Xem bản đồ thời nhà Thanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

NDĐT - Tấm bản đồ cổ Trung Quốc được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong những ngày qua đã thu hút hàng ngàn người tới để được tận mắt chiêm ngưỡng chứng lý không thể chối cãi về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, để thêm một lần khẳng định: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Tấm bản đồ cổ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, tài liệu có giá trị như một chứng cứ lịch sử do TS. Mai Ngọc Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Sau lễ trao tặng, đáp ứng nhu cầu được tận mắt chiêm ngưỡng chứng lý về chủ quyền Tổ quốc của rất nhiều người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã quyết định trưng bày tấm bản đồ cổ này tại phòng trưng bày Di sản văn hóa biển Việt Nam, từ nay cho đến 30-11-2012. Việc làm này cũng nhằm mong muốn thu hút nhiều nhiều hơn nữa sự quan tâm của các chuyên gia và nhiều bạn trẻ tới tham quan, tra cứu.

Bản đồ cổ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ được lập dưới thời nhà Thanh (Trung Quốc) vào năm Giáp Thìn 1904. Sau 30 năm lưu giữ, TS Mai Ngọc Hồng đã quyết định hiến tặng tư liệu đặc biệt giá trị này cho một địa chỉ tin cậy là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Trên bản đồ xác định rõ điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, cho thấy các quần đảo ở Biển Đông là Hoàng Sa, Trường Sa hoàn toàn nằm ngoài lãnh thổ quốc gia này.

Ngay lập tức, thông tin về tài liệu giá trị này đã thu hút đông đảo người dân đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để được tận mắt chiêm ngưỡng chứng lý không thể chối cãi về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Gặp ở Bảo tàng người đàn ông có nhiệm vụ giữ cửa, ông hào hứng cho hay, có lẽ từ ngày ông làm ở đây, chưa khi nào Bảo tàng lại đông khách như những ngày qua. Mà khách đến tham quan đều là những người tự thân có nhu cầu thực sự đến với Bảo tàng chứ không phải theo đoàn, theo đội như thường thấy. Già, trẻ đều có, họ đến với sự phấn khích và ra về cũng với nụ cười tự hào đến viên mãn.

Quả thật, Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, bằng chứng của chủ quyền biển đảo quốc gia đã có sức hút thật mạnh mẽ. Tôi bắt gặp trước mắt mình những công dân Việt Nam ở nhiều thế hệ, tất cả đều dõi nhìn chăm chú lên tấm bản đồ, nơi xác thực một cách đủ đầy những chứng lý của lịch sử.

Ông Nguyễn Văn Khang (Phương Mai, Hà Nội) cho biết, đã lâu lắm ông không đặt chân đến các Bảo tàng, nhưng câu chuyện của tấm bản đồ mà truyền hình, báo chí đăng tải suốt những ngày qua đã khiến ông chẳng thể ngồi yên. Hỏi con cháu địa chỉ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ông tự đạp xe đến đây để được nhìn thấy tận mắt tấm bản đồ.

Kế bên người đàn ông ấy, là nhóm sinh viên đến từ khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội. Có lẽ, những thông điệp được tìm thấy qua tấm bản đồ cổ đối với những cử nhân Lịch sử tương lai này chính là những bài học có giá trị thực tiễn vô cùng sinh động. Bởi thế, nơi trưng bày tấm bản đồ cũng chẳng khác nào một lớp học dạy về lịch sử trong những ngày qua.

Còn nhiều, nhiều lắm hình ảnh những người dân Việt Nam mà tôi được chứng kiến khi họ đích thân tìm đến Bảo tàng. Ông Nguyễn Văn Thọ, dẫu đã ở tuổi 75 vẫn lặn lội dẫn đứa cháu nội mới 6 tuổi của mình từ TP. Bắc Giang về Hà Nội để được trực tiếp nhìn và kể cho cháu nghe câu chuyện của lịch sử Việt Nam, của những người dân luôn yêu và quan tâm đến vận mệnh Tổ quốc mình. Ông bảo, có thể khi nghe có những điều cháu sẽ không hiểu hết, nhưng chắc chắn rằng đứa cháu nhỏ sẽ nhận biết được điều quan trọng và thiêng liêng nhất mà người ông muốn nói đến, chính là niềm tự hào và tình yêu đất nước.

Để thấy rằng, tấm bản đồ cổ không chỉ là một hiện vật giá trị của lịch sử, mà qua đó để nhìn thấy tình yêu vĩ đại của những người dân bình thường dành cho Tổ quốc. Tình yêu ấy đã không chỉ còn là "khái niệm", với những đứa trẻ mới cắp sách tới trường, với những cô cậu sinh viên đang ngập tràn nhiệt huyết, và những người nông dân chân phương giản dị..., dường như, có rất nhiều con đường khác nhau để họ tìm đến với tình yêu chung vĩ đại của mình.

Ngay cả với người trao tặng bằng chứng chủ quyền quốc gia cũng không ngờ rằng, tài liệu mà ông coi như "báu vật" trong sưu tập của mình lại có sức lan tỏa nhanh và rộng lớn đến thế. Cái ngày ông mua lại tấm bản đồ từ một người đàn ông luống tuổi, cách nay đã mấy chục năm rồi, đến giờ nhớ lại vẫn thấy có gì là lạ, chả khác nào một cơ duyên. "Ngay khi ông cụ khoe có tấm dư đồ cổ Trung Quốc và hỏi tôi có mua không, linh tính đã như mách bảo tôi có điều gì đó lạ lắm. Tôi lật xem, biết là bản đồ có từ thời nhà Thanh, liền đưa ông cụ 100 đồng, tương đương với hơn một tháng lương của tôi ngày ấy. Sau này xem kỹ và "giải mã" bản đồ, mới thật bất ngờ về nội dung thông tin và giá trị pháp lý của nó". TS Mai Ngọc Hồng kể chuyện.

Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ được NXB Thượng Hải xuất bản, in màu, bìa cứng và gấp gọn như một cuốn sách. Hai chữ “toàn đồ” trong tên gọi cũng có nghĩa là trọn vẹn bản đồ của đất nước Trung Hoa. Bởi thế, có thể khẳng định, đây là một cứ liệu lịch sử rất đáng tin cậy. Bởi thế, thông tin qua tấm bản đồ cũng đồng nghĩa với sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ biển đảo của đất nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Biết mình có trong tay một tư liệu quý lắm, rồi khi thấy tình hình Biển Đông đang nóng dần lên, người đàn ông ấy cũng đã nghĩ rằng mình cần phải góp một phần gì đó để thể hiện ý thức của một công dân yêu đất nước. "Tôi nghĩ rồi đến lúc Nhà nước ta cũng có thái độ rõ ràng về vấn đề tranh chấp biển Đông, thế là tôi quyết định tặng lại Nhà nước vật chứng này. Và nơi tôi chọn là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nơi hợp lý nhất để lưu giữ những tư liệu, hiện vật lịch sử". Quyết là thế, nhưng chỉ đến khi tấm bản đồ được "tới nơi" an toàn, ông Mai Ngọc Hồng mới yên tâm thực sự. Giờ nhớ lại, người đàn ông mới kể câu chuyện ông từng khóc tới mấy đêm vì sung sướng khi tìm lại được tấm bản đồ trong lúc kiểm kê tư liệu, ngay giữa lúc vấn đề Biển Đông đang nóng dần lên. Và cũng như những người dân Việt Nam yêu nước, ông đã hành động để chứng minh tình yêu của mình không chỉ dừng ở "khái niệm".

Nhà sử học Dương Trung Quốc ngay tại lễ trao tặng tấm bản đồ cổ cũng khẳng định, bản đồ đã cung cấp thêm một cơ sở quan trọng giúp các học giả Việt Nam và quốc tế trong các nghiên cứu về chủ quyền trên Biển Đông. “Tấm bản đồ có niên đại hơn 100 năm này không chỉ mang đến những thông tin lịch sử giá trị mà tự bản thân nó nói lên một thông điệp rằng, từ năm 1904, trong nhận thức của người Trung Quốc, chủ quyền đất nước của họ chỉ đến đảo Hải Nam. Đồng nghĩa, đây là một chứng lý lịch sử rõ ràng để khẳng định chủ quyền của đất nước Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Rằng từ rất lâu rồi Việt Nam đã thể hiện chủ quyền của mình trong các thư tịch, hành vi, bản đồ...”. Nhà sử học cũng khẳng định: không gì xóa bỏ được chứng cứ xác thực của lịch sử.

"Báo chí Trung Quốc cũng đã đưa tin về Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, và tôi tin, lương tri nhân loại, trong đó có nhân dân Trung Quốc" cũng sẽ công nhận sự thật từ lịch sử...". TS Mai Ngọc Hồng nói.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/dong-chay/xem-b-n-th-i-nha-thanh-t-i-b-o-tang-l-ch-s-qu-c-gia-1.361915