Xuân ấm nơi biên cương cực bắc

Sau đợt rét đậm kéo dài, đất trời Hà Giang hửng nắng. Hoa đào, hoa mận bừng nở khắp các sườn núi báo hiệu một mùa Xuân mới đã về.

Thiếu nữ Mông ở Lũng Pù (Mèo Vạc) chơi các trò chơi dân gian trong dịp Tết sớm.

Nơi biên cương, những người lính biên phòng vững tâm, chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, người dân vùng biên phấn khởi đón Tết trong niềm tin vào một năm mới no ấm.

Những ngày cuối tháng Giêng, khi hoa đào bắt đầu hé nở trên sườn núi đá, đó là thời điểm bà con người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đón Tết sớm. Theo quan niệm và cách tính lịch của đồng bào dân tộc Mông, mỗi năm Âm lịch cứ tính đủ 365 ngày là ăn Tết. Đây cũng là thời điểm lợn, gà nuôi đủ lớn; ngô, lúa vụ mùa mới thu hoạch xong, Tết sớm của đồng bào Mông nơi địa đầu Tổ quốc thường kéo dài hàng tháng.

Chúng tôi theo chân Bí thư Đảng ủy xã Lũng Pù (Mèo Vạc) Nguyễn Minh Thuận xuống thôn Lũng Lử A đón Tết cùng nhân dân. Đây là thôn xa có 65 hộ, 100% là đồng bào Mông sinh sống. Bí thư Thuận cho biết, ngoài việc đón Tết sớm, đồng bào Mông ở vùng cao Hà Giang còn ăn Tết theo dòng họ, mỗi dòng họ tổ chức theo từng ngày khác nhau, nên thời gian khá chênh lệch. Năm nay, dòng họ Sùng ở Lũng Lử A đón Tết sớm nhất.

Căn nhà chình tường vững chãi trên lưng chừng núi của gia đình anh Sùng Mí Nà nhộn nhịp hơn thường ngày, anh em, họ hàng khắp các thôn gần, bản xa đến chung vui đón Tết cùng gia đình. Từ sớm tinh mơ, những trai tráng giúp mổ lợn, chị em phụ nữ giúp đồ mèn mén, rượu ngô được đong đầy chai…

Gia đình anh Sùng Mí Na, thôn Lũng Lử A, xã Lũng Pù (Mèo Vạc) mổ lợn ăn Tết sớm theo phong tục người Mông.

“Trước kia, gia đình mình khó khăn, Tết chỉ có rượu ngô nhắm với mèn mén và ít thịt mỡ mua ngoài chợ. Mấy năm gần đây, nhờ sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, gia đình mình có vốn để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cây ngô trên nương được bón phân, thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất cao hơn. Cuộc sống nay không còn vất vả nên Tết này gia đình mình quyết định môt con lợn gần tạ mời anh em, họ hàng đến chung vui. Ở Lũng Lử A năm nay nhà nào cũng mổ lợn, nhộn nhịp, vui vẻ hơn xưa”, anh Sùng Mí Na thật thà tâm sự.

Giống như phong tục của người Kinh dưới xuôi, trong Tết sớm ở vùng cao Hà Giang, trẻ nhỏ được bố mẹ dẫn đến các gia đình chúc Tết; thanh niên xúng xính trong những bộ quần áo mới trẩy hội trên những con đường quanh xóm, chơi những trò chơi dân gian.

Ngay trung tâm xã Lũng Pù, tôi gặp một nhóm nam thanh, nữ tú sặc sỡ váy áo truyền thống đang chơi tung còn, một trò chơi truyền thống của đồng bào Mông. Bẽn lẽn nép sau lưng bạn, Thò Thị Sinh bảo, nhóm bạn cùng chơi đều là học sinh tại trường THCS xã Lũng Pù. Được nghỉ ăn Tết sớm, có bạn nhà đang đón Tết, có bạn mấy hôm nữa nhà mới mổ lợn đón Tết nhưng bọn em hẹn ngày nắng đẹp cùng nhau đến đây chơi”.

Hà Giang, mảnh đất phên dậu cực bắc của Tổ quốc, có hơn 20 dân tộc sinh sống. Dẫu còn khó khăn, gian khổ, nhưng với tinh thần đoàn kết, vượt khó cùng sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của đồng bào vùng cao ngày thêm khấm khá. Tính đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 17 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn gần 18%. Vui nhất là đồng bào vùng cao Hà Giang đã tự chủ được lương thực, không còn hộ thiếu đói giáp hạt, tỉnh không phải xin gạo cứu đói của Chính phủ…

Tạm biệt Lũng Pù, ngược về Quản Bạ, huyện cửa ngõ trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Chúng tôi vào Đồn biên phòng Nghĩa Thuận, giữa không khí vui vẻ đón Tết sớm của đồng bào dân tộc Mông, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cũng đang khẩn trương triển khai kế hoạch bảo đảm tình hình an ninh trật tự và chuẩn bị chu đáo cho anh em đón Tết, vui Xuân an toàn, tiết kiệm.

Thiếu tá Lê Văn Huân, Đồn phó Đồn biên phòng Nghĩa Thuận tâm sự, khi mọi nhà quây quần đón Tết là thời điểm cán bộ, chiến sĩ biên phòng cần vững tâm, thường trực sẵn sàng chiến đấu nhằm bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên tuyến biên giới và trong nội địa. Tết là thời điểm nhân dân hai bên thường xuyên qua lại thăm thân, việc tăng cường tuần tra, kiểm soát được thực hiện nghiêm túc, vừa tạo điều kiện cho bà con qua lại thăm thân thuận lợi nhưng cũng phải chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước. Đồn cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dung, nhất là cảnh giác với các thủ đoạn của bọn mua bán phụ nữ, trẻ em.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Nghĩa Thuận (Hà Giang) trang hoàng đơn vị chuẩn bị đón Tết.

Biên cương ngày cuối năm, trong tâm trí của người lính, nhất là lính trẻ, luôn thường trực nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Do đó, để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đón Tết trong không khí gần gũi, thân mật, đầm ấm, Đồn Nghĩa Thuận triển khai kế hoạch đón Tết chu đáo. “Mỗi người một quê, nên để cán bộ, chiến sĩ có không khí Tết gần gũi, Đồn Nghĩa Thuận tổ chức tất niên sớm và trang hoàng đơn vị. Từ việc đi chặt cành đào phai trên núi, bày mâm ngũ quả, thịt lợn, thịt gà, gói bánh chưng đều do anh em trong đơn vị làm, mỗi người một việc, ai cũng phấn khởi, vui vẻ”, Thiếu tá Lê Văn Huân cho biết.

Đồn biên phòng Nghĩa Thuận tăng gia sản xuất bảo đảm lương thực.

Bác Nguyễn Văn Sót, nhà ở thành phố Hà Giang, lên thăm con là binh nhì Nguyễn Văn Duy. Chỉ huy Đồn trực tiếp mời cơm gia đình chiến sĩ. Mâm cơm đầy đủ dưa hành, bánh chưng, mọi người trò chuyện thân tình, vui vẻ. “Ông nội cháu Duy là chiến sĩ Điện Biên, bản thân tôi là lính tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nên hiểu vai trò, trách nhiệm của người lính. Tôi lên đơn vị thăm cháu và cũng để động viên cháu vững tâm đón Tết nơi biên cương, hoàn thành nhiệm vụ của người lính. Tôi rất vui vì Tết ở đơn vị cháu Duy cũng đủ đầy, ấm cúng như trong gia đình”, bác Sót cho biết.

Tết đến, Xuân về, tình quân dân nơi biên cương thêm gắn kết. Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận Sùng Văn Sinh triển khai đến các đoàn viên trong đơn vị kế hoạch phối hợp với Đoàn thanh niên xã Nghĩa Thuận và Bát Đại Sơn (địa bàn đồn quản lý) tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong dịp Tết Nguyên đán. Các hoạt động phối hợp giữa thanh niên trong đơn vị và đoàn viên, thành niên các xã được thực hiện không chỉ trong dịp Tết Nguyên đán mà trong nhiều dịp khác như tham gia mở đường liên thôn, xây dựng nông thôn mới. Đêm giao thừa Tết Bính Thân, cán bộ, chiến sĩ đồn cùng đoàn viên, thanh niên xã Nghĩa Thuận tổ chức văn nghệ, hái hóa dân chủ - tình quân dân nơi biên cương thêm gắn kết.

Chia tay Cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi cảm thấy ấm lòng từ tình quân dân gắn kết và sự đổi thay trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên vùng đất còn nhiều gian khó. Một mùa Xuân thực sự đã về miền cực bắc thiêng liêng của Tổ quốc.

* “Huyện Quản Bạ chỉ đạo các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện kế hoạch chăm lo Tết cho nhân dân với phương châm “Người người, nhà nhà có Tết”, đồng thời hỗ trợ vật chất cho các lực lượng chức năng trực sẵn sàng chiến đấu, trong đó có hai đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn nhằm giúp các đơn vị chăm lo đầy đủ đời sống cho cán bộ, chiến sĩ dịp Tết”, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ Nguyễn Hồng Hải.

* “Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cho bộ đội đón Tết. Chi đoàn các đơn vị phối hợp với đoàn thanh niên địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm tạo bầu không khí vui tươi, lành mạnh, gắn kết tình quân dân. Với phương châm “Vui Xuân mới không quên nhiệm vụ”, các đơn vị thực hiện nghiêm túc chỉ thị sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm quân số, triển khai kế hoạch bảo vệ Tết Bính Thân cho nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn”, đồng chí Hoàng Đình Xuất, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang.

Xem thêm >>> Xuất hành đầu năm 2016: Ngày nào là 'đẹp' nhất?

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/xuan-am-noi-bien-cuong-cuc-bac-212578.html