Xuân ấm cho trẻ em làng SOS

NDĐT- Tại làng trẻ em SOS Hà Nội, hiện có hơn 200 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt đang sống. Mỗi dịp Tết đến, các em lại nhận được sự quan tâm, yêu thương của nhiều cá nhân và cộng đồng.

Những em bé ở làng SOS Hà Nội (Ảnh: Làng SOS Hà Nội).

207 cuộc đời nhỏ

Ông Nguyễn Văn Sinh, giám đốc làng trẻ em SOS Hà Nội, cho biết, làng hiện có 16 gia đình, với 207 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn từ hai tuổi đến 18 tuổi. Mỗi em nhỏ có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi được đón về chăm sóc tại đây, mọi người luôn cố gắng tạo dựng một không khí gia đình đầm ấm để bù đắp phần nào những thiệt thòi của các em.

Tại làng trẻ em SOS Hà Nội, đối tượng trẻ mồ côi chiếm khoảng 25%, trẻ em bị bỏ rơi 25%, còn lại là trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng, như cha mẹ phải thi hành án tù, ốm đau, hoặc người thân của em không có khả năng nuôi dưỡng. Nhiều em bé tới từ những địa phương khá xa như Thanh Hóa, Thái Nguyên, còn khoảng 80% là trẻ em của địa bàn Thủ đô.

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm nay, ngân sách hỗ trợ mỗi gia đình của làng 1,4 triệu đồng, và 100 nghìn cho mỗi cháu. Tuy nhiên, làng SOS Hà Nội sẽ cố gắng vận động để có thêm những món quà ngày xuân thêm cho các cháu.

Theo quy định, các con của làng sẽ ở lại sum họp cùng gia đình ở đây. Tuy nhiên, dù đa số các em là trẻ mồ côi, hoặc trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng nếu người thân của trẻ muốn đón các em về ăn Tết, làng cũng tạo điều kiện đưa các em về đoàn tụ.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã gửi quà Tết cho các em. Một số trường học trên địa bàn cũng đến đón Tết cùng các bé có hoàn cảnh thiệt thòi.

Ngô Thị Bình, em bé nhỏ tuổi nhất của làng SOS Hà Nội.

Điều ấn tượng ở làng SOS Hà Nội là mỗi gia đình - hay ngôi nhà - đều mang tên các loài hoa. Trong ngôi nhà Hoa Phượng của mẹ Nguyễn Thị Thành, không khí Tết đang tới gần. 53 tuổi, mẹ Thành đã có 25 năm gắn bó với làng SOS. Mái nhà hiện tại của mẹ có mười người con, với những hoàn cảnh khác nhau: trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ bị khuyết tật về tâm thần.

Hoa Phượng cũng là ngôi nhà đặc biệt khi có cô bé nhỏ nhất làng đang sống. Bé Ngô Thị Bình năm nay mới hai tuổi, nặng 12 kg. Em mang họ của người đang nuôi dưỡng và chăm sóc mình, dì Ngô Thị Sinh. Bé Bình bị bỏ rơi trước cổng làng ngày 12-2-2012 khi mới vài ngày tuổi, được bảo vệ của làng trẻ phát hiện. Ban giám đốc của làng đã cưu mang, chăm sóc em từ đó tới nay.

Tết này, mẹ Thành cũng gói bánh, bày mâm ngũ quả, tổ chức bữa cơm tất niên vào ngày 23 tháng Chạp cho tất cả thành viên và các con đã trưởng thành về sum họp. Mẹ gói mấy chục chiếc bánh chưng chia cho các con. Năm nay, mẹ cũng không về quê, mà ở lại thắp hương những ngày 30, Mùng một Tết cho ngôi nhà thêm ấm áp.

Bé Dương Thị Ngọc Thương, 15 tuổi, đến từ Thái Nguyên hiện đang học lớp 10 trường PTTH Hermann Gmeiner. Mẹ mất từ khi Thương mới chào đời, bố cũng qua đời sau đó sáu năm. Thương đã sống trong mái nhà Hoa Phượng với mẹ Thành năm năm. Thỉnh thoảng, chỉ có ông nội và cô Thương xuống thăm. Thương còn có một người em họ, bé Nguyễn Mạc Phương Thảo, có hoàn cảnh không may mắn như mình ở trong làng. Có Thảo, Thương cũng đỡ buồn hơn.

Cùng chung hoàn cảnh với Thương là bé Dương Thị Hồng Chơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Năm nay 12 tuổi. Chơn cũng sống trong nhà Hoa Phượng với mẹ Thành gần năm năm. Tết này, Chơn sẽ về sum họp với dì và bác ở quê. Còn những ngày Tết ở làng, Chơn đi chơi với các bạn, chúc Tết các “ngôi nhà hoa” khác.

Ươm mầm hy vọng cho trẻ thiệt thòi

Những em bé của ngôi nhà Hoa Phượng.

Bà Trần Thị Kim Dung, Phó Giám đốc quốc gia của làng trẻ em SOS Việt Nam, chia sẻ, gần 1.400 em lớn lên từ mái ấm của các làng SOS tại Việt Nam đã trưởng thành, lập gia đình, có cuộc sống khá ổn định - kết quả đó đã nói lên thành công của mái ấm SOS - nơi nhiều em bé không may mắn đã “viết” thành công bao câu chuyện hy vọng cho cuộc đời của chính mình.

Bà Dung cho biết, toàn quốc hiện có 16 làng SOS trải đều khắp ba miền. Các địa chỉ này chủ yếu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa theo mô hình dựa trên nền tảng gia đình, với bốn nguyên tắc sư phạm: bà mẹ, anh chị em, mái ấm gia đình, cộng đồng làng.

Mỗi làng SOS hiện có từ 20 - 22 nhà. Hai nơi mới nhất là làng SOS Thái Bình và Plây Cu năm nay đã bắt đầu đón trẻ. Hệ thống làng SOS Việt Nam, hiện đang chăm sóc 1.769 em, còn số trẻ hưởng hỗ trợ về mặt tài chính là hơn 2.500 em. Hệ thống làng trẻ em SOS Việt Nam còn có lưu xá thanh niên, dành cho các em trai từ 15 tuổi trở lên sống tự lập.

Mỗi gia đình ở làng trẻ SOS có một người mẹ chăm sóc, nuôi dạy thường xuyên từ 8-10 trẻ. Ngoài ra, các em được theo học tại hệ thống trường phổ thông Hermann Gmeiner liên cấp từ tiểu học đến THPT. Hằng năm, các trường Hermann Gmeiner tiếp nhận hơn 10 nghìn học sinh học tập, trong đó có 80-85% học sinh đến từ cộng đồng dân cư quanh trường, 15-20% học sinh đến từ các làng trẻ em SOS.

Khi đã trưởng thành, các em nhỏ đặc biệt của làng có thể theo học tại trường trung cấp nghề Hermann Gmeiner, dạy các nghề điện dân dụng, điện tử, công nghiệp. Hơn 50% tổng số học sinh là con các gia đình nghèo được tổ chức Làng trẻ em SOS Việt Nam cấp học bổng toàn phần.

Trong dịp Tết Nguyên đán, các em được nhận được chính sách hỗ trợ như nhau, với nguồn tài chính khoảng 1,4 triệu đồng cho mỗi gia đình, các mẹ sẽ tự cân đối sắm Tết cho các con. Mỗi tháng, các cháu lớn được hỗ trợ tiền ăn 550 nghìn đồng, các bé nhỏ hơn là 520 nghìn. Kinh phí Tết năm nay cho mỗi gia đình đã tăng hơn. Ngoài ra, làng cũng thực hiện chính sách xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực trong cộng đồng. Ngân sách một số địa phương cũng hỗ trợ thêm giúp các em đón một cái Tết đầm ấm.

Nói về không khí Tết của các em tại những làng SOS, chị Dung nhận xét, ban giám đốc và các mẹ ở làng luôn cố gắng mang không khí năm mới cho những em bé đặc biệt. Cũng như bao trẻ em khác, các bé cũng náo nức tham gia chuẩn bị ngày Tết như bày mâm ngũ quả, gói bánh chưng, nấu cơm tất niên… vui sướng khi nhận lì xì, quần áo mới. Ngày 23 tháng Chạp luôn là thời điểm đặc biệt của những “mái nhà hoa”, khi các con lớn của nhà thường trở về chung vui cùng mẹ và các em. Tùy theo phong tục mỗi vùng, các mẹ cũng chịu khó làm những món đặc sản cho các con như gói bánh chưng, thịt bò khô, dưa món… Ngày mùng một Tết, các gia đình thường đi chúc Tết lẫn nhau. Ngoài ra, cả gia đình có thể tới công viên, hoặc về chúc Tết quê ngoại của mẹ.

Các mẹ của làng thường là người đơn thân, không bị ràng buộc về hôn nhân, gia đình nên các chị dành gần như toàn bộ tình thương cho các con ở làng. Trên hết, họ có lòng yêu thương trẻ, tự nguyện làm việc và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi. Các mẹ cũng hưởng lương, đóng bảo hiểm xã hội.

Làng cũng có ngân sách dành cho hai dịp đặc biệt là Tết Nguyên đán và Trung thu. Từ hai năm nay, ngân sách tiền Tết cho các em cũng tăng hơn một chút. Có nhiều địa phương như Nghệ An, Đà Nẵng rất tích cực hỗ trợ Tết cho các con.

Bài và ảnh: LÊ NGÂN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/nhan-ai/item/22168202-xuan-am-cho-tre-em-lang-sos.html