Xuân về trên đảo Khỉ 'Hoa quả sơn'

Ở Quảng Ninh, có một hòn đảo mà người dân ở đây vẫn trìu mến gọi bằng cái tên 'Hoa quả sơn'. Tại đây, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện hiến thân cho khoa học, câu chuyện giữa người và khỉ đầy xúc động - hòn đảo có cái tên 'dân gian' là đảo Khỉ, bởi đây là nơi trú ngụ của hàng nghìn con khỉ vàng được chăm sóc, nuôi nấng để hiến thân cho y học, cho sự nghiệp cứu người.

Đảo khỉ

Đảo khỉ

Tự hào là “hoa quả sơn”

Trong việc nghiên cứu, sản xuất hàng loạt sản phẩm vắc-xin đưa ra thị trường, một công việc quan trọng của những nhà khoa học là thử nghiệm trên khỉ, một loài động vật có phân tử mang thông tin di truyền (ADN) gần giống với con người, nếu thành công sau những lần thử nghiệm trên mới được thử nghiệm trên người. Nơi thử nghiệm của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) là đảo Khỉ hay còn gọi là đảo Rều (Quảng Ninh). Nơi đây đã có hàng nghìn con khỉ được tiêm, uống thử nghiệm các loại vắc-xin để rồi những vắc-xin như: Bại liệt, viêm gan A, bệnh tiêu chảy ở trẻ em, viêm đường hô hấp, phòng chống H5N1… được ra đời và đồng hành cùng cộng đồng. Khỉ được thử nghiệm có tuổi đời khoảng 1 năm, được bắt từ môi trường hoang dã và nuôi nhốt ở những khu đặc biệt, được chăm sóc, theo dõi cẩn thận.

Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức ghi nhận Việt Nam là nước đã thành công trong việc thanh toán bệnh bại liệt. Có được thành công này là do Việt Nam đã nghiên cứu thành công vắc-xin bại liệt trên tế bào thận khỉ Macaca mulatta (khỉ vàng).

Nhắc tới Đảo khỉ là nhắc tới một hòn đảo xinh đẹp, thơ mộng thuộc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Poliovac) trực thuộc Bộ Y tế. Đây là một cơ sở nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu mới về vắc-xin Sabin đạt yêu cầu an toàn về chất lượng, phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nó đã góp công lớn trong việc đưa Việt Nam vào danh sách các nước đã thanh toán thành công bệnh bại liệt. Hiện nay, trên đảo có hơn 1.000 con khỉ là giống khỉ lông vàng đuôi ngắn, có tên khoa học là Macaca Mulallata, mỗi năm chúng cho ra đời khoảng 150 khỉ con. Khỉ thường sống theo đàn khoảng 30 - 50 con/đàn.

Trước đây, nguồn cung ứng giống khỉ vàng của Trung tâm chủ yếu vẫn dựa vào việc thu mua khỉ tại các vùng ven biển Quảng Ninh, tuy nhiên nhiều khi không chủ động được về nguồn nguyên liệu, số lượng vắc-xin không đồng đều. Chính vì vậy, lãnh đạo ngành Y tế đã quyết định phải chọn được một hòn đảo chỉ chuyên nuôi khỉ để phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Vào năm 1960, lãnh đạo ngành Y tế khi đi nghiên cứu địa hình, thấy hòn đảo Rều này rất phù hợp cho việc nuôi khỉ bởi diện tích vừa phải, không có dân cư sinh sống đông đúc xung quanh, lại gần đất liền nên đi lại thuận tiện... Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã quyết định chọn đây là nơi dành riêng để chuyên nuôi khỉ, phục vụ việc thử nghiệm y học cứu người.

Ở đảo Rều, khỉ được sống và sinh sản theo điều kiện tự nhiên, không có bàn tay tác động của con người. Các cán bộ trên đảo chỉ tác động về môi trường để khỉ có điều kiện phát triển tốt nhất. Ngoài ra, vấn đề an ninh cho những chú khỉ vàng ở đây cũng được đảm bảo tuyệt đối. Mọi sự ra vào đảo đều phải có sự cho phép của Trung tâm hay lãnh đạo Bộ Y tế.

Riêng chế độ dinh dưỡng của khỉ phải chú ý tùy theo mùa. Mùa tình yêu phải cho ăn hoa quả nhiều hơn bình thường (thường mùa tình yêu của khỉ vào khoảng tháng 8 âm lịch). Chu kỳ mang thai của khỉ là 6 tháng. Vào mùa sinh sản cũng phải chú ý cho ăn nhiều hoa quả hơn bình thường để khỉ cái có chất cho con bú. Hoa quả ăn theo mùa nào thức đấy: Mùa mía cho ăn mía đen, mía thuốc; dưa hấu, cam, ổi xanh, chuối xanh..., trong đó, giống khỉ vàng thích ăn nhất là chuối xanh và trứng gà.

Sự sống hồi sinh từ những chú khỉ

Trước kia, khi khoa học còn chưa phát triển, mỗi năm, các nhà nghiên cứu phải dùng khoảng 300 con khỉ để sản xuất, điều chế ra một loại vắc-xin tương ứng. Nhưng từ khi các cán bộ trong ngành được cử đi học nước ngoài, cộng với đó là Việt Nam đã nhập những công nghệ máy móc hiện đại của nước ngoài về nên số lượng khỉ đỡ bị tiêu tốn hơn mà lượng vắc-xin vẫn sản xuất đủ, thậm chí còn nhiều hơn. Bây giờ, một năm chỉ dùng khoảng 100 con khỉ cho nghiên cứu vắc-xin.

Những chú khỉ đủ tiêu chuẩn được lựa chọn tiến hành nghiên cứu nằm trong độ tuổi 1,5 - 2 năm tuổi, cân nặng từ 1,5 - 2kg và thường chọn khỉ đực để nghiên cứu vì khỉ cái còn dùng để sinh sản. Trung bình khỉ đẻ 1con/lứa, khi còn sung sức thì 1 năm/1 lứa, sau đó thì cứ 2 - 3 năm/lứa. Một khỉ cái một cuộc đời chỉ đẻ được từ 7 - 10 lứa. Tuổi thọ trung bình của khỉ vàng là khoảng 30 tuổi. Khi 4 tuổi là những chú khỉ bắt đầu vào tuổi tình yêu. Chúng sống theo từng bầy, mỗi bầy có một khỉ chúa.

Đảo Rều Đất nuôi khỉ rộng 22ha, đối diện là đảo Rều Đá rộng 18ha dùng để nhốt khỉ, theo dõi sau khi tiêm vắc-xin. Đây là nơi lấy máu, chắt ra huyết thanh gửi về Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế để chẩn đoán. Các cán bộ ở đây có nhiệm vụ theo dõi diễn biến, ghi chép đầy đủ và thông tin trực tiếp về sức khỏe những con khỉ ở đây.

Điều kiện thí nghiệm phải là động vật sạch, không mắc bệnh và không được tiêm bất kỳ một loại vắc-xin nào, do đó phải cách ly hoàn toàn ở hai đảo khác nhau. Tùy theo từng cuộc thí nghiệm mà thời gian cách ly cũng khác nhau, có những đợt khoảng 2 - 3 tháng, có những đợt từ 5 - 10 tháng.

Qua hơn 50 năm tồn tại, đảo Rều Đất được đánh giá là một cơ sở chăn nuôi loài khỉ Macaca Mulata độc nhất thực sự quý giá. Các nhà khoa học quốc tế cũng đánh giá cao về cơ sở chăn nuôi này và nó càng có giá trị lớn trong tương lai khi đàn khỉ tự nhiên đang bị săn bắt nhiều.

Lịch sử phát triển công nghệ sinh học ở nước ta sẽ mãi ghi công những người đang lao động vất vả và thầm lặng trên “đảo Khỉ”, hòn đảo xinh đẹp nhưng cũng chứa đựng đầy hy sinh gian khổ này. Thành công bước đầu mà “Hoa quả sơn” đã đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Việt Nam là thế giới đã ghi danh Việt Nam là một trong những nước thanh toán thành công bệnh bại liệt.

LÊ MINH

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/xuan-ve-tren-dao-khi-hoa-qua-son-d20874.html