Xử lý các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ở Gia Lai

ND - Theo tin từ Công an tỉnh Gia Lai, trong hai năm 2008 và 2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố sáu vụ, bắt giữ 13 đối tượng phạm tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến các vụ vỡ nợ xảy ra trong năm 2008 tại TP Plây Cu, với số tiền chiếm đoạt của 25 người là hơn 131,492 tỷ đồng.

Đến nay, Công an TP Plây Cu và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiếp tục nhận đơn của 169 người, tố cáo 36 đối tượng ở TP Plây Cu trốn nợ với số tiền hơn 115,643 tỷ đồng. Trong đó, có 22 vụ mới phát sinh, chủ yếu từ tháng 11-2009 đến nay, liên quan đến 76 người, số tiền trốn nợ hơn 89,801 tỷ đồng. Ngoài ra Công an TP Plây Cu còn phát hiện thêm tám vụ vỡ nợ khác, liên quan đến số tiền trốn nợ khoảng 26 tỷ đồng, nhưng các đương sự chưa có đơn yêu cầu Công an can thiệp. Đặc biệt, có doanh nghiêp tư nhân người nước ngoài ở xã Chư HDrông đã tuyên bố phá sản, nợ khoảng 16 tỷ đồng. Việc điều tra xác minh các đơn tố cáo trốn nợ gặp khó khăn do chứng cứ không đầy đủ. Đáng chú ý, có 17 đối tượng vay nợ của 48 người số tiền hơn 13,318 tỷ đồng đã trốn khỏi địa phương hoặc đang tìm cách lánh mặt. Nhiều đối tượng liên quan các vụ vỡ nợ vừa là chủ nợ, vừa là con nợ nên thực tế số tiền thất thoát bao nhiêu cơ quan điều tra chưa làm rõ được. Nguyên nhân của các vụ vỡ nợ xảy ra là do: Trước đó, nhiều người đã vay tiền của các Ngân hàng nhưng không có khả năng thanh toán, đến kỳ trả nợ trước phải đi vay của cá nhân, doanh nghiệp với lãi suất cao để đáo nợ. Khi Ngân hàng siết chặt việc cho vay đã dẫn đến vỡ nợ; do hám lời, nhiều người đi vay để cho vay lại với lãi suất cao hơn từ 2 đến 9,3% tháng; người vay để kinh doanh nhưng thua lỗ cộng với chi trả lãi suất quá cao trong một thời gian dài không còn khả năng thanh toán; nhiều người vay để đóng hụi, bị giật hụi; nhiều người vay, sử dụng vào mục đích cá nhân, thời gian kéo dài, vay của người này, trả cho người khác với lãi suất cao hơn, cuối cùng không ai cho vay nữa nên đã bỏ trốn hoặc tìm cách lánh mặt... Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành, nhất là ngành Công an tập trung điều tra, xác minh, sớm có kết luận. Đối với những vụ đã có dấu hiệu tội phạm thì kiên quyết khởi tố điều tra, để xử lý hình sự; những vụ mang tính chất dân sự sẽ hướng dẫn đương sự khởi kiện tại Tòa án. Công an tỉnh đã triển khai các biện pháp đấu tranh ngăn chặn, đề phòng xảy ra các vụ thanh toán, đâm chém nhau, gây rối, siết nợ xảy ra. Đây là bài học cảnh báo cho người dân ở các địa phương do hám lợi cho vay nặng lãi, hoặc kinh doanh không lường hết được những rủi ro... QUỐC NHẬT

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=165703&sub=67&top=40