Xoay trục từ Ukraine sang Syria, Tổng thống Putin muốn gì? (P.1)

Mục đích chính trong chính sách xoay trục từ Ukraine sang Syria của Tổng thống Putin là đưa Nga thoát khỏi thế cô lập ngoại giao và lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây liên quan tới cáo buộc Moscow can thiệp vào chiến sự ở miền đông Ukraine.

Nhà báo người Nga Alexander Kalyagin nhận định bài phát biểu lần đầu tiên trong 10 năm qua của Tổng thống Vladimir Putin hôm 28/9/2015 trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã nhấn mạnh Moscow một lần nữa đóng vai trò then chốt trong các vấn đề mang tính quốc tế. Bản thân Tổng thống Putin nhấn mạnh ông muốn trở thành người thiết lập hòa bình trên thế giới.

Ngoài cuộc xung đột ở Ukraine, trọng tâm trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ của ông Putin là cuộc chiến tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS của Nga tại Syria cũng như đề xuất thành lập liên minh quốc tế với chính phủ của Tổng thống Bashar Assad nhằm tiêu diệt tận gốc nhóm khủng bố đang không ngừng lớn mạnh này.

Năm 2015 là năm nhiều biến động của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Sẽ là sai lầm lớn khi từ chối tham gia hợp tác cùng chính phủ và các lực lượng vũ trang Syria trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta cần thừa nhận rằng không ai ngoài quân đội của Tổng thống Assad và lực lượng dân quân người Kurd đang thực sự chiến đấu chống lại IS và các tổ chức khủng bố khác ở Syria", tờ The Moscow Times dẫn lời ông Putin.

Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Putin lại được xem là một phần trong chiến dịch 3 mặt trận được nhà lãnh đạo Nga phát động từ giữa cho tới cuối năm 2015 nhằm chuyển hướng chú ý của dư luận quốc tế và trong nước khỏi cuộc chiến ở Ukraine sang Syria. Nói cách khác đây là "Chiến lược xoay trục từ Ukraine sang Syria" của ông Putin.

Trên thực tế, chiến lược này đã tạo ra những phản ứng trái chiều với cộng đồng quốc tế. Bởi nhiều người cho rằng chính sách ngoại giao và quân sự mà Nga đang thi hành ở Syria là nhằm giúp chính quyền của Tổng thống Assad khỏi sự sụp đổ cũng như giúp Moscow thoát khỏi lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc chiến ở miền đông Ukraine.

Một năm đầy biến động

Ngay từ giai đoạn khởi đầu năm 2015, Tổng thống Putin đã có những bước đi chiến lược vô cùng mạnh mẽ. Sau đợt phản công của phe ly khai miền đông Ukraine giành lại quyền kiểm soát thị trấn Debaltseve từ tay chính phủ Kiev hồi tháng 1/2015, tới tháng Hai cùng năm, nhà lãnh đạo Nga đã kêu gọi các bên tham chiến ký kết thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 dưới sự giám sát của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Tuy nhiên, ông Putin cũng nhiều lần bị dồn vào thế bí. Khi vào mùa hè năm 2015, các lực lượng Ukraine đã chiếm lại thị trấn Debaltseve trong khi phương Tây tăng cường áp đặt lệnh trừng phạt nhằm cô lập kinh tế và chính trị Nga. Trước sức ép từ lệnh cấm vận kinh tế do Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt hồi năm 2014 cùng tình trạng giá dầu thế giới sụt giảm, nền kinh tế Nga chịu tác động không nhỏ.

Nhân viên kỹ thuật Nga trang bị tên lửa cho máy bay chiến đấu tại căn cứ không quân Khmeimim gần Latakia, Syria.

Đây là lý do khiến ông Putin phải tìm cách thay đổi cuộc chơi và bình thường hóa quan hệ với phương Tây trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư Syria tác động tới toàn thế giới hồi đầu mùa hè năm 2015. Về phần mình, Nga vẫn duy trì mối quan hệ mật thiết với Tổng thống Assad trong suốt hơn 4 năm quốc gia này rơi vào nội chiến.

Theo chuyên gia nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế nổi tiếng tại Nga, ông Vladimir Frolov, chiến thuật này được gọi là "tống tiền địa chính trị". Cụ thể, bằng cách tạo cho mình vị thế là một rào cản tất yếu trong tiến trình đưa đến giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm tại Syria, ông Putin hy vọng các quốc gia phương Tây sẽ phải ngồi xuống bàn đàm phán và xóa bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.

Đây được xem là một bước đi táo bạo khi mà Tổng thống Putin đặt cược cả nỗ lực ngoại giao và quân sự để thỏa hiệp với phương Tây về một giải pháp hòa bình cho cả Ukraine và Syria. Việc làm này chứng tỏ ông Putin muốn phá bỏ sự cô lập ngoại giao sau khi phương Tây cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Khi xung đột ở vùng Donbass đóng băng, đây chính là yếu tố giúp nhà lãnh đạo Nga giành được thêm sự ủng hộ từ dư luận trong nước.

"Họ muốn lái chủ đề Ukraine ra khỏi các cuộc thảo luận để từ đó điện Kremlin giảm can thiệp vào cuộc chiến ở Donbass đồng thời khắc họa các phần tử hồi giáo ở Syria mới là kẻ thù số 1 của Moscow", chuyên gia Frolov nói.

Bước đi này đã giành được thắng lợi trên một số khía cạnh song cũng gặp không ít thất bại. Mặc dù Mỹ và Nga đã tiến hành các cuộc thảo luận cấp cao nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho Syria hồi tháng Năm và chấm dứt sự cô lập ngoại giao nhưng phương Tây vẫn chưa có ý định từ bỏ lệnh trừng phạt áp đặt với Moscow liên quan tới Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Putin đã gắn chặt số phận của chính quyền Syria với nước Nga đồng thời đe dọa rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này nếu như một thỏa thuận hòa bình không được đưa ra trong năm 2016.

Chính sách xoay trục

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhiều lần nhấn mạnh sẵn sàng ngồi xuống bàn đàm phán với Nga nhất là sau sự kiện Moscow được mời tham gia chương trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Assad hồi năm 2013.

Song liên quan tới chủ đề Ukraine, Nga và phương Tây vẫn tồn tại nhiều điểm bất đồng nhất là khi giới chức phương Tây cáo buộc Moscow điều động quân đội và hỗ trợ vũ khí cho phe ly khai ở miền đông Ukraine. Sau nhiều lần phủ nhận, hôm 17/12/2015, lần đầu tiên Tổng thống Vladimir Putin thừa nhận quân nhân Nga từng "tham gia một số nhiệm vụ quân sự" tại vùng chiến sự miền đông Ukraine.

Nữ binh sĩ thuộc phe ly khai miền đông Ukraine chiến đấu gần sân bay quốc tế Sergey Prokofiev.

Ngay cả cơ hội để Nga và phương Tây xích lại gần nhau trong cuộc chiến chống khủng bố hồi đầu năm 2015 sau vụ tấn công nhằm vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Pháp, cũng đã bị lu mờ trước những bất đồng về cuộc chiến ở Ukraine.

Dù vị thế của Nga trên trường quốc tế đã được nâng lên đáng kể khi Moscow quyết định triển khai chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Syria song mối quan tâm lớn của phương Tây vẫn là tình hình tại Ukraine. Trên thực tế, bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ là cơ hội để nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh chính sách xoay trục từ Ukraine sang Syria cũng như mở ra cơ hội hợp tác giải quyết tình hình chiến sự ở Ukraine và Syria.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga vẫn đang tăng cường điều động vũ khí, thiết bị, máy bay và cả quân nhân tới chiến đấu ở chiến trường Syria. Hành động này cho thấy Moscow sẽ còn can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến ở Syria.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Moscow Times - tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu tại Nga, phát hành từ năm 1992. The Moscow Times thuộc sở hữu của công ty Truyền thông Độc lập, công ty xuất bản truyền thông lớn của Nga.

MINH THU (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/xoay-truc-tu-ukraine-sang-syria-tong-thong-putin-muon-gi-p1-post189208.info