu hãnh. Hàng năm, mỗi độ xuân về, hoa lại tô điểm cho vùng đất biên viễn này những sắc màu rạng rỡ, để mời gọi người người nhộn nhịp kéo đến vui hội xuân. Và, bên bát rượu ngô ấm nồng, những câu chuyện chảy mãi không dứt, thổi vào hồn người tình yêu thương, sự đoàn kết và thủy chung, có vui cùng chia, có buồn cùng san sẻ của cộng đồng các dân tộc nơi biên giới.

Và, trên đỉnh Huồi Sơn, bước chân tuần tra của những người lính trẻ trong phiên trực vẫn đang tràn đầy nhiệt huyết và phơi phới sức xuân. Biên giới Nghệ An đang miên man sắc hoa, màu lá. Mùa xuân của đất trời hòa cùng mùa xuân của lòng người và tình yêu biên giới của người chiến sỹ mang hai sắc phục. Họ đang sát cánh bên nhau để giữ cho nơi đây mãi mãi mùa xuân.

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/xa-hoi/doi-song/xuan-ve-tren-dinh-huoi-son-136278.html