Xử lý chất thải y tế - Nhìn từ mô hình tại Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ (Thái Bình)

Trên cả nước, hiện chưa có bất cứ một bệnh viện, hay cơ sở y tế nào triển khai hoàn chỉnh từ khâu thu gom, phân loại và xử lý toàn bộ chất thải y tế (CTYT), trong khi CTYT được xếp vào nhóm nguy hại hàng đầu cho sức khỏe con người và môi trường. Mô hình xử lý CTYT đang được áp dụng tại Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có chi phí đầu tư không lớn nhưng hiệu quả mang lại rất khả quan, có thể được các địa phương khác tham khảo, nhân rộng.

Hiện toàn quốc có 1.047 bệnh viện, với hơn 140 nghìn giường bệnh và hơn 10 nghìn trạm y tế xã, trung bình mỗi ngày thải ra khoảng 400 tấn CTYT. Theo Viện trưởng Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) Nguyễn Khắc Hải, hầu hết các cách xử lý chất thải rắn y tế hiện nay đều chưa hoàn toàn hiệu quả. Chỉ 1/3 số chất thải rắn y tế được đốt bằng lò đốt hiện đại, có thể đảm bảo an toàn môi trường. Số còn lại được tiêu hủy bằng nhiều hình thức như: thiêu hủy ngoài trời (chiếm 15,3%); đốt bằng lò thủ công (chiếm 13,9%); chôn trong khuôn viên bệnh viện (chiếm 33%); hoặc thải trực tiếp ra môi trường (chiếm 27,2%)… Tất cả các hình thức trên đều không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, nhất là đối với những nơi có đông dân cư sinh sống. Đối với việc xử lý nước thải bệnh viện, hiện nay phần lớn các bệnh viện đều không có trạm thu gom, xử lý mà thường đưa thẳng vào hệ thống nước thải sinh hoạt chung. Chỉ có 1/3 số bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải, nhưng chủ yếu tập trung ở tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và ngành, còn các bệnh viện tuyến huyện hầu như không có hệ thống xử lý nước thải y tế… Để góp phần từng bước giải quyết tốt vấn đề xử lý CTYT, thời gian qua, Viện Công nghệ Môi trường đã nghiên cứu và phát triển xây dựng một số công trình xử lý CTYT nguy hại tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước được các cơ quan quản lý của ngành Tài nguyên và Môi trường, ngành Y tế đánh giá cao. Đó là các loại lò đốt chất thải rắn y tế công suất 5kg và 20kg rác trong một giờ, cùng với các công trình xử lý nước thải y tế công suất từ 50m3 đến 200m3/ngày. Một trong những mô hình dự án như vậy đang được triển khai có hiệu quả tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình hiện đang chịu trách nhiệm đảm bảo sức khỏe cho trên 13 vạn dân. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế tỉnh Thái Bình, một người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ mỗi ngày thải ra khoảng 150g chất thải rắn nguy hại và 1m3 nước sinh hoạt bệnh viện. Với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở địa phương này dự kiến khoảng 1,02%/năm thì đến năm 2020, số giường bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ phải tăng thêm ít nhất 150 giường bệnh. Điều đó cũng có nghĩa là đến năm 2020, lượng rác thải rắn nguy hại sẽ tăng lên 3kg và lượng nước thải y tế cũng tăng thêm khoảng 20m3. Tương ứng với đó, hệ thống cấp nước, hệ thống lò đốt và hệ thống xử lý nước thải y tế của Bệnh viện cũng phải đảm bảo công suất mỗi ngày cung cấp 150m3 nước sinh hoạt, xử lý 20m3 chất thải rắn và xử lý 30-35m3 nước thải y tế. Xuất phát từ những thực tế trên, Dự án “Ứng dụng công nghệ mới, tăng cường các biện pháp quản lý chất thải y tế nguy hại và chống nhiễm khuẩn” đã được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình dưới sự tài trợ một phần kinh phí của Chương trình Nông thôn Miền núi. Bác sĩ Trần Ngọc Tuyền, Giám đốc Bệnh viện, Chủ nhiệm Dự án cho biết: Dự án được thực hiện với bốn nội dung chính: Đốt chất thải rắn y tế nguy hại bằng lò đốt phân hai tầng đáy tĩnh (lò gồm hai buồng: buồng sơ cấp để đốt rác và buồng thứ cấp để đốt khí ở nhiệt độ cao 1050oC. Qua khảo sát và phân tích môi trường không khí tại Phòng thí nghiệm thì lò đốt rác của Bệnh viện đa khoa Quỳnh Phụ đạt tiêu chuẩn về khí thải xung quanh và khí thải lò đốt bệnh viện theo tiêu chuẩn Việt Nam); Xử lý nước thải y tế nguy hại bằng công nghệ lọc sinh học nhỏ giọt cấp khí tự nhiên (theo đó, nước thải được đưa vào hố thu, sang bể chứa-điều hòa, qua hệ bơm, đưa vào tháp keo tụ lắng, tháp lọc sinh học hiếu khí có lớp vật liệu lọc, chuyển sang bể lắng Lamell. Bùn từ bể lắng Lamell được tách riêng vào bể phân hủy bùn yếm khí và được Công ty Môi trường đô thị định kỳ hút. Nước thải được đưa vào bể khử trùng bằng Javen rồi mới thải vào môi trường. Với quy trình này, chất lượng nước thải y tế theo công nghệ do Viện Công nghệ môi trường chuyển giao cho Bệnh viện đạt quy chuẩn Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Công nghệ đơn giản, dễ vận hành, có tính ổn định cao, vốn đầu tư và chi phí vận hành thấp. Chi phí xử lý nước thải y tế nguy hại theo công nghệ này không quá 1.200đ/m3); Công nghệ xử lý nước ngầm nhiễm sắt keo (Trung tâm Phát triển công nghệ cao thuộc Viện Công nghệ môi trường đã áp dụng công nghệ-thiết bị xử lý nước CONTACT để xử lý nguồn nước có hàm lượng sắt cao và dạng keo với công suất 15m3/h. Nước ngầm được xử lý hóa chất để loại bỏ sắt keo, sau đó được khử khuẩn bằng Javen đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống. Giá thành chi phí một m3 nước sạch là 2.000đ); Công nghệ chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện bằng dung dịch điện hoạt hóa Anolit được sản xuất từ nước muối bằng thiết bị ECAWA-120 do Trung tâm Phát triển công nghệ cao (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chế tạo, có công suất 120 lít/giờ (Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ trước đây sử dụng hóa chất khử trùng Cloramin-B rất tốn kém, nay thay thế bằng dung dịch điện hoạt hóa Anolit để khử trùng đã mang lại hiệu quả cao. Mỗi ngày tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ, máy ECAWA-120 sản xuất được 800 lít dung dịch Anolit, đủ để khử trùng cho toàn bộ bề mặt của các phòng khám chữa bệnh, đủ cho bác sỹ rửa tay, dùng khử trùng máy thở, khử trùng đồ vải và các vật dụng y tế khác trong bệnh viện. Ngoài ra, Bệnh viện còn được chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất dung dịch Javen dùng để ôxy hóa các chất màu, tẩy trắng vải sợi, khử trùng nước sinh hoạt và các vật dụng y tế). Dự án khoa học “Ứng dụng công nghệ mới, tăng cường các biện pháp quản lý chất thải y tế nguy hại và chống nhiễm khuẩn” sau một thời gian triển khai đã giúp cho Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có được một hệ thống xử lý CTYT nguy hại (rác thải, nước thải), hệ thống xử lý cấp nước sạch và hệ thống điều chế chất khử trùng, khử khuẩn trong bệnh viện đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phù hợp và đáp ứng được với các điều kiện của bệnh viện, giúp giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại chỗ và xung quanh bệnh viện do chất thải phát sinh từ hoạt động bệnh viện, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và lây chéo trong bệnh viện. Với mức vốn đầu tư không quá lớn, trên 3,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương, dự án hoàn toàn có thể nhân rộng ra các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước, góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và lây nhiễm mầm bệnh từ chất thải y tế gây ra. Vấn đề đặt ra hiện nay là sự quan tâm của chính quyền các cấp bố trí kinh phí đầu tư cho các hạng mục xử lý CTYT ./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=477392&co_id=30087