Xuân về, nhớ nhà ngoại giao tài ba làm nên 'dấu ấn Paris' lịch sử

Nói đến Hội nghị Paris về Việt Nam, không thể không nhắc tới nhà thương lượng tài ba Xuân Thủy Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Suốt quá trình đàm phán tại Paris, trong khi Mỹ đã phải 4 lần thay đổi trưởng đoàn, đồng chí Xuân Thủy vẫn được Đảng và Nhà nước tín nhiệm trao trọng trách Trưởng đoàn từ đầu đến cuối cuộc đàm phán…

Sinh trưởng trong một gia đình nho giáo, có truyền thống yêu nước tại thôn Hòa Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, với hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp của Bộ trưởng Xuân Thủy rất phong phú, đa dạng và sôi động. Bị địch bắt tra tấn dã man, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết kiên cường của người cộng sản. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng và trở thành một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có uy tín của Đảng và Nhà nước. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, ông trải qua nhiều cương vị, đảm đương những trọng trách quan trọng…

Ở mọi cương vị, chức trách, ông đều có sự đóng góp xứng đáng, để lại ấn tượng sâu sắc và những tình cảm tốt đẹp, đặc biệt là trên vai trò của một nhà ngoại giao, với dấu ấn tại Hội nghị Paris, như lời nhận xét của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tên tuổi của ông gắn liền với quá trình đàm phán sôi động, đầy cam go của Hội nghị Paris về Việt Nam từ năm 1968 -1973, được bạn bè quốc tế vinh danh là Bộ trưởng với nụ cười chiến thắng”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng viết về ông: “Anh là một nhà ngoại giao nổi tiếng nửa cuối thế kỷ 20. Anh là một chính khách Việt Nam, một nhà hoạt động xã hội Việt Nam có tên tuổi trên chính trường quốc tế từ những năm 50 của thế kỷ qua”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người từng đồng hành cùng ông trong quá trình đàm phán tại Paris cũng dành những lời ngợi khen: “Với tài năng và bản lĩnh thể hiện trong công tác vận động quần chúng, đồng chí Xuân Thủy đã phát huy sang lĩnh vực ngoại giao một cách nhuần nhuyễn. Đối với đối phương, đồng chí có thái độ đàng hoàng, tự tin nhưng nội dung đối thoại sắc bén, đập lại những luận điệu xuyên tạc, làm sáng tỏ lập trường chính nghĩa của ta, làm đối phương khó đáp lại, và nhiều khi họ phải chọn cách im lặng”.

 Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy (người đang phát biểu )- Trưởng đoàn Việt Nam đàm phán tại Paris năm 1968

Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy (người đang phát biểu )- Trưởng đoàn Việt Nam đàm phán tại Paris năm 1968

Ông đã vận dụng sáng tạo sách lược “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, phối hợp chặt chẽ giữa hai miền Nam-Bắc trong đàm phán, hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Suốt quá trình đàm phán “maratông” tại Paris, trong khi Mỹ đã phải bốn lần thay đổi Trưởng đoàn, ông luôn được Đảng và Nhà nước tín nhiệm giao trọng trách Trưởng đoàn từ đầu đến cuối. Những năm tháng tại Paris càng làm toát lên trí tuệ và nhân cách Xuân Thủy trong cuộc đấu trí đầy cam go với đối phương. Nền ngoại giao hòa hiếu của dân tộc Việt Nam và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã được ông tiếp thu hết sức nhuần nhuyễn với tâm niệm “làm ngoại giao không cần đao to búa lớn, mà cần sự thuyết phục bằng lý lẽ, bằng tình cảm và bằng thực tế”. Đặc biệt, tài làm báo và kinh nghiệm trong công tác mặt trận đã được ông sử dụng như những vũ khí lợi hại, kết hợp tuyên truyền đối ngoại với ngoại giao nhân dân và ngoại giao Nhà nước thành sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh ngoại giao.

Cho đến nay, nhiều người còn nhớ chính ông là Chủ tịch Hội Nhà báo đầu tiên của đất nước độc lập, tự do của ta. Từ những năm 41, 42 của thế kỷ trước, trong nhà tù Sơn La, ông và mấy bạn tù đã sáng lập tờ báo Suối reo và gửi tặng độc giả mấy lời tâm huyết khi ra mắt:

Phóng viên báo chí quốc tế theo dõi phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy

Thu sang hoa cỏ già rồi

Suối reo lên để cho đời trẻ trung

Thu sang non nước lạnh lùng

Suối reo lên để cho lòng ta vui!

Từ đáy lòng, ông tin tưởng vào cách mạng, vào tương lai tươi sáng muốn truyền niềm tin ấy cho độc giả Suối reo. Sau ngày Cách mạng thành công, Xuân Thủy trở thành Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Cứu quốc ra hằng ngày.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 ngày sinh của ông, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Bộ Ngoại giao vô cùng vinh dự, tự hào được Bộ trưởng Xuân Thủy trực tiếp lãnh đạo một trong những giai đoạn lịch sử hào hùng nhất của dân tộc. Đồng chí Xuân Thủy đã để lại nhiều dấu ấn vô cùng quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, trong đó có công tác xây dựng ngành”.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, những lĩnh vực đối ngoại mà ông từng trực tiếp chỉ đạo, dẫn dắt, nay đã trở thành các trụ cột quan trọng nhất của nền ngoại giao hiện đại của Việt Nam, đó là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Học tập và tiếp thu trí tuệ, kinh nghiệm của ông, nhiều cán bộ ngoại giao xuất sắc của ngành đã trưởng thành, đi lên, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc đàm phán Paris về Việt Nam là cuộc đàm phán hòa bình gay go nhất thế kỷ XX; là tâm điểm đối chọi giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Thắng lợi của đàm phán Paris và Hiệp định Paris đã buộc quân đội Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo thế và lực mới thống nhất đất nước. Quá trình đàm phán ở Paris và Hiệp định Paris là chiến thắng của một nền ngoại giao non trẻ nhưng đầy chính nghĩa và mưu lược của cách mạng Việt Nam, trong đó ghi đậm dấu ấn Bộ trưởng Xuân Thủy.

Minh Duyên

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/thoi-su/tieu-diem/xuan-ve-nho-nha-ngoai-giao-tai-ba-lam-nen-dau-an-paris-lich-su-18039.html