Xóa rào cản để hiểu biết lẫn nhau

Xóa bỏ những rào cản, hiểu biết nhau hơn nhằm thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và CHLB Đức, nhất là khi Hiệp định thương mại Việt Nam – EU được ký kết và thực thi là điều mà Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng khẳng định trong cuộc phỏng vấn với DĐDN nhân dịp đầu xuân 2016.

SONY DSC

– Thưa ông, đánh giá khái quát về tình hình hợp tác kinh tế Việt Đức hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hai nước. Theo ông, đâu là lý do cơ bản nhất?

Đúng. Với thương mại hai chiều khoảng 8 tỷ USD, FDI của Đức vào Việt Nam chưa đến 1,5 tỷ USD và Đức là nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới, ta không thể cho quan hệ hợp tác kinh tế hai nước là tương xứng với tiềm năng được. Theo tôi, ở đây có cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về khách quan, khoảng cách địa lý và rào cản ngôn ngữ giữa hai nước là yếu tố khiến doanh nghiệp hai bên còn ngần ngại. Bên cạnh đó, còn nhiều thị trường khác thu hút sự chú ý của DN Đức như Trung Quốc, Ấn Độ; còn nhiều nhà đầu tư khác hấp dẫn Việt Nam hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Về chủ quan, hiểu biết của DN Đức về Việt Nam còn hạn chế, trong khi các Bộ ngành, địa phương và DN Việt còn chưa mạnh dạn tiếp cận thị trường Đức, hoặc triển khai nhưng thiếu đồng bộ, chiều sâu và tính chuyên nghiệp cần thiết. Mặt khác, chúng ta thường có tâm lý nóng vội, mong đạt kết quả sớm, thiếu bền bỉ để theo đuổi các dự án tiềm năng.

Đáng mừng là sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhiều DN Đức đã quan tâm hơn đến Việt Nam. Bắt đầu có những DN Đức liên hệ với Đại sứ quán, với tôi để trao đổi về khả năng làm ăn với Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cần tận dụng để mở rộng hợp tác kinh tế song phương, Đại sứ quán coi thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại hai nước là nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới.

Hiểu biết của DN Đức về Việt Nam còn hạn chế, trong khi các Bộ ngành, địa phương và DN Việt còn chưa mạnh dạn tiếp cận thị trường Đức, hoặc triển khai nhưng thiếu đồng bộ, chiều sâu và tính chuyên nghiệp cần thiết.

– Tại chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới CH LB Đức vừa rồi, các nhà lãnh đạo đã thống nhất tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước , đặc biệt là tăng cường hơn nữa thương mại – đầu tư. Điều này sẽ được thể hiện bằng những mục tiêu cụ thể thế nào, thưa Đại sứ?

Lãnh đạo hai bên đều cho rằng tiềm năng còn rất lớn, và rằng chúng ta có thể nêu định hướng phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 – 20 tỷ USD và đầu tư lên 5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Đây là những mục tiêu hoàn toàn có tính khả thi. Để đạt các mục tiêu đó, trong những năm tới, hai bên sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả một số dự án “hải đăng” của hợp tác song phương như Ngôi nhà Đức và tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP. HCM. Chúng ta cũng khuyến khích DN hai nước tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu như công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, y tế, hàng tiêu dùng, nông thủy sản… Phía Đức cũng đề xuất việc thành lập Phòng Thương mại và công nghiệp Việt – Đức ở Việt Nam để thúc đẩy quan hệ kinh tế và chúng ta sẽ nghiên cứu về khả năng này. Bạn cho biết đã lập tổ chức tương tự ở khoảng 90 nước và điều đó mang lại hiệu quả thiết thực cho thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương.

Triển lãm công nghệ in của CHLB Đức tại Hà Nội

– Như Đại sứ từng nói: “Sự thiếu hiểu biết lẫn nhau là một trở ngại rất lớn làm cho đầu tư của các DN Đức vào Việt Nam còn rất thấp.” Với cương vị Tân Đại sứ của mình, ông dự định giải quyết vấn đề này bằng phương thức mới như thế nào?

Khi tôi sang nhận nhiệm vụ tại đây, nhiều bạn Đức cho biết người Đức hiểu về Việt Nam hiện tại ở mức rất hạn chế. Nhiều người còn nói rất ngỡ ngàng về sự thay đổi của Việt Nam những năm qua, mà đến bây giờ họ mới biết. Do đó, làm cho người Đức hiểu chúng ta hơn là một việc rất quan trọng. Không hiểu biết nhau thì rất khó hợp tác. Đây là nhiệm vụ, đồng thời cũng là thách thức lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Đại sứ quán với các Bộ ngành, địa phương và DN trong nước. Chúng ta cần nâng cao hiểu biết và nhận thức của chính quyền, DN và nhà đầu tư Đức về Việt Nam. Thời gian tới, Đại sứ quán sẽ phối hợp chặt với các cơ quan, ban ngành trong nước đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư theo hướng thực chất, hiệu quả hơn, sẽ tích cực đi sâu, vươn xa tới các bang, các thành phố của Đức, nhất là với các địa phương có thực lực về kinh tế và công nghệ, để giới thiệu cơ hội và tiềm năng kinh doanh ở Việt Nam, làm cho bạn bè, đối tác Đức thấy Việt Nam là điểm đến xứng đáng và triển vọng cho hàng hóa, dịch vụ, công nghệ và đồng vốn của mình. Ở chiều ngược lại, Đại sứ quán sẽ đồng hành, tư vấn cho địa phương và DN Việt Nam lựa chọn đối tác và cách tiếp cận phù hợp để hiện thực hóa các cơ hội làm ăn, tập trung tiếp thị xuất khẩu những sản phẩm chủ lực của Việt Nam như nông sản, chè, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ… sang thị trường Đức. Ta cũng cần hướng thúc đẩy hợp tác với Đức sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao để xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả thị trường Đức và EU.

– Theo ông, nếu Hiệp định thương mại Việt Nam với EU được ký kết và thực thi sẽ tạo động lực gì mới cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư hai nước? DN Việt Nam có thể tận dụng cơ hội gì mới từ nền kinh tế thứ tư thế giới và dẫn đầu EU này?

Sau khi được phê chuẩn và có hiệu lực, FTA Việt Nam-EU sẽ tạo ra khuôn khổ mới thuận lợi cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam thâm nhập thị trường Đức và EU nói chung. Tuy vậy, cần khẳng định ngay rằng DN Việt Nam chỉ có thể tranh thủ được những thuận lợi về thuế quan và đãi ngộ ấy nếu đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe của Châu Âu về chất lượng của sản phẩm và dịch vụ. Nói cách khác, hàng rào lớn nhất mà DN Việt Nam cần vượt qua là chính bản thân mình. Một khi chúng ta làm ra những sản phẩm tốt, cung cấp những dịch vụ tốt, đảm bảo tiêu chí của bạn hàng Châu Âu, thì chắc chắn những ưu đãi của FTA Việt Nam-EU sẽ chờ đợi chúng ta ở phía trước.

– Tại Đức có một cộng đồng DN Việt Nam không nhỏ, tuy nhiên tiềm lực còn yếu. Theo ông, làm thế nào để họ có thể tận dụng cơ hội để phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế của nước Đức và phát huy được vai trò cầu nối kinh tế hai nước?

Theo thống kê không chính thức, trong cộng đồng 130.000 người Việt Nam ở CHLB Đức, có tới 15.000 DN. Số lượng tuy lớn, nhưng đa phần mới là kinh tế hộ gia đình, số DN quy mô lớn, tiềm lực mạnh còn ít. Đây cũng là điều dễ hiểu khi bà con phải vượt qua một quãng thời gian dài và vất vả sau khi nước Đức thống nhất để ổn định cuộc sống. DN Việt kiều chỉ thực sự ăn nên làm ra những năm gần đây, và chủ yếu mới thành công trong những “khoảng trống” của nền kinh tế Đức, như xuất nhập khẩu nông sản Châu Á, ẩm thực, làm nail, bán hoa… chứ chưa cạnh tranh sòng phẳng được với DN Đức.

Bởi vậy, mục tiêu trước mắt của DN Việt vẫn là đứng vững trên đôi chân của mình, từng bước phát triển và hội nhập vào nền kinh tế Đức, và phát huy vai trò cầu nối giúp địa phương và DN trong nước tiếp cận thị trường Đức. Cơ hội của DN trong nước chính là cơ hội của DN kiều bào tại Đức. Mặt khác, bà con người Việt ở Đức rất chú trọng việc học tập của con cái. Việc quan tâm đào tạo thế hệ người Việt thứ hai giỏi tiếng Đức, có bằng cấp chính quy của Đức, là một cách đầu tư hết sức hiệu quả cho việc phát triển cộng đồng DN Việt tại Đức trong tương lai. Tôi nghĩ rằng, biết tận dụng cơ hội do quan hệ hai nước mở ra hôm nay, trong tương lai không xa sẽ có những DN kiều bào ta tại Đức có khả năng bứt phá, tham gia làm cầu nối hoặc vào chuỗi sản phẩm hợp tác Việt- Đức, và sẽ rất thành công. Đại sứ quán sẽ đồng hành, hỗ trợ và chúc cho các DN người Việt tại Đức thành công nhiều hơn nữa.

– Xin cảm ơn ông!

Hà Linh thực hiện

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/xoa-rao-can-de-hieu-biet-lan-nhau.html