Xử phạt kiểm toán như “phủi bụi”

Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập để trình Chính phủ ban hành để thi hành từ 1/7/2013. Mức xử phạt rất thấp cùng với những vấn đề nóng chưa được đề cập trong dự thảo khiến nhiều nhà đầu tư chưa an tâm.

Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 quy định những sai phạm trong lĩnh vực kiểm toán không chỉ bị xử phạt cảnh cáo, mà có thể bị phạt tiền, rút giấy phép hành nghề, thậm chí xử lý hình sự.

Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 quy định những sai phạm trong lĩnh vực kiểm toán không chỉ bị xử phạt cảnh cáo, mà có thể bị phạt tiền, rút giấy phép hành nghề, thậm chí xử lý hình sự.

Tuy nhiên, đã hơn 1 năm qua, Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này vẫn chưa được ban hành, khiến cho chưa có hành vi vi phạm nào bị phạt tiền hay rút giấy phép hành nghề.

Lý do chậm trễ, theo Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính, bản dự thảo đang được rà soát và lấy ý kiến đóng góp để thống nhất với các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013, quy định mức xử phạt bằng tiền nặng hơn rất nhiều so với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trước đây, tối đa tới 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định lại đưa ra mức xử phạt bằng tiền quá thấp, mặc dù trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp có thể “đi đêm” với kiểm toán “phù phép” biến lỗ thành lãi hàng chục tỷ đồng.

Những thí dụ điển hình về xử phạt bằng tiền quá thấp gồm: hành vi giả mạo, khai man chứng từ kế toán, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán, lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh, bán hàng không lập hóa đơn bán hàng theo quy định... bị phạt chỉ có 20-30 triệu đồng. Trong khi tội giả mạo và khai man thuộc loại tội nặng trong nhiều lĩnh vực khác, có thể bị đi tù.

Tương tự, trong lĩnh vực kiểm toán, hành vi giả mạo, sửa chữa, tẩy xóa giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, cho thuê, cho mượn, cầm cố giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán có thể bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng.

Đáng chú ý là tổ chức kiểm toán đã bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán nhưng vẫn “âm thầm” tiếp tục kinh doanh các dịch vụ chỉ bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng. Đối với hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam nếu có hành vi vi phạm có thể bị phạt từ 20-80 triệu đồng.

Nhiều nhà đầu tư và cổ đông, nhất là các doanh nghiệp niêm yết đặc biệt quan tâm đến quy định rất quan trọng trong dự thảo là những thành viên tham gia cuộc kiểm toán (cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp) thực hiện hành vi thông đồng, móc nối với đơn vị được kiểm toán để làm sai lệch tài liệu kế toán, báo cáo tài chính, chỉ bị phạt từ 20-30 triệu đồng.

Những kiểm toán viên “mất đạo đức” thực hiện kiểm toán cho khách hàng khi khách hàng, đơn vị được kiểm toán có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, trái với yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc trái với quy định của pháp luật cũng chỉ bị phạt 40-60 triệu đồng.

Tuy dự thảo có quy định thêm: Kiểm toán viên còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung như: bị cấm tham gia nhóm kiểm toán, cấm tham gia hoạt động kiểm toán, buộc nộp lại số khoản lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm mà có, nhưng chưa quy định khoản lợi bất hợp pháp cụ thể là gì, tính toán ra sao hay lại phải chờ một thông tư hướng dẫn thi hành nghị định của Bộ Tài chính.

Theo chuyên gia ngành kiểm toán, tháng 3/2013 là tháng các doanh nghiệp niêm yết phải đồng loại công bố báo cáo tài chính năm 2012 đã kiểm toán.

Đặc biệt, năm 2012 có thể là năm “đáy” của khủng hoảng, nên các doanh nghiệp niêm yết muốn có một bản báo cáo tài chính không quá xấu, đẹp hơn một chút thì càng tốt, do đó, tình trạng “đi đêm” giữa kiểm toán và lãnh đạo doanh nghiệp sẽ gia tăng, nhất là việc xử phạt vi phạm theo dự thảo mới mãi tới tận 1/7/2013 mới có hiệu lực thi hành.

Do đó, cổ đông và nhà đầu tư cần “soi” kỹ báo cáo tài chính kiểm toán 2012 để có quyết định đầu tư ít rủi ro nhất, nhất là những vấn đề nóng đã xảy ra trong 2 năm qua như: những khoản phải thu đã quá hạn nhưng công ty niêm yết chưa trích lập dự phòng và đưa ra lý do không có căn cứ xác đáng nhưng kiểm toán có thể lờ đi.

Việc ghi nhận lãi/lỗ từ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại vào cuối năm của doanh nghiệp không theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam có thể “hô biến” lợi nhuận chưa phân phối từ số âm trở thành số dương.

Theo kiểm toán, không ít doanh nghiệp đã không ghi nhận chi phí lãi vay và chi phí bán hàng vào chi phí trong kỳ, mà phản ánh vào khoản mục “chi phí trả trước ngắn hạn” để kết chuyển chi phí trong 6 tháng cuối năm. Trong trường hợp kiểm toán viên không được cung cấp đầy đủ các bằng chứng thuyết phục, kiểm toán cũng có quyền đưa ý kiến lưu ý.

Lưu ý này sẽ được nâng lên thành “ý kiến ngoại trừ” hay “không ý kiến” nếu kiểm toán viên xét thấy khác biệt nghiêm trọng, xảy ra ở những vấn đề quan trọng, có thể đưa đến những thay đổi lớn về kinh doanh, về dòng tiền... ở doanh nghiệp.

Trong những trường hợp này, nếu kiểm toán chỉ đưa ra ý kiến “lưu ý” mà không nâng lên thành “ý kiến ngoại trừ” thì nhà đầu tư cũng không biết đâu là quan trọng hay bình thường, dù đã có kiểm toán.

Những sự dễ dãi, thỏa hiệp với khách hàng, khi không yêu cầu điều chỉnh những bút toán có giá trị cao hơn mức trọng yếu đã xác định, kiểm toán cũng không nêu ý kiến trên báo cáo kiểm toán, đồng thời công ty niêm yết được kiểm toán không tuân thủ nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời thông tin cho kiểm toán sẽ làm cho báo cáo tài chính 2012 bị sai lệch và nhà đầu tư có thể bị đánh lừa, đưa ra những quyết định đầu tư sai lầm.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/20130224115654150p0c7/xu-phat-kiem-toan-nhu-phui-bui.htm