Xôi gấc – Sắc đỏ may mắn trong mâm cỗ ngày Tết

Xôi gấc được coi là một món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết. Sắc đỏ của gấc tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc và đủ đầy trong năm mới.

Xôi gấc nấu không khó, nhưng cầu kì hơn hẳn so với xôi trắng. Chọn quả gấc chín cây thật ngon, bổ đôi lấy phần cơm thịt phía trong đem tán nhuyễn với một chút rượu trắng để xôi lên màu đỏ đẹp. Cho phần gấc đã tán nhuyễn và cả hạt gấc vào trộn đều với gạo nếp đã ngâm rồi đồ chín thành xôi. Xôi gấc chín tới đỏ thẫm, hạt gạo nở đều, thơm thơm, ngậy ngậy mùi gấc chín, mùi lúa mới.

Xôi gấc nấu nhạt có thể ăn cùng giò lụa, vị giò lụa hơi đậm một chút nhưng vẫn thanh thanh, không quá nhiều dầu mỡ khiến vị gấc vẫn còn thoang thoảng, lại đậm đà hơn hẳn. Xôi gấc nấu đậm vị ngọt được ăn như một thức quà hơn là thưởng thức cùng những thịt thà, dưa hành của bữa cơm chính. Nhiều nhà thích hương vị mộc của xôi, của gấc thì chỉ trộn một chút đường rồi đơm luôn ra đĩa, vị ngọt dìu dịu quyện với cái dẻo dẻo của xôi, cái bùi bùi của gấc đã rất tròn vị rồi. Nhiều nhà cầu kì hơn, hảo ngọt hơn một chút thì sẵn đỗ đãi ngày tết đồ chín, nghiền ra rồi trộn thêm dừa sợi, đường cát làm thành lớp “nhân” cho đĩa xôi gấc, cái đỏ tươi hài hòa cùng cái vàng óng ả của đỗ xanh nom cũng bắt mắt hơn hẳn. Nhưng để làm xôi ngọt này cũng phải thật khéo léo nêm đường nêm đỗ, quá ngọt hay quá tay đỗ đãi thì đĩa xôi cũng…khó vơi trong những ngày Tết nhiều chất này.

Ngày Tết giờ đây cũng vội vã hơn và công nghiệp hơn, người ta có thể mua xôi gấc đơm thành đĩa ngay ngoài chợ để mang về thắp hương. Giá cũng không rẻ, nhưng tiện và đỡ việc cho các mẹ, các chị phần nào. Nhưng xôi nấu theo kiểu công nghiệp ấy chắc chắn chẳng thể ngon bằng xôi nhà làm, với thịt gấc thêm đẫy tay, đỏ rực, thỉnh thoảng lại có vài hạt gấc còn lẩn quất trong đĩa xôi. Muốn ăn xôi gấc ngon thật ngon bây giờ có thể tìm tới làng Kẻ Gạ (hay còn có tên là làng Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) – làng được coi là nấu xôi truyền thống ngon nhất Hà Nội ngày nay.

Bên cạnh món xôi gấc truyền thống, người ta còn làm thêm món xôi vò gấc – xôi gấc với đỗ xanh hấp chín nghiền nhỏ trộn chung. Vị xôi gấc ngọt khẽ, quện với đỗ xanh hơi mặn, bùi bùi lạ miệng. Xôi vò gấc thường chỉ để ăn chứ ít khi mang lên mâm cỗ Tết, có lẽ bởi hạt xôi rời, không thể xới thành đĩa đầy hay nèn khuôn. Món xôi này cũng phải làm thật khéo thì vị đỗ xanh mới không át đi cái mùi của gấc, ăn chơi chơi nhẩn nha cũng có cái thú vị riêng của nó.

Những món ăn truyền thống như xôi gấc, thịt đông, canh măng càng lúc càng dễ bị lãng quên trong xã hội hiện đại. Cũng dễ hiểu thôi, ngày Tết không còn là ngày duy nhất trong năm được “mâm cao, cỗ đầy” nữa, người ta giờ đây chỉ hay tìm đến những món ít ngấy, ít nếp để đỡ ngán. Dù sao thì, khi nào những người hoài cổ, những người truyền thống vẫn giữ lại những món ăn ngon lành, tưởng giản đơn mà tinh tế để nói cho con cháu biết về ngày Tết thì ngày đó, xôi gấc vẫn sẽ có mặt trong mâm cúng đầu năm thôi, phải không?

H.Di

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-am-thuc/xoi-gac-%e2%80%93-sac-do-may-man-trong-mam-co-ngay-tet