Xóa đói giảm nghèo ở tỉnh nghèo nhất nước

Từ một tỉnh có tỷ lệ hộ dân đói nghèo cao nhất nước, sau 5 năm chia tách, Lai Châu đã có những bước bứt phá mạnh trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt thời gian gần đây, thực hiện các chương trình hỗ trợ của Trung ương, các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thoát khỏi vị trí “tỉnh nghèo nhất nước”. Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Lai Châu vẫn còn không ít cam go...

Luôn là mục tiêu hàng đầu Đồng chí Lò Văn Giàng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu khẳng định: Ngay từ khi vừa thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lai Châu (1-1-2004) cho đến nay, xóa đói, giảm nghèo luôn là mục tiêu hàng đầu của tỉnh. Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới rất khó khăn về cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân 20 dân tộc anh em trên địa bàn còn nhiều thiếu thốn. Vào thời điểm mới chia tách, trong số 90 xã, phường của tỉnh thì có tới 74 xã, phường khó khăn. Theo Chương trình 135 giai đoạn II, Lai Châu có tới 64 xã đặc biệt khó khăn. 80 xã trong tỉnh có đường giao thông tới trung tâm nhưng hầu hết chỉ là “đường giao thông một mùa”; mới chỉ có 33 xã, phường có điện lưới quốc gia, 9/90 xã, phường được công nhận phổ cập trung học cơ sở. 5 năm trước, toàn tỉnh có 50.913 hộ thì hộ đói, nghèo (theo tiêu chí cũ) là 15.932 hộ, chiếm tới 31,2%, trong đó huyện Than Uyên có 3.167 hộ, Tam Đường có 2.889 hộ, Phong Thổ có 3.119 hộ, Sìn Hồ 4.619 hộ. Cá biệt huyện Mường Tè có 3.469 hộ nghèo nhưng lại chiếm tới 49,84% số hộ toàn huyện. Một số dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như Cống 73%, Mảng 69%, La Hủ 68,5%; Si La 60,4%; Khơ Mú 42,7%... Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới đói nghèo là do trình độ nhận thức còn hạn chế của bà con. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo hình thức cấy chay (không dùng phân bón), canh tác một vụ và chăn nuôi thả rông gia súc, gia cầm. Thêm vào đó, việc điều kiện tự nhiên phức tạp, xa trung tâm kinh tế, thiếu đất canh tác, thiếu vốn sản xuất, thiếu lao động... Trước những khó khăn đó, tỉnh Lai Châu đã chủ động kết hợp mọi chính sách hỗ trợ của Trung ương với phát động phong trào toàn dân giúp nhau “xóa đói, giảm nghèo”. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo, đồng thời trực tiếp phân công các sở, ban ngành, lực lượng vũ trang giúp đỡ 50 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, trong đó Bộ đội Biên phòng giúp 10 xã biên giới, Bộ CHQS tỉnh giúp 2 xã... Cũng theo đồng chí Lò Văn Giàng thì trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh, lực lượng vũ trang luôn đóng vai trò hết sức quan trọng. Các lực lượng quân sự của Quân khu 2, Bộ CHQS tỉnh, Đoàn kinh tế quốc phòng, Bộ CHQS... đã tham gia tích cực trong việc tuyên truyền cho người dân, giúp di dân, tái định cư, xây dựng nhà đại đoàn kết, mái ấm biên cương... Nhờ những nỗ lực tổng hợp đó, đến năm 2009, Lai Châu đã giảm được hơn 30% tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới), vấn đề an ninh lương thực luôn được bảo đảm, bình quân lương thực đầu người đạt 412kg/năm. Mục tiêu của tỉnh tới năm 2010 là sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 30%. Các doanh nghiệp lớn trong nước tiếp sức Ngoài phần hỗ trợ vốn theo các hợp phần từ Chính phủ và các bộ, ngành theo từng giai đoạn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cam kết hỗ trợ khoảng 280 tỉ đồng để phát triển kinh tế-xã hội nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững tại 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ của tỉnh Lai Châu. EVN sẽ hỗ trợ 3 huyện phát triển mở rộng và hoàn thiện lưới điện nông thôn với kinh phí dự kiến 250 tỉ đồng nhằm đạt mục tiêu 100% xã có điện và đưa tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện tại 3 huyện từ 41% hiện nay lên gần 90% vào năm 2012. EVN cũng sẽ thực hiện quản lý và bán điện trực tiếp đến 100% xã và hộ dân có điện của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ bù đắp các khoản chi phí cho việc quản lý vận hành bán điện trên địa bàn để các hộ dân được mua điện trực tiếp từ Công ty Điện lực và hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ cho các hộ dân nghèo. Tập đoàn dự kiến chi 7,64 tỉ đồng để xóa nhà tạm theo hai hình thức hỗ trợ là xây dựng hoàn chỉnh 16 căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu là 24m2 (40 triệu đồng/căn) và hỗ trợ 1.400 hộ gia đình, mỗi hộ 5 triệu đồng để xây nhà. EVN cũng sẽ xây dựng 21 nhà bán trú dân nuôi tại 3 huyện với kinh phí bình quân 250 triệu đồng/nhà và một số nhà bán trú dân nuôi tại các trường trung học cơ sở (chi phí dự kiến 5,25 tỉ đồng). Tập đoàn sẽ hỗ trợ cho hoạt động giáo dục, đào tạo nghề, y tế cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và bố trí việc làm cho những người đã được đào tạo nghề vào làm tại các nhà máy của Tập đoàn trên địa bàn tỉnh như Nhà máy thủy điện Huổi Quảng – Bản Chát. Đối với Mường Tè và Sìn Hồ, hai huyện được đánh giá là nghèo nhất toàn quốc, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã cam kết hỗ trợ 180 tỉ đồng để phát triển kinh tế-xã hội nhằm xóa đói giảm nghèo cho đồng bào. VNPT sẽ xây dựng mới, đồng bộ một cơ sở dạy nghề tổng hợp tại thị trấn huyện Sìn Hồ và một trung tâm giáo dục thường xuyên tại thị trấn huyện Mường Tè. Ngoài ra Tập đoàn sẽ hỗ trợ đầu tư trang thiết bị và hướng dẫn, phối hợp triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa từ trung tâm y tế hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè tới Bệnh viện Bưu điện tại Hà Nội. Đồng thời tổ chức chương trình khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí hằng năm tại hai huyện và đào tạo, nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế của trung tâm y tế Sìn Hồ và Mường Tè, đầu tư toàn bộ trang thiết bị y tế cho tất cả các trạm y tế xã và hai phòng khám đa khoa khu vực tại hai huyện... Về giáo dục, VNPT sẽ hỗ trợ tiền ăn hằng tháng cho toàn bộ các cháu học sinh trung học cơ sở người dân tộc Mảng ở huyện Sìn Hồ trong 10 năm; tổ chức đào tạo dạy nghề cho con em địa phương của hai huyện và tạo việc làm cho các đối tượng tốt nghiệp tại các trường trung cấp nghề của Tập đoàn... Với sự nỗ lực của tỉnh, cộng với sự chi viện, tiếp sức của đồng bào cả nước, trong đó có các doanh nghiệp lớn, sự nghiệp “xóa đói, giảm nghèo” của Lai Châu đang hứa hẹn sự thành công. Bài và ảnh: Hoàng Trường Giang

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/2/97/97/84798/Default.aspx