Xuân mới ở “Trường Sa của Quảng Ninh”

Xuân mới đã về ở Đảo Trần - hòn đảo được mệnh danh là “Trường Sa của Quảng Ninh” là những ngày ấm áp…

Một mùa Xuân nữa lại về với những hòn đảo tiền tiêu nơi đầu sóng của Tổ quốc. Xuân này đối với những đứa trẻ trên đảo Trần - hòn đảo được mệnh danh là “Trường Sa của Quảng Ninh” sẽ là những ngày ấm áp, bởi hành trình đến với con chữ của các em sẽ bớt khó khăn, xa xôi hơn.

Giữa trùng dương mênh mông trên vùng biển Đông Bắc có một lớp học không có tiếng trống trường. Lớp mầm non có 5 học sinh, lớp tiểu học vỏn vẹn có 4 em, với 3 học sinh lớp Một và chỉ 1 học sinh lớp Ba.

Một giờ học âm nhạc sôi động của các bé lớp mẫu giáo trên đảo

Đó là lớp học đặc biệt trên đảo Trần (thuộc xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô) - hòn đảo tiền tiêu nằm xa bờ nhất của Quảng Ninh, chỉ cách đường phân định vịnh Bắc bộ chừng 4-5km, cách đất liền gần nhất hơn 25km.

Tết này là Tết thứ hai của phần lớn các công dân tí hon trên đảo, bởi đây cũng là năm thứ hai của đề án di dân ra đảo Trần, nơi trước kia chỉ có các đơn vị quân đội, trạm hải đăng và duy nhất một gia đình sinh sống. Tháng 10/2014, 15 gia đình thanh niên đã vượt sóng chọn nơi này làm quê hương, không điện lưới, hiếm nước ngọt, lấy nghề biển đánh bắt hải sản làm kế sinh nhai và quyết tâm xây dựng một cuộc sống mới.

Nhưng những đứa trẻ của đảo không chỉ khát nước ngọt mà còn khát chữ. Nước ngọt nay đã đủ đầy và cùng với ngôi nhà mới được hỗ trợ cho dân đảo, lớp học cũng được dựng lên. Đảo thưa người, trẻ em ở độ tuổi đến trường đếm trên đầu ngón tay. Lớp phải ghép học sinh, tấm bảng cũng chia đôi, bàn ghế, thiết bị dạy và học đơn sơ nhưng gọn ghẽ. Ngày ngày, tiếng đọc bài ê a vẫn vang lên cùng tiếng sóng vỗ biển khơi.

Lớp học là một trong số những căn nhà được xây dựng cho dân đảo, nằm kề bên bờ biển

Cô giáo Hoàng Thị Huyền (SN 1988), người đã viết đơn tự nguyện ra công tác tại đảo hơn 1 năm trước chia sẻ: “Khi mới ra đây mình rất bỡ ngỡ, đến bây giờ mình vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên đặt chân lên đảo Trần, rất hoang sơ, chỉ có mười mấy nóc nhà thôi. Sau một thời gian thì mình cũng dần dần thích ứng được. Đầu tiên đa số các cháu chưa ra trường ra lớp bao giờ, lại quen với sinh hoạt trước đây trên bến dưới thuyền, nên cũng rất khó khăn trong việc vận động các cháu đi học đều, thường xuyên, phải rèn nề nếp cho các cháu”.

Thiếu nhu yếu phẩm, sinh hoạt bất tiện, tàu về đất liền hiếm hoi, nhưng rồi tất cả những khó khăn ấy cũng xếp lại đằng sau khi hai cô giáo dần gắn bó với đảo. Những đứa trẻ miền biển có đôi mắt đen nháy và gương mặt nhuộm màu gió biển ngây thơ, đáng yêu được các cô coi như con mình.

Sau thời gian đầu phải vận động từng nhà, giờ đây, việc học hành đã được phụ huynh quan tâm nhiều hơn. Lũ trẻ luôn rủ nhau đi học đầy đủ, có khi chỉ vì những lý do giản đơn, muốn gặp cô giáo, muốn chơi đùa cùng chúng bạn trên khoảnh sân nhỏ trước cửa lớp.

Những "mầm xanh" trên đảo Trần sẽ có ngôi trường mới trong năm mới này

Chị Hoàng Thị Ngọc, người mẹ có hai đứa con đang theo học tâm sự: “So với đất liền thì không bằng các bạn được, thiếu thốn đủ thứ. Nhưng các cô cũng tận tình, con em tiến bộ hơn nhiều. Có mấy chị em ở đây cũng như làng xóm gần gũi nhau lắm, thường xuyên hỏi thăm, đi đâu cũng có cô, có trò và phụ huynh. Ngày nọ ngày kia ăn gì cũng có nhau hết”.

Biết các cô xa gia đình, đi lại vất vả, đôi khi họ lại dúi cho mớ cá, chia cho gói bánh vừa mang từ đất liền về. Chính tình cảm ấy đã níu chân các cô ở lại. “Sắp tới, nếu điều kiện cho phép thì mình vẫn muốn gắn bó với đảo”, hai cô giáo tâm sự. Rồi các cô khoe, năm nay, xóm đảo quây quần cùng gói bánh chưng, Tết này vui lắm.

Nhưng có một niềm vui còn lớn hơn, đó là mùa Xuân này, ngôi trường mới của đảo Trần sẽ được hoàn thiện. Ngôi trường lớn 3 tầng khang trang tựa lưng vào núi, được trang bị đầy đủ với các lớp học, các thiết bị như trên đất liền. Hành trình “gieo chữ” nơi đảo xa đã có thêm sự trợ giúp của Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng),cùng các đơn vị công binh góp sức xây dựng.

Chị Nguyễn Thị Cảnh, hộ dân đầu tiên trên đảo vui mừng bảo: “Sang năm mới thì ngôi trường hoàn thiện, cơ sở vật chất tốt hơn, có giáo viên thêm sang, điều kiện học hành cũng đầy đủ hơn thì các cháu học hành sẽ tốt hơn. Tương lai ngôi trường xây xong thì các cháu không bị thiệt thòi như trước nữa”.

Sau giờ học, các cô giáo và người dân đảo lại cùng quây quần trò chuyện

Năm 2016, dự án đưa điện lưới ra đảo Trần cũng được tỉnh Quảng Ninh triển khai. Trường học mới có điện sáng sẽ là ngôi trường mơ ước của những đứa trẻ sống giữa biển khơi. Còn với cha mẹ các em, mơ ước cho năm mới cũng thật giản đơn, mong cho cuộc sống đủ đầy, khấm khá hơn trước. Ngày Tết, chỉ cần có tấm bánh chưng, thấy lũ trẻ khoe nhau tấm áo mới trong nụ cười rạng rỡ là lúc nào cũng thấy như “mùa Xuân đầu tiên” đang về.

Ngoài sân, lũ trẻ lao xao chào người lính biên phòng vừa vào thăm, rồi lại nắm tay nhau ùa ra sân vui đùa, tiếng cười như vang mãi trên trập trùng mặt sóng. Với ngôi trường mới, một mùa xuân mới sẽ đến với các em, mang sức sống nuôi dưỡng những mầm xanh đầu tiên đã gieo trên đảo Trần.

Để các em lớn lên trở thành rừng dương bên sóng cả, vững chãi như cột cờ chủ quyền, như lá cờ Tổ quốc đang tung bay trên hòn đảo tiền tiêu của quê hương./.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/xuan-moi-o-truong-sa-cua-quang-ninh-477946.vov