Xóa lò giết mổ gia súc, gia cầm thủ công: Cách nào?

Lợn được giết mổ ngay trên sàn nhà bẩn thỉu, hôi hám. KTNT - Do nhiều nguyên nhân mà các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vẫn tồn tại như “cái gai” trong các khu dân cư, là điểm nóng gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; còn các điểm giết mổ tập trung lại đìu hiu. Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần vào cuộc, kiểm soát chặt các lò mổ tự phát, hướng tới xây dựng hệ thống giết mổ công nghiệp.

Lợn được giết mổ ngay trên sàn nhà bẩn thỉu, hôi hám.

KTNT - Do nhiều nguyên nhân mà các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vẫn tồn tại như “cái gai” trong các khu dân cư, là điểm nóng gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; còn các điểm giết mổ tập trung lại đìu hiu. Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần vào cuộc, kiểm soát chặt các lò mổ tự phát, hướng tới xây dựng hệ thống giết mổ công nghiệp.

Bài 1: Thực trạng đáng báo động

Nước ta hiện có hơn 17.000 lò giết mổ gia súc, gia cầm, chủ yếu là lò mổ thủ công nên rất mất vệ sinh và là nguyên nhân phát sinh dịch bệnh. Trong khi đó, hầu hết các địa phương chưa có quy hoạch lò mổ rõ ràng hoặc có nhưng vẫn chỉ trên… giấy.

Ô nhiễm khắp nơi

Một trong những điểm nóng về ô nhiễm lò mổ ở Hà Nội là thôn Bái Đô, xã Tri Thủy (Phú Xuyên), nơi có nghề giết mổ theo phương thức thủ công lâu đời. Hầu hết các cơ sở giết mổ ở đây không được che chắn cẩn thận nên ruồi, nhặng bu đầy. Hệ thống cống, rãnh tại thôn Bái Đô đa phần bị tắc nghẽn, ứ đọng, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nghiêm trọng hơn, một số hộ tiêu thụ không hết số xương tươi đã đóng bao, đem ngâm ở mương khiến nguồn nước sinh hoạt của thôn bị ô nhiễm nặng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Anh Nguyễn Thành Trung, người dân trong thôn bức xúc nói: “Hàng ngày các cơ sở giết mổ trâu - bò thải phân, tiết cộng với xương động vật bừa bãi khắp nơi. Trời mưa nước thải chảy lênh láng, mùa hè mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Không có điểm tập kết chất thải, nhiều hộ còn vứt xương khắp bờ ruộng”.

Ông Phạm Chức, Trưởng thôn Bái Đô cho biết: “Người dân đã nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm tới các cấp chính quyền; cơ quan chức năng cũng đã về lấy mẫu nước giếng khoan xét nghiệm. Theo kết quả đánh giá, nguồn nước ăn không sử dụng được. Tuy nhiên, người dân vẫn phải bơm và dùng bể lọc để lấy nước sinh hoạt hằng ngày”.

Xóa lò giết mổ gia súc, gia cầm thủ công: Cách nào?

Ngoài Tri Thủy, xã Nhị Khê (Thường Tín) cũng đang nổi lên là “điểm nóng” về ô nhiễm lò mổ. Người dân nơi đây rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường do lò mổ của một vài hộ gây ra. Chị Nguyễn Thị Hiền, người dân trong xã cho biết: “Mỗi ngày có đến cả trăm con lợn được vận chuyển bằng xe tải về đây, sau đó, chúng được giao cho những người buôn bán nhỏ lẻ chuyên chở bằng xe máy rồi đưa đến các khu vực trong nội thành. Vì không có hệ thống xử lý chất thải nên các lò mổ gây ô nhiễm trầm trọng”.

Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP.Hà Nội) đã bất ngờ kiểm tra lò mổ của Công ty cổ phần Thịnh An ở thôn 3, xã Vạn Phúc (Thanh Trì) và phát hiện lò mổ này có những dấu hiệu vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, nước thải ở đây chỉ được xử lý sơ qua, sau đó xả thẳng ra sông Hồng qua hệ thống đường cống bê - tông. Phòng Cảnh sát môi trường đang phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu nước để phân tích đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước tại đây cũng như môi trường xung quanh.

Thiếu quy hoạch

Theo số liệu điều tra của Cục Thú y, cả nước có tới 17.129 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó chỉ có 617 cơ sở giết mổ tập trung, chiếm tỷ lệ 3,6%; có tới 64,5% cơ sở giết mổ gia cầm nằm trong khu dân cư và 78% cơ sở giết mổ có hệ thống xử lý nước thải nhưng rất đơn giản, hiệu quả xử lý thấp. Hầu hết các tỉnh chưa có quy hoạch lò mổ rõ ràng, tình trạng lò mổ tự phát mọc lên như nấm và khó kiểm soát.

Sau khi cùng đoàn công tác kiểm tra bất ngờ các lò giết, mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.Hà Nội vào rạng sáng 17/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đánh giá: “Có 3 vấn đề đang tồn tại ở các khu mổ. Đó là, lợn vẫn giết mổ theo kiểu thủ công không đúng quy trình kỹ thuật cũng như không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, song cán bộ thú y tại đây vẫn cho đóng dấu kiểm dịch an toàn. Mặt khác, việc chuyên chở lợn trên xe máy không đúng quy định và còn tồn tại việc không đóng dấu kiểm dịch khi lợn đã giết mổ xong và vận chuyển đi tiêu thụ”.

Đơn cử như tại Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có khoảng 800 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nhưng hầu hết đều không đạt chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Vấn đề sắp xếp, quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã được tỉnh này đặt ra từ lâu. Trên thực tế, đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đòi hỏi vốn lớn nhưng khi đi vào hoạt động lại không đủ sức cạnh tranh với lò mổ thủ công khiến nhiều nhà đầu tư dè dặt. Ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Từ nay đến năm 2015, chúng tôi tiến hành xúc tiến xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung đạt chuẩn. Trên cơ sở quy hoạch, các địa phương vận động kêu gọi đầu tư, vì ngân sách địa phương không thể thực hiện được”.

Cục Thú y là đơn vị được giao phụ trách kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong các lò mổ, nhưng với lực lượng vừa mỏng, vừa hạn chế về quyền hạn xử lý nên các lò mổ lậu dễ dàng hoạt động.

Để bảo đảm an toàn vệ sinh và xây dựng quy hoạch bài bản cho các lò mổ, cơ quan chức năng cần phối hợp với các địa phương xây dựng quy hoạch các cơ sở giết mổ theo hướng tập trung, hiện đại, giảm tối đa số lượng nhỏ lẻ. Đồng thời, phải có chế tài xử lý nghiêm các lò mổ nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh để chấn chỉnh hoạt động của các lò mổ này nhằm xây dựng hệ thống giết mổ công nghiệp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Duy Phong

Bài 2: Doanh nghiệp “sa lầy”

Thanh Hóa: Còn nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ

Thanh Hóa hiện có trên 2.500 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tự phát, phân tán trong các khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường...

Nơi tấp nập, chốn quạnh hiu

Có một điều đáng buồn đang tồn tại không chỉ ở Thanh Hóa mà nhiều nơi trên địa bàn cả nước là những lò giết mổ tập trung được đầu tư hiện đại, khoa học, đảm bảo vệ sinh… lại vắng hoe, trong khi những điểm giết mổ nhỏ lẻ ngày càng nở rộ.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở giết mổ Phú Sơn thuộc phường Phú Sơn (TP.Thanh Hóa). Cơ sở này được đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại, rộng rãi, công suất vài trăm con gia súc/ngày đêm. Lúc đầu cơ sở cũng có người đem gia súc, gia cầm đến giết mổ, nhưng cứ thưa dần, thưa dần. Hiện, cơ sở này đã đóng cửa.

Cơ sở giết mổ Phú Sơn được đầu tư xây dựng hiện đại nhưng "đắp chiếu" từ lâu vì không có khách.

Cũng rơi vào tình trạng ế ẩm là các lò mổ ở hai phường Nam Ngạn và Đông Vệ. Tại đây, chính quyền địa phương đã dành một diện tích khá lớn để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, tuy nhiên chỉ được một thời gian, những cơ sở này lại rơi vào tình trạng “đắp chiếu”.

Trái ngược với những cơ sở giết mổ hiện đại, các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn tấp nập người ra vào. Tại điểm giết mổ gia súc tự phát xã Định Liên (huyện Yên Định), qua quan sát, chúng tôi thấy có trên dưới 10 con trâu, bò đang bị treo cổ ngược lên, dao thớt đã được chuẩn bị sẵn, có nhiều người từ các nơi đổ về chờ lấy thịt mang đi tiêu thụ.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có 2.836 điểm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 184 điểm, cơ sở giết mổ trâu - bò; 2.427 điểm, cơ sở giết mổ lợn; 235 điểm, cơ sở giết mổ gia cầm. Trong số này chỉ có 10 cơ sở giết mổ tập trung, phân bố ở các đô thị lớn, khu đông dân cư như: TP.Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Sầm Sơn, các huyện Hoằng Hóa, Yên Định… Tuy nhiên, các cơ sở này hoạt động cầm chừng hoặc không hiệu quả.

Cần quy hoạch lại

Theo anh Lê Văn Quy, chuyên viên Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa): “Nguyên nhân dẫn đến việc các lò giết mổ tập trung không hoạt động được, trong khi các điểm giết mổ nhỏ lẻ ngày một nhiều là do ý thức của người dân còn chưa cao, bà con vẫn giữ cách giết mổ truyền thống. Nguyên nhân nữa là các điểm giết mổ nhỏ lẻ không bị đánh thuế, không bị kiểm tra gắt gao, trong khi giết mổ tập trung chi phí cao, lại phải đóng thuế nên đa phần người dân không muốn đến các điểm giết mổ tập trung”.

Ông Võ Sinh Huy, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa thừa nhận: “Đây là thực trạng không chỉ tồn tại ở Thanh Hóa, mà còn là bài toán khó giải ở nhiều địa phương khác. Chúng ta vẫn giữ nền sản xuất nhỏ lẻ, nên giết mổ tư nhân tăng. Ngoài ra, tập quán của người Việt Nam là thích dùng đồ tươi sống, ít dùng đồ đông lạnh nên các lò giết mổ tập trung chưa có đất phát triển”.

“Bên cạnh đó, nhiều nơi chính quyền còn lơ là, chưa thực sự quyết liệt trong quản lý giết mổ, công tác kiểm tra, kiểm dịch còn yếu. Để dẹp bỏ, không còn cách nào khác, chúng ta phải có chính sách quy hoạch lại hệ thống giết mổ, cần sự vào cuộc hơn nữa của các cấp chính quyền”, ông Huy nói.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo các địa phương cần phải chấn chỉnh, thực hiện ngay các biện pháp cấp bách trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn theo phương châm vừa tích cực vận động, tuyên truyền, thu hút các hộ kinh doanh vào các điểm giết mổ tập trung, vừa xây dựng chế tài, khung pháp lý cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định của người dân.

Thanh Tuấn

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/vandesukien/2012/4/33780.html