Xử phạt vi phạm hành chính: Rối rắm !

Một hành vi vi phạm đang được điều chỉnh bởi quá nhiều quy định, mức xử phạt lại “vênh” nhau rất nhiều nên làm giảm hiệu quả răn đe và dễ phát sinh tiêu cực

Thực hiện nếp sống văn minh đô thị, TPHCM cũng như các quận, huyện đều quyết tâm xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường nhưng nhiều địa phương phản ánh do mức xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe nên kết quả không mấy khả quan. Một trường hợp lấn chiếm lề đường để kinh doanh tại quận 10 bị xử phạt theo Nghị định 23 nhưng người bị phạt chưa chấp hành mà làm đơn xin cứu xét. Ảnh: T.Sương Nơi rắn, nơi buông Từ tháng 5-2009, Nghị định 23/2009/NĐ - CP (NĐ 23) bắt đầu có hiệu lực với một số quy định về xử phạt hành vi lấn chiếm lòng lề đường với mức phạt từ 10- 30 triệu đồng. Thế nhưng chưa kịp nhìn thấy hiệu quả của mức xử phạt cao, các địa phương đã phải lúng túng với việc phải chọn giữa NĐ 23 hay NĐ 146 (Nghị định 146/2007/NĐ-CP) vì cả hai cùng có những điều chỉnh về vi phạm trật tự vỉa hè, lòng lề đường. Lấy ví dụ, đổ rác, xả nước thải ra đường không đúng nơi quy định, theo NĐ 146 phạt từ 30.000-50.000 đồng (điểm c, khoản 1, điều 14); trong khi theo NĐ 23 thì hành vi này bị phạt từ 100.000-300.000 đồng (khoản 1, điều 46). Hoặc hành vi chiếm dụng hè phố, lòng đường để đặt biển hiệu, buôn bán vặt, các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông, làm mất mỹ quan đường phố, NĐ 146 quy định phạt tiền từ 50.000-100.000 đồng, thậm chí “Xây dựng nhà, công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ” cũng chỉ phạt tiền từ 3-5 triệu đồng; trong khi khung phạt theo NĐ 23 đối với các hành vi này là từ 20 - 30 triệu đồng (khoản 2, điều 45). Theo ông Trần Văn Hưởng, Chánh Thanh tra Xây dựng quận 10, hiện quận vẫn triển khai NĐ 23 bên cạnh áp dụng mức xử phạt theo NĐ 146 đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Tuy nhiên, các trường hợp bị xử phạt theo NĐ 23 rất ít vì NĐ này có mức xử phạt quá cao. Đối với những vi phạm có quy mô lớn, điển hình như trường hợp buôn bán cây cảnh tại phường 2, quận vẫn xử phạt theo NĐ 23 nhưng phải... đắn đo lắm mới ra quyết định xử phạt. Còn tại quận 6, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Hữu Trí cho biết với mục đích nâng cao tính giáo dục, răn đe đối với người vi phạm, tất cả các vi phạm về trật tự vỉa hè đều được thống nhất xử phạt theo NĐ 23. Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai có thể gặp khó khăn do mức chênh lệch giữa hai NĐ nên UBND quận yêu cầu địa phương và lực lượng Thanh tra Xây dựng chủ động nhắc nhở các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm cũng như công bố mức phạt tương ứng trong vòng 24 giờ để người vi phạm tự nguyện đình chỉ hành vi vi phạm. Dù đã có chỉ đạo kiên quyết như vậy nhưng thông tin từ lực lượng Thanh tra Xây dựng quận 6 cho biết trong 17 quyết định xử phạt (khoảng 430 triệu đồng) trong lĩnh vực lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường theo NĐ 23 mà Thanh tra Xây dựng đề xuất UBND ra quyết định mới chỉ có một quyết định được chấp hành. Vui phạt nhẹ, buồn phạt nặng! Cùng bức xúc về một hành vi vi phạm có quá nhiều quy định điều chỉnh, một thành viên của đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội của TP (đoàn 2) dẫn chứng: Cùng một hành vi che giấu cho hoạt động mại dâm, điểm a, khoản 4, điều 24 NĐ 150/2005/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng; trong khi khoản 1, điều 19 NĐ 178/2004/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10-15 triệu đồng; Đối với hành vi dùng vũ lực bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm, điểm b, khoản 1, điều 19 NĐ 150 phạt tiền từ 10- 15 triệu đồng; trong khi khoản 2, điều 19, NĐ 178 quy định phạt tiền từ 15- 30 triệu đồng... Việc áp dụng quy định nào, khung phạt nào hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể nên chắc chắn không tránh khỏi hiện tượng thiên vị, tiêu cực. “Bên cạnh những người công tâm, suy xét đắn đo mức độ, tính chất vi phạm để áp mức phạt, không thể tránh khỏi tình trạng vui thì kê khung phạt theo NĐ 150, buồn thì dùng NĐ 178 bởi áp dụng quy định nào cũng được!”- vị này nói. Đó là chưa kể biên độ xử phạt quá rộng sẽ không tránh khỏi tình trạng “biết điều” để được xử phạt theo mức thấp. Luật sư Nguyễn Tư Thúc, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc này đòi hỏi cơ chế áp dụng luật thống nhất trên toàn quốc, tránh việc cùng một hành vi vi phạm nhưng mỗi nơi lại áp dụng quy định xử phạt khác nhau. Trường hợp phát hiện văn bản có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật, cá nhân, tổ chức có quyền gửi văn bản kiến nghị, đóng góp với Chính phủ và Bộ Tư pháp rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Không có tính khả thi! Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, bà Ung Thị Xuân Hương, nhận định: Về mức phạt ở khung 20-30 triệu đồng đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh như NĐ 23 là quá nặng nên không có tính khả thi. Tuy luật pháp đã có quy định về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính nhưng chưa có lực lượng chuyên trách để thi hành. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng “lờn” pháp luật. Hiện nay đang tồn tại rất nhiều văn bản cùng xử phạt một hành vi vi phạm hành chính với các mức phạt rất khác nhau khiến cơ quan thực thi gặp lúng túng, dễ dẫn đến tình trạng áp dụng tùy tiện, cả nể hay nhũng nhiễu. Còn người dân bị phạt nặng không phục, dễ dẫn đến khiếu kiện...

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100110104819337p0c1077/xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-roi-ram-.htm